Thứ Sáu, 09/09/2011 06:36

Thái Lan: Chính sách giá gạo gây nhiều tranh cãi

Nội các Thái Lan vừa thông qua quyết định thành lập Ủy ban về chính sách lúa gạo quốc gia do chính Thủ tướng Yingluck Shinawatra đứng đầu. Ủy ban này sẽ xem xét mọi khía cạnh liên quan đến giá lúa gạo, một mặt hàng giúp Thái Lan đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu. Thủ tướng Yingluck cũng quyết định khôi phục trở lại chương trình thế chấp lúa gạo. Theo đó, mỗi tấn lúa thường sẽ được ấn định ở mức 15.000 baht, còn lúa thơm Hom Mali sẽ là 20.000 baht/tấn.

Sở dĩ Thái Lan muốn kiểm soát giá lúa là do giá gạo thị trường trong nước của nước này đang thấp hơn giá sản xuất của nông dân làm cho việc tiêu thụ lúa của nông dân rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập.

Chương trình thế chấp gạo đã bị chính phủ ông Abhisit Vejjajiva trước đây bãi bỏ, nay tiếp tục trở lại được dự báo sẽ tiêu tốn hàng chục tỷ baht tiền thuế của người dân. Các khoản vay của chính phủ cho nông dân thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp. Nông dân có thể dùng lúa gạo trả cho các khoản vay ngân hàng không hạn chế số lượng nếu giá sản xuất lúa gạo cao hơn giá thị trường.

Theo báo Bangkok Post, các cơ quan này cần ít nhất 190 tỷ baht để nông dân vay. Ước tính sẽ có từ 8 - 10 triệu tấn lúa sản xuất ra phụ thuộc vào chương trình vay này. Trong khi đó, dự kiến Thái Lan sẽ xuất khẩu tổng cộng 11 triệu tấn gạo trong năm nay (đã xuất 8 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm).

Với quyết định này, nhiều nhà kinh tế cho rằng giá gạo bán lẻ của Thái Lan sẽ tăng 25% kể từ ngày 7-10, ngày áp dụng chương trình cho vay thế chấp lúa gạo. Ngoài ra, gạo xuất khẩu Thái Lan cũng có thể sẽ tăng lên 850 USD/tấn, riêng với gạo Hom Mali có thể lên đến 1.200 - 1.300 USD/tấn. Điều này sẽ là bài toán khó cho các nhà xuất khẩu.

Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, bà Korbsook Iamsuri, cho rằng thật khó để Thái Lan duy trì thị trường và vị thế là nhà xuất khẩu gạo đứng đầu của thế giới. Các nhà xuất khẩu gạo của nước này còn lo ngại rằng một khi Thái Lan tung gạo dự trữ khổng lồ ra thị trường, nếu gặp lúc gạo xuống giá sẽ càng làm thiệt hại nặng cho ngân sách.

Nhà kinh tế Ammar Siamwalla cho rằng viễn cảnh dòng người xếp hàng dài mua gạo rẻ của chính phủ trong khi gạo xuất khẩu đắt đỏ sẽ gạt Thái Lan khỏi thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Theo ông, Chính phủ Thái Lan đang chơi ván cờ nhiều rủi ro vì chưa chắc họ đã điều khiển được giá gạo thế giới vì nó còn phụ thuộc vào nhu cầu.

Bất chấp những lời chỉ trích từ các nhà kinh tế và giới xuất khẩu gạo, Chính phủ Thái Lan cho rằng ưu tiên trên hết vẫn là nâng cao thu nhập của người nông dân, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát gia tăng khiến cho cuộc sống của họ càng thêm khó khăn. Hơn nữa, Chính phủ Thái Lan cho rằng giá gạo tăng cũng là cách tăng thêm uy tín của các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giúp họ tìm thị trường mới và tổ chức lại các chiến lược tiếp thị ở nước ngoài.

Nếu giá gạo lên mức cao, dự báo sang năm 2012, Thái Lan chỉ xuất khẩu được từ 8 - 9 triệu tấn nhưng bù lại, doanh thu sẽ tăng thêm 30%. Các quan chức Thái Lan cho rằng thật bất công khi giá nhiều loại nông sản khác như lúa mạch, lúa mì, đậu nành… đều tăng trong khi giá gạo lại giảm.

Thụy Vũ

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   Thị trường bông hữu cơ tăng 20% (09/09/2011)

>   Lúa gạo cấp thấp giảm giá, cấp cao lại tăng (08/09/2011)

>   VFA sẽ không để xảy ra “sốt” gạo (08/09/2011)

>   Xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt tới gần 2 tỷ USD (07/09/2011)

>   Sẽ mạnh tay với “chè bẩn” (07/09/2011)

>   Giá phân bón tăng phi mã (07/09/2011)

>   Sức mua yếu, giá gạo xuất khẩu giảm nhẹ (06/09/2011)

>   Giá hồ tiêu xuất khẩu “phi mã”: Chưa hẳn đã mừng (06/09/2011)

>   Nỗi lo từ mặt bằng giá gạo mới (06/09/2011)

>   Thái Lan lúng túng với chính sách mua gạo giá cao (05/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật