Sau DVD, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị yêu cầu phá sản
Sau trường hợp Ngân hàng ANZ nộp đơn yêu cầu và được tòa án chấp thuận mở thủ tục phá sản đối với DVD, rất có thể sắp tới, thị trường sẽ chứng kiến nhiều DN bị chủ nợ, cổ đông, thậm chí người lao động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Theo Luật Phá sản năm 2004, các đối tượng có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản DN là chủ nợ không có tài sản đảm bảo hoặc chỉ có đảm bảo một phần, chủ sở hữu DN, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh, cổ đông và người lao động trong CTCP. Sau trường hợp chủ nợ là Ngân hàng ANZ nộp đơn yêu cầu và được Tòa án nhân dân TP. HCM chấp thuận mở thủ tục phá sản đối với CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD), rất có thể sắp tới, thị trường sẽ chứng kiến nhiều DN làm ăn thua lỗ hoặc có giá cổ phiếu dưới mệnh giá, bị chủ nợ, cổ đông, thậm chí người lao động nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Nghi vấn về khoản nợ của ANZ
Sự kiện cổ phiếu DVD bị Sở GDCK TP. HCM (HOSE) hủy niêm yết sau khi Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản DN không chỉ là một tin "hot" trên TTCK Việt Nam, nó còn đặt ra một tiền lệ về việc phá sản DN, một hoạt động rất thịnh hành tại các nước phát triển trên thế giới nhưng đối với Việt Nam dường như lại quá mới mẻ, cho dù Luật Phá sản DN đã có hiệu lực thi hành từ năm 1994 và được thay thế bằng Luật Phá sản năm 2004.
Theo Điều 14, Luật Phá sản, trong trường hợp DN không trả được lương và các khoản nợ khác cho người lao động, đại diện người lao động có thể yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản DN khi được quá nửa số lao động trong DN tán thành. Đối với cổ đông trong CTCP, theo Điều 17 luật này, nhóm cổ đông sở hữu trên 20% cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục 6 tháng sẽ được quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản DN. Tuy nhiên, trên thực tế, người lao động và cổ đông rất hiếm khi nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản, vì họ là người gắn quyền lợi trực tiếp với DN, mọi thay đổi bất lợi dù nhỏ thì họ cũng đều là người đầu tiên chịu ảnh hưởng. Trong khi đó, chủ nợ không có tài sản đảm bảo là đối tượng chịu nhiều rủi ro, khả năng không thu được nợ là cao nhất, vì họ thuộc đối tượng xếp sau cùng trong thứ tự phân chia tài sản khi Tòa án thực hiện thanh lý tài sản của DN. Chỉ khi DN bị phá sản thanh toán hết các khoản nợ có tài sản đảm bảo, trả nợ phí phá sản, các khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội…, thì phần còn lại mới được sử dụng để thanh toán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo. Trong trường hợp không còn nguồn hoặc nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, thì mỗi chủ nợ chỉ được thanh toán một phần khoản nợ của mình theo tỷ lệ tương ứng với giá trị thanh lý tài sản còn lại, hoặc không được thanh toán nếu hết nguồn.
Nhiều nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu DVD phản ánh: Theo quy định về hủy bỏ niêm yết tại Điều 14 Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/1/2007 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Điều 17 Quy chế niêm yết chứng khoán tại Sở GDCK TP. HCM thì việc không công bố thông tin định kỳ và thông tin bất thường của DVD không đến mức phải hủy bỏ niêm yết. Vì nếu lấy lý do để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thì chính việc hủy bỏ niêm yết làm ảnh hưởng đến giao dịch chứng khoán của đối tượng này, còn lấy lý do tổ chức niêm yết chấm dứt tồn tại do phá sản thì hiện nay DVD chỉ ở giai đoạn bị mở thủ tục phá sản. DVD chỉ chính thức chấm dứt hoạt động khi Tòa án ra quyết định tuyên bố DN bị phá sản. |
Các chủ nợ có tài sản đảm bảo (chủ yếu là các NHTM) không thuộc đối tượng được yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản DN, vì họ không chịu rủi ro khi DN không thanh toán được nợ, do đã nắm trong tay tài sản thế chấp của DN để đảm bảo cho khoản nợ vay. Đồng thời, theo nguyên tắc tín dụng, các ngân hàng luôn định giá và cho vay thấp hơn, chỉ bằng 60 - 80% giá trị thực tế của tài sản đảm bảo nợ. Trong trường hợp DN không thanh toán được nợ, các ngân hàng sẵn sàng xử lý tài sản đảm bảo nợ thông qua bán đấu giá để thu hồi vốn. Đối với khoản nợ của DVD tại Ngân hàng ANZ, các thông tin đăng tải cũng như báo cáo tài chính của DVD đều không thể hiện rõ khoản nợ này có tài sản đảm bảo hay không, nhưng theo Luật Phá sản thì chắc chắn đây là khoản nợ không có tài sản đảm bảo hoặc chỉ được đảm bảo một phần. Bởi có như vậy Tòa án mới xem xét thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DVD của ANZ. Trong trường hợp này, ANZ cõ lẽ đã bỏ qua quy định về an toàn tín dụng tối thiểu khi cho DN vay không có tài sản đảm bảo nợ.
Nước đến chân không biết
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu phá sản, Toà án phải thông báo cho DN biết và trong thời hạn 15 ngày, DN phải chứng minh được mình không lâm vào tình trạng phá sản để Toà án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nếu DN không chứng minh được thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Toà án phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, ở giai đoạn này DVD có thực hiện chứng minh, bảo vệ quyền lợi của mình tại Tòa án hay không cũng không thấy DN đề cập đến.
Theo điểm 2, Điều 29, Luật Phá sản năm 2004, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày Toà án ra quyết định về mở thủ tục phá sản, quyết định này phải được gửi cho DN lâm vào tình trạng phá sản, các chủ nợ, những người mắc nợ của DN, Viện kiểm sát cùng cấp và đăng trên báo địa phương nơi DN lâm vào tình trạng phá sản có trụ sở chính, báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp. Như vậy, đối với trường hợp DVD, khoảng thời gian từ khi Tòa án nhân dân TP. HCM thụ lý đơn của Ngân hàng ANZ vào ngày 10/5/2011 đến khi ban hành Quyết định số 426/2011/QĐ-MTTPS ngày 5/8/2011 cho phép mở thủ tục phá sản đối DVD và công bố thông tin theo quy định là gần 90 ngày, nhưng các nhà đầu tư cũng như chủ nợ khác không hề nắm bắt được việc Tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với DVD trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà chỉ biết việc này khi Sở GDCK công bố thông tin nhận được công văn của Ngân hàng ANZ. Việc này đã đặt ra vấn đề trách nhiệm công bố thông tin về quyết định mở thủ tục phá sản DN của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Tòa án nhân dân TP. HCM, khi hầu hết chủ nợ, cổ đông của DVD đều trong tình trạng… nước đến chân vẫn chưa kịp nhảy.
Hệ lụy lớn sau trường hợp DVD
Điều 20 của Luật Phá sản quy định, khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nếu nhận thấy DN lâm vào tình trạng phá sản thì Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan thanh tra, cơ quan quản lý vốn, tổ chức kiểm toán... có nhiệm vụ thông báo bằng văn bản cho những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản biết để họ xem xét việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản DN. Nếu chiểu theo quy định này thì Thanh tra UBCK Nhà nước, Sở GDCK là các cơ quan quản lý công ty đại chúng, quản lý giao dịch chứng khoán, giám sát hoạt động công bố thông tin... của DN, đã không thực hiện đầy đủ chức năng của mình trong việc kiểm tra, giám sát và chỉ đến khi nhận được công văn thông báo của ANZ mới có động thái hủy niêm yết DVD, điều này đã làm tổn hại đến quyền lợi của các cổ đông và TTCK.
Điều đáng quan tâm hơn với thị trường là việc ANZ yêu cầu thành công Tòa án mở thủ tục phá sản đối với DVD có thể sẽ báo hiệu một hiện tượng trong thời gian tới, khi các DN kinh doanh thua lỗ, nợ lương người lao động sẽ đối mặt với nguy cơ bị các chủ nợ không có tài sản đảm bảo, hoặc các cổ đông, người lao động… yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản DN. Nếu khả năng này xảy ra, TTCK dự báo sẽ còn "nổi sóng".
Phan Hoài Hiệp
đầu tư chứng khoán
|