Tín dụng tiền đồng tăng chậm
Nhiều ngân hàng thương mại đã áp dụng mức lãi suất cho vay tiền đồng là 17 - 19%/năm đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu và nông nghiệp - nông thôn. Thế nhưng, việc giải ngân vốn tín dụng vẫn chậm.
Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến hết ngày 30/8/2011, mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng ước đạt 8,85% so với cuối năm 2010, thấp hơn mức tăng 16,9% của cùng kỳ năm 2010.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết, dù mức lãi suất cho vay tiền đồng giảm về 17 - 19%/năm, thậm chí là 16%/năm đối với một số đối tượng ưu tiên, song cũng chưa dễ thu hút được khách hàng vay vốn. Lý do là, những khách hàng có dự án khả thi, tiềm năng phát triển tốt thì cho rằng, mức lãi suất trên vẫn nằm ngoài sức chịu đựng của họ.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi cho rằng, mức lãi suất cho vay VND 17 - 19%năm là vẫn khá cao, nên nhiều DN trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu mong đợi lãi suất ở mức là 14 – 15%/năm, do đó họ tiếp tục kỳ vọng lãi vay VND còn đi xuống.
“Nếu phải tiếp tục chịu mức lãi suất cao như hiện nay, thì DN muốn duy trì hoạt động cũng sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, hiện lãi suất cho vay ngoại tệ đã được các ngân hàng điều chỉnh cao hơn trước, lên 6,5 - 7,5%/năm, thay vì mức cũ là 4,5 - 6%/năm. Vì vậy, áp lực lãi vay còn cao buộc DN co cụm, chỉ làm cầm chừng”, ông Anh nói.
Trong khi đó, trong 3 tháng còn lại của năm nay, không ít ngân hàng còn nhiều dư địa tín dụng, nhất là với những ngân hàng lớn có lợi thế về cạnh tranh thị phần trong thu hút tiền gửi tiết kiệm và nguồn vốn khả dụng dồi dào. Thế nhưng, các ngân hàng này lại tỏ ra e ngại trong việc đẩy vốn cho vay trước bối cảnh thị trường hiện nay.
Một phần, do các ngân hàng lo ngại rủi ro nợ xấu khi “sức khỏe” của không ít DN dần suy yếu sau khủng hoảng, nên việc tìm kiếm khách hàng tốt để trao vốn không phải là dễ. Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã công bố việc dành tới hàng nghìn tỷ đồng vốn với lãi suất 17 – 19%/năm để cho khách hàng DN vay. Tuy nhiên, trước khi cho DN vay vốn, các ngân hàng chọn lọc khá kỹ đối tượng khách hàng và hiện chỉ tập trung hỗ trợ tín dụng cho DN sản xuất, kinh doanh xuất khẩu và nông nghiệp - nông thôn.
Việc chọn được khách hàng tốt đã khó, thì nay lại càng khó hơn khi áp lực lãi suất thỏa thuận chưa giảm được như kỳ vọng của DN. Đây chính là lý do khiến dư nợ tín dụng, nhất là đối với tiền đồng khó tăng.
Đại diện Eximbank (EIB) cho biết, trong 3.000 tỷ đồng dành cho DN vay với lãi suất ưu đãi 18%/năm mà Ngân hàng đưa ra từ giữa tháng 9/2011 đến nay, cũng mới chỉ giải ngân được khoảng 500 - 600 tỷ đồng. Còn tại NamA Bank, ngân sách dành cho phân khúc khách hàng là DN xuất nhập khẩu, nông nghiệp - nông thôn từ 500 đến 1.000 tỷ đồng, với mức lãi suất ưu đãi 17 – 18%/năm so với mặt bằng lãi suất cho vay tiền đồng của NamA Bank hiện dao động ở mức 20 - 21%/năm. Tuy nhiên, theo đại diện NamA Bank, tính đến nay, Ngân hàng cũng chưa giải ngân được nhiều vốn cho phân khúc khách hàng nói trên.
Tính đến nay, mức dư nợ tăng trưởng tín dụng của Sacombank (STB) mới đạt trên 5% so với chỉ tiêu cho phép cả năm là 20%, song theo ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank, không phải vì thế mà Sacombank ồ ạt đẩy mạnh vốn cho vay, ngược lại sẽ chọn lọc kỹ khách hàng, nhằm hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu.
Ông Vũ Tú, Tổng giám đốc TienPhongBank nhận xét, một số khách hàng DN còn đang e dè và vẫn có ý thăm dò thị trường.
“Trong những tháng còn lại của năm, yếu tố lãi suất tuy rất quan trọng, nhưng chưa phải quyết định tất cả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Mặt khác, do lãi suất cho vay VND cao kéo dài một thời gian khá lâu, nên ảnh hưởng của nó đến DN chưa phải đã hết ngay”, ông Tú cho biết thêm.
Tuy nhiên, ông Tú cũng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay VND đúng là một tín hiệu đáng mừng cho phần lớn DN và hy vọng tín dụng ngân hàng thực sự sẽ thúc đẩy được sự phát triển sản xuất, kinh doanh của các DN trong những tháng còn lại của năm 2011, đặc biệt lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Chí Tín
đẩu tư
|