Thứ Ba, 13/09/2011 08:22

Vinacomin khởi động thoái vốn

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa có buổi giới thiệu với các nhà đầu tư về kế hoạch thoái vốn của mình tại CTCP Bảo hiểm Hàng không (VNI), mở đầu cho việc thoái vốn của Vinacomin tại một số doanh nghiệp ngoài ngành nghề chính trong năm 2011.

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc Vinacomin cho biết, Hội đồng thành viên Vinacomin đã quyết định thoái toàn bộ vốn của mình góp tại 4 doanh nghiệp là VNI (50 tỷ đồng), CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV (10,5 tỷ đồng), CTCP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà - gọi tắt là Công ty Hải Hà (47,8 tỷ đồng) và CTCP Cảng hàng không quốc tế Long Thành (7,5 tỷ đồng).

Theo ông Biên, hiện Vinacomin còn góp vốn tại CTCP Bảo hiểm SHB - Vinacomin, với số vốn là 59,4 tỷ đồng và quyết định giữ lại phần đóng góp của mình tại doanh nghiệp này, nên phải thoái vốn tại VNI để đảm bảo nguyên tắc chỉ đầu tư vốn vào một doanh nghiệp bảo hiểm.

VNI được thành lập cách đây hơn 3 năm, với các cổ đông sáng lập khi đó là Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Vinacomin, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), CTCP Nam Việt. Năm 2010, VNI đạt doanh thu về phí bảo hiểm 484 tỷ đồng, đứng thứ 7 trong tổng số 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, riêng doanh thu từ bảo hiểm hàng không là 188 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của VNI năm 2010 đạt 34 tỷ đồng. Ngày 29/8/2011, HĐQT của VNI có quyết định tạm chi trả cổ tức năm 2010 với tỷ lệ 5,8%, tương đương 580 đồng/CP. Kế hoạch đặt ra của VNI cho năm 2011 về doanh thu bảo hiểm là 492,7 tỷ đồng trong tổng doanh thu chung 577 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 45 tỷ đồng. Hiện VNI đang tìm thời điểm thích hợp để niêm yết trên HOSE.

Với thực tế này, việc thoái vốn của Vinacomin tại VNI xem ra không có nhiều khó khăn. Vấn đề còn lại có lẽ chỉ là giá nào mà thôi. Một số nguồn tin cho biết, Geleximco hay Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam rất quan tâm tới việc thoái vốn của Vinacomin. Tuy nhiên, theo luật thì việc mua bán cổ phần trong trường hợp này phải thực hiện thông qua đấu thầu, chứ không được thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa các bên có nhu cầu.

Lãnh đạo Vinacomin cũng cho hay, dự kiến, sang tháng 10/2011, việc đấu thầu bán cổ phần của Vinacomin tại VNI có thể được thực hiện.

Phần góp vốn 10,5 tỷ đồng của Vinacomin tại CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV cũng được lãnh đạo Vinacomin cho là thực hiện được dễ dàng, bởi doanh nghiệp này đang hoạt động khá tốt. Năm 2007, CTCP Phát triển đường cao tốc BIDV đã được Chính phủ cho phép thành lập để thực hiện Dự án Đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Tham gia góp vốn tại doanh nghiệp này có Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 25% vốn điều lệ, Vinacomin góp 7% vốn điều lệ.

Trong số 4 doanh nghiệp mà Vinacomin sẽ thoái vốn năm 2011 nêu trên thì Công ty Hải Hà có lẽ là trường hợp mà Vinacomin cho là ít thuận lợi hơn cả, bởi lâu nay công ty này không họp HĐQT. Vốn là một thành viên liên kết của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Công ty Hải Hà có 15% vốn góp của Vinashin, 10% vốn góp của Vinacomin và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhà nước khác. Công ty này được biết tới là nhà đầu tư Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh), có tổng diện tích theo quy hoạch là 4.999 héc-ta, gồm 700 héc-ta đất liền. Tuy nhiên, Vinashin và Công ty Hải Hà đã đề xuất với tỉnh Quảng Ninh xin rút khỏi dự án này. Các công việc nhằm thoái vốn trong Công ty Hải Hà đang được Tổ công tác của Vinacomin chuẩn bị về mặt pháp lý.

Ngoài 4 doanh nghiệp ngoài ngành sẽ thoái vốn trong năm 2011 nêu trên, Vinacomin hiện đang đầu tư vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) 318 tỷ đồng, Quỹ đầu tư Việt Nam 48 tỷ đồng và CTCP Chứng khoán SHS 76,09 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản của Vinacomin là 622 tỷ đồng, bằng 2,5% vốn chủ sở hữu của tập đoàn này.

Đối với phần góp vốn tại CTCP Cảng Hà Tĩnh, CTCP Phát triển mỏ và năng lượng Việt Nam, CTCP Wonlfram Đắc Nông và CTCP Sắt Thạch Khê (TIC), Vinacomin hiện chưa có quyết định cuối cùng. Đáng chú ý nhất trong số các doanh nghiệp còn lại này là TIC, Vinacomin đang nắm giữ 30% vốn điều lệ và có ý định tiếp tục đầu tư góp vốn để nắm giữ cổ phần chi phối là 51% hoặc sẽ thoái vốn toàn bộ nếu không đạt được mục tiêu trên. Tháng 7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 4 doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, BIDV và Vinashin thoái vốn tại TIC. BIDV đã chuyển nhượng vốn góp tại TIC cho doanh nghiệp khác, nên Vinacomin chỉ có thể mua tối đa 14% là phần vốn góp tại TIC của 3 doanh nghiệp nhà nước còn lại.

Thanh Hương

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   DNS nộp hồ sơ phát hành 8.1 triệu cổ phiếu (13/09/2011)

>   APC mua 20% cổ phần của Dale Carnegie Việt Nam (12/09/2011)

>   Halico: Diageo chính thức nắm giữ 30% vốn điều lệ (12/09/2011)

>   TinNghiaBank đăng ký phát hành gần 119 triệu cổ phiếu (11/09/2011)

>   SCR đăng ký phát hành gần 35 triệu cổ phiếu (10/09/2011)

>   Phát hành GDR: Thiếu vốn hay khiếm dụng công cụ? (10/09/2011)

>   VC2 đăng ký phát hành 4 triệu cổ phiếu (10/09/2011)

>   VIC: Phát hành 7.15 triệu cp cho Credit Suisse, giá 144,341 đồng/cp (09/09/2011)

>   VPBank được tăng vốn lên 5,050 tỷ đồng (09/09/2011)

>   DIC Thanh Binh được chào bán 1.25 triệu cổ phiếu (09/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật