Thứ Tư, 28/09/2011 08:37

Vòng luẩn quẩn của tín dụng

Lạm phát tăng cao và liên tục trong những năm gần đây và đỉnh điểm dự báo có khả năng tăng ở mức trên 20% khiến Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đang phải tập trung tháo gỡ.

Nguyên nhân khá thống nhất được các bộ, ngành chỉ ra là tăng trưởng tiền tệ, tín dụng ở mức cao; đầu tư tăng, trong khi VN đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới nên chịu tác động kép.

Vòng xoáy của tín dụng

Trong một báo cáo gửi tới cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Bộ KHĐT cho rằng: “Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao là do cung tiền những năm qua có sự nới lỏng quá mức. Nếu như năm 2000, tỉ lệ cung tiền (M2) trên GDP của VN chỉ ở mức dưới 60% thì đến cuối năm 2010, tỉ lệ này đã lên đến trên 130% GDP (tổng dư nợ tín dụng trên 110% GDP). Mức tăng kỷ lục trong giai đoạn 2001-2011 chính là nguyên nhân gây lạm phát cao vào năm 2008: 19,9% và năm 2010: 11,8%, 9 tháng đầu năm 2011 tăng 18,16%”.

Chỉ ra nguyên nhân của nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng: “Chính sách lãi suất thấp được duy trì trong các năm trước đây, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng đã đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao. Chính điều này đã làm tăng tổng cầu có khả năng thanh toán, gây áp lực đẩy giá cả lên cao; từ đó lại dẫn đến nhu cầu phải tăng trưởng tín dụng để đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh theo mặt bằng giá mới và lại tác động đẩy giá cả lên cao.

Đây chính là vòng lẩn quẩn của tín dụng. Lạm phát cao lại đẩy lãi suất huy động và cho vay lên rất cao, vượt xa mức lợi nhuận của DN. Hậu quả là các DN khó khăn. Việc phá giá khá mạnh đồng VN cũng “góp gió” làm gia tăng lạm phát, trong khi các kênh đầu tư đều đóng băng, thì thị trường vàng, đôla sôi động và khó kiểm soát.

Hội thảo tổ chức tại TPHCM về “Kinh tế VN năm 2011, triển vọng 2012 và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015” do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, các chuyên gia cũng đồng quan điểm: Bội chi ngân sách những năm qua đều trên ngưỡng 5% GDP (chưa kể nguồn trái phiếu chính phủ), để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội.

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhấn mạnh: “Vốn đầu tư nhà nước tăng mạnh từ 115,1 nghìn tỉ đồng năm 2000 lên tới 371,3 nghìn tỉ đồng năm 2009, chiếm khoảng 40,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nợ công những năm gần đây đã đạt tới 18%/năm là mức quá cao. Song hiệu quả đầu tư quá thấp thể hiện ở chỉ số ICOR (hiện VN vào khoảng 10-12, cao nhất khu vực Châu Á). Ngoài ra, lạm phát cao còn do chi phí sản xuất tăng cao (chi phí đẩy) trong khi VN còn nhập khẩu lớn nguyên - nhiên - vật liệu phục vụ sản xuất, dẫn đến nhập khẩu lạm phát.

Để “kìm cương” lạm phát?

So sánh với mức lạm phát trên thế giới và khu vực, lạm phát ở VN luôn có tốc độ tăng cao, cho thấy những yếu kém nội tại của bản thân nền kinh tế. Theo số liệu của IMF, tốc độ tăng GDP 2010 của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển là 6,2%; các nước đang phát triển Châu Á 6,0%; trong khi các nền kinh tế phát triển là 1,6%, VN là 11,8%. Cơ cấu đầu tư bất hợp lý, DNNN vẫn chiếm tỉ trọng lớn, được phân bổ các nguồn lực chiếm tới 40% tổng đầu tư xã hội, nhưng khu vực này hoạt động còn kém hiệu quả được xem là nguyên nhân cơ bản gây bất ổn định các cân đối vĩ mô và là yếu tố thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích: Tỉ lệ đầu tư công từ 40% thậm chí lên tới 60% các năm 2008-2009 đã tạo sức ép rất lớn lên chi tiêu ngân sách nhà nước, trong khi quy mô chi ngân sách đã rất lớn khiến ngân sách chịu những thâm hụt nặng. Rõ ràng, trong kế hoạch 2011-2015, Chính phủ phải đặt mục tiêu giảm tỉ trọng đầu tư từ ngân sách trong tổng đầu tư công xuống mức 30-35%. Bên cạnh đó cần có giải pháp tái cơ cấu đầu tư.

Chuyên gia Võ Đại Lược khẳng định, trong đầu tư công, việc phân cấp quá mức, không rõ ràng để các cấp, các ngành phê duyệt quá nhiều dự án vượt quá khả năng nguồn vốn của ngân sách cấp mình, hoặc quyết định cả các dự án thuộc nguồn ngân sách trung ương, khiến kế hoạch đầu tư bị cắt khúc từng năm, dẫn đến dàn trải, lãng phí, thất thoát. Các chuyên gia cho rằng, để “kìm cương” lạm phát trong ngắn hạn, Chính phủ cần kiên định các giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa, kiểm soát tổng phương tiện thanh toán và tăng dư nợ tín dụng căn cứ vào mục tiêu kiềm chế lạm phát và các tín hiệu thị trường. Song về lâu dài, cần có kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, DNNN và các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính.

Hồng Quân

lao động

Các tin tức khác

>   Tín dụng tiền đồng tăng chậm (28/09/2011)

>   Chuyện làm ăn giới ngân hàng: Lớn, nhỏ và...'to xác' (27/09/2011)

>   Giá USD tự do hạ nhiệt (27/09/2011)

>   Bàn về cho vay bất động sản và phi sản xuất (27/09/2011)

>   Ngân hàng gấp rút tái cơ cấu nợ xấu (27/09/2011)

>   Tiền tiết kiệm đang chảy về ngân hàng lớn (26/09/2011)

>   Giới ngân hàng bàn chuyện vực dậy đạo đức kinh doanh (26/09/2011)

>   USD tự do đã lên tới 21.230 đồng (26/09/2011)

>   Lo nợ xấu ngoại tệ (26/09/2011)

>   Bị rút hàng ngàn tỉ đồng, vẫn chưa lo thanh khoản khó (26/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật