VMD mua thuốc có tiền chất ma túy từ BV Pharma
Tiếp tục điều tra mở rộng việc sản xuất và mua bán thuốc có tiền chất Pseudoephedrine (gọi tắt PSE) của Công ty cổ phần BV Pharma (gọi tắt BV Pharma, TP.HCM), chúng tôi phát hiện nhiều vấn đề bất thường trong việc cấp phép, ký kết hợp đồng và mua bán thuốc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày 28-2 đến 2-8-2011, BV Pharma sản xuất hơn 78 triệu viên thuốc Activenose (thành phần có 60mg PSE và 2,5mg Triprolidine, đóng gói chai 500 viên).
Toàn bộ số thuốc này sau khi được BV Pharma sản xuất đã bán hết sạch cho Công ty dược phẩm Như Ý, Công ty dược phẩm Việt Thái, Xí nghiệp Dược 30 thuộc Công ty Đông Hải, Công ty dược phẩm Vimedimex (VMD) và nhà thuốc Tường Vân.
Cũng trong khoảng thời gian nói trên, BV Pharma còn đặt Công ty dược phẩm Mebiphar gia công sản xuất hơn 8 triệu viên Bivofed và đặt Công ty dược phẩm Pharbaco gia công hơn 30 triệu viên Tripofed. Cả hai thuốc đặt gia công có thành phần giống như thuốc Activenose.
Thực chất việc mua bán thuốc có tiền chất PSE giữa BV Pharma và các công ty này diễn ra thế nào? Các công ty mua ba loại thuốc nói trên của BV Pharma đã bán cho ai?
Hợp đồng ký trước giấy phép
Theo hồ sơ, ngày 9-2 ông Nguyễn Quốc Cường - phó tổng giám đốc BV Pharma (bên A) - ký kết một hợp đồng mua bán với bà Thái An Diệu - chủ tịch HĐQT Công ty Dược phẩm Q.3 (bên B). Theo hợp đồng này, bên A bán 120 triệu viên Activenose, 60 triệu viên Bivofed và 60 triệu viên Tripofed cho bên B với giá cả ba loại đều là 226 đồng/viên.
Tổng trị giá hợp đồng thành tiền hơn 54 tỉ đồng. BV Pharma cam kết cho Công ty Dược phẩm Q.3 độc quyền phân phối sản phẩm Activenose và các sản phẩm khác có thành phần tương tự Activenose trên toàn bộ miền Bắc (từ Huế trở ra). Bên A hứa không bán Activenose cho bất kỳ đối tác nào khi không có sự đồng ý của bên B.
Thế nhưng cùng ngày 9-2, ông Nguyễn Quốc Cường (bên A) lại “bắt tay” với ông Hoàng An - giám đốc Xí nghiệp Dược 30 (bên B) - ký một hợp đồng mua bán khác. Theo hợp đồng này, ông Cường bán cho ông An 120 triệu viên Activenose (giá 225 đồng/viên) trong một năm với tổng số tiền 27 tỉ đồng. Ông Cường cũng hứa cho ông An độc quyền bán và phân phối sản phẩm trên toàn bộ miền Bắc (từ Huế trở ra). Bên A không được bán thuốc Activenose cho bất kỳ đối tác nào khi không có sự đồng ý của bên B. Sau đó, ông Cường và ông An tiếp tục ký phụ lục hợp đồng để điều chỉnh số lượng, mặt hàng và giá cả.
Theo phụ lục hợp đồng này, mỗi tháng BV Pharma bán cho Xí nghiệp Dược 30 tổng cộng 30 triệu viên Activenose, Bivofed và Tripofed với giá 226 đồng/viên.
Ngoài ra, Xí nghiệp Dược 30 ký kết hợp đồng mua bán nói trên với BV Pharma qua sự “môi giới” của Công ty Việt Thái. Ngay cả việc Xí nghiệp Dược 30 ký hợp đồng mua bán với nhiều công ty khác cũng đều qua “mai mối” của Công ty Việt Thái. Việc ký kết hợp đồng cũng không gặp gỡ trực tiếp. Khi Xí nghiệp Dược 30 bán thuốc Tripofed cho đối tác cũng không làm trực tiếp mà là người của BV Pharma đến nhận và chuyển đi cho công ty phân phối. Sau đó, Xí nghiệp Dược 30 mới làm thủ tục xuất hóa đơn...
Chúng tôi còn phát hiện ngày 10-2 Cục Quản lý dược mới cấp giấy phép cho thuốc Activenose (đóng gói 150 viên/chai) nhưng trước khi có giấy phép một ngày (9-2) BV Pharma đã ký hợp đồng với Công ty Dược phẩm Q.3 và Xí nghiệp Dược 30 tiêu thụ 240 triệu viên Activenose dạng đóng gói lên tới 500 viên/chai! Trong khi đến tận ngày 9-4, Cục Quản lý dược mới chấp thuận cho BV Pharma thay đổi quy cách đóng gói từ 150 viên lên 500 viên/chai. Ngay cả thuốc Bivofed đến ngày 20-4 mới có giấy phép lưu hành và thuốc Tripofed đến ngày 13-4 mới có giấy phép, nhưng ngày 9-2 BV Pharma đã ký hợp đồng mua bán 120 triệu viên Bivofed và Tripofed với Công ty CP Dược phẩm Q.3!
Như vậy, BV Pharma sản xuất thuốc Bivofed và Tripofed trước khi có giấy phép hơn hai tháng, hay việc ký các hợp đồng mua bán thuốc thành phẩm có chứa tiền chất PSE diễn ra trước khi thuốc được cấp phép sản xuất?
Xuất hóa đơn khống
Công ty Dược phẩm Q.3 có thật sự mua các loại thuốc theo hợp đồng đã ký kết với BV Pharma hay không? Hồ sơ mua bán thể hiện công ty này đã xuất bán hơn 17.000 chai thuốc Activenose cho mấy chục nhà thuốc tư nhân và hai công ty.
Tuy nhiên, thực tế thuốc không nhập vào kho của Công ty Dược phẩm Q.3 và công ty cũng không bán thuốc này cho nhiều nơi mà chỉ là xuất hóa đơn khống.
Người thực hiện xuất khống hàng trăm hóa đơn cho Công ty Phượng Hoàng và Công ty Việt Thái là một nhân viên tên T. của Công ty Dược phẩm Q.3. Để hợp pháp các hóa đơn khống, Công ty Phượng Hoàng và Công ty Việt Thái nộp tiền vào tài khoản của Công ty Dược phẩm Q.3. Sau đó, người của hai công ty này gửi giấy nộp tiền cho T.. Tiếp theo, T. làm giấy đề nghị chuyển tiền gửi lên công ty để kế toán ngân hàng làm lệnh chuyển tiền cho Công ty Phượng Hoàng và Công ty Việt Thái, nhằm hợp thức hóa đơn chứng từ ngân hàng và sổ sách kế toán.
Theo bà Thái An Diệu - giám đốc Công ty Dược phẩm Q.3, bà có ký hợp đồng với Công ty BV Pharma mua 240 triệu viên Activenose, Bivofed, Tripofed và giao cho một quầy thuốc của công ty thực hiện. Còn thực tế nhân viên quầy thuốc mua bao nhiêu hóa đơn, có xuất hóa đơn khống không, bán đi đâu... thì công an đang làm rõ, bà không thể trả lời được.
Theo bà Diệu, bà không biết gì về Công ty BV Pharma, việc ký hợp đồng mua bán này là theo sự giới thiệu của một nhân viên dưới quyền. Vì vậy, dù ký hợp đồng với BV Pharma “bao tiêu” 240 triệu viên thuốc có tiền chất PSE/năm, nhưng bà Diệu thừa nhận “không đọc hết hợp đồng do dài quá” nên cũng không biết Công ty Dược phẩm Q.3 chỉ được độc quyền phân phối ở phía Bắc mà không thể đấu thầu bán các thuốc này vào các bệnh viện ở TP.HCM.
“Chưa hề mua thuốc Activenose”
Chiều 22-9, chúng tôi đã tìm đến những nhà thuốc ở TP Huế thể hiện trên hồ sơ là khách hàng mua thuốc Activenose của Công ty Dược phẩm Q.3, TP.HCM để xác minh. Bà Nguyễn Thị Duy, chủ nhà thuốc Phong Phú (382 Chi Lăng, Huế), xác nhận nhà thuốc của bà chưa hề mua loại thuốc Activenose.
Bà Duy cũng không biết Activenose là loại thuốc gì, công dụng ra sao. Tương tự, nhà thuốc Nam Giao (336 Điện Biên Phủ, Huế) cũng xác nhận không mua và không bán loại thuốc này. Khi chúng tôi tìm đến nhà thuốc Như Ý (216 Chi Lăng) thì được biết nhà thuốc này đã nghỉ bán gần một năm nay. Còn nhà thuốc Phước Vĩnh ở địa chỉ 114 Trần Phú, Huế, chúng tôi không tìm thấy mà địa chỉ này là... quán karaoke.
Chúng tôi cũng xác minh một báo cáo của chính BV Pharma về việc bán Activenose cho nhà thuốc Tường Vân (154A Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). DS Trần Huệ Trinh - phụ trách nhà thuốc này - khẳng định không mua một viên nào của BV Pharma!
NGUYÊN LINH - L.TH.H. |
Xin mua tiền chất hôm trước, hôm sau được duyệt
Theo tìm hiểu, từ ngày 20-12-2010 đến 25-7-2011, Cục Quản lý dược cấp cho BV Pharma 9 giấy phép nhập khẩu và duyệt mua nguyên liệu với tổng số lượng 4,8 tấn tiền chất PSE. Các công văn xin mua tiền chất PSE của BV Pharma được Cục Quản lý dược giải quyết nhanh chóng.
Đơn cử ngày 8-4 BV Pharma có đơn xin mua 500kg tiền chất PSE thì ngày 9-4 Cục Quản lý dược ký văn bản đồng ý. Ngày 25-4 BV Pharma xin mua thêm 500kg, ngày 27-4 được ký duyệt 500kg. Ngày 7-6 xin mua 500 kg thì ngày 8-6 có ký duyệt.
Trong việc xin và cấp số đăng ký cho thuốc Bivofed và Tripofed cũng có diễn biến không bình thường. Cụ thể, ngày 13-4 thuốc Tripofed được Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành cho BV Pharma. Thế nhưng chỉ nửa tháng sau, ngày 27-4 Cục Quản lý dược lại ký quyết định công bố số đăng ký gia công thuốc Tripofed cho Công ty Pharbaco và hủy số đăng ký thuốc này của BV Pharma.
Tương tự, ngày 20-4 thuốc Bivofed được Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành cho BV Pharma. Nhưng một tháng rưỡi sau (ngày 6-6) cục này lại ký quyết định công bố số đăng ký gia công Bivofed cho Công ty Mebiphar và chấm dứt số đăng ký thuốc này của BV Pharma.
Nhờ thế các công ty gia công cho BV Pharma đã được Cục Quản lý dược cấp tốc ký duyệt mua tiền chất PSE với số lượng lớn để sản xuất. Đơn cử, ngày 6-6 Công ty Mebiphar xin mua 200kg PSE thì hôm sau 7-6, Cục Quản lý dược đã ký duyệt cho mua ngay.
Chỉ vài hôm sau, ngày 9-6 Công ty Mebiphar xin mua tiếp 300kg PSE và ngay lập tức trong ngày 9-6 được ký chấp thuận cho mua số lượng này! Nhờ đó, trong thời gian ngắn Mebiphar đã sản xuất hơn 8,1 triệu viên thuốc có tiền chất PSE và giao hàng trực tiếp ngay cho Xí nghiệp Dược 30 và Công ty Việt Thái theo yêu cầu của BV Pharma. Công ty Pharbaco cũng nhanh chóng được Cục Quản lý dược ký duyệt cho mua 2.050 kg PSE và đã nhanh chóng sản xuất hơn 30,7 triệu viên thuốc có tiền chất PSE.
Số thuốc này sản xuất xong được BV Pharma cho người khác đến nhận trực tiếp tại kho của Pharbaco.
Như vậy, số tiền chất PSE được đưa vào sản xuất thuốc cảm cúm cho BV Pharma thực chất lên tới hơn 7,35 tấn, tăng gấp bảy lần so với năm 2010. Số lượng PSE mà Cục Quản lý dược ký duyệt cho BV Pharma mua chiếm 43% tổng số lượng PSE mà Cục Quản lý dược đã duyệt cho tất cả các công ty trong nước cùng thời điểm.
Tổng số thuốc sản xuất và gia công thực tế cho BV Pharma trong tám tháng năm 2011 hơn 117 triệu viên. Dù không phải làm bất cứ biện pháp tiếp thị, quảng cáo nào nhưng ba loại thuốc sản xuất ra tới đâu đều được các “đối tác” nhanh chóng mua với số lượng lớn.
L.T.HÀ |
LÊ THANH HÀ
tuổi trẻ
|