Giá phân bón tăng phi mã
Khuyến khích nông dân sử dụng phân sinh học vừa tiết giảm chi phí vừa đạt hiệu quả cao
Cách đây hai ngày, ông Phạm Thanh Toàn (thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) đi mua phân chuẩn bị cho vụ đông xuân, mới biết giá tăng đến… chóng mặt.
Xuống vụ là tăng giá
Một bao phân DAP loại 50 kg mà ông Toàn mua có giá từ 940.000 đồng, còn phân urê 630.000 đồng. Trong khi đó, năm ngoái, giá phân urê ông mua chỉ hơn 400.000 đồng/bao, phân DAP cũng chỉ hơn phân nửa giá hiện giờ. Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), hễ đến mỗi mùa vụ là giá phân bón cứ tăng.
Để đối phó với tăng giá phân, sau khi thu hoạch lúa hè thu hồi tháng 7 vừa rồi, ông Phong đã mua dự trữ 100 bao phân các loại để dành cho vụ thu đông. Ông Phong cho biết giá mua thời điểm đó cũng khá cao nhưng cũng tiết kiệm được mỗi bao từ 70.000 đồng - 130.000 đồng, tùy loại.
Ông Đặng Văn Quận (ở xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) bức xúc nói nghịch lý mà nông dân phải gánh chịu là giá phân cứ bị đẩy lên cao, trong khi giá lúa gạo thu hoạch rộ bị rớt thê thảm.
Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự, cho rằng đó là cái vòng luẩn quẩn. Ở vụ thu đông vừa qua, diện tích trồng lúa không lớn, giá phân bón, thuốc trừ sâu có tăng nhưng không nhiều. Còn vụ đông xuân tới, chắc chắn phân bón sẽ bị tư thương làm giá.
Thực tế cho thấy trong vòng một năm qua, giá nhiều loại phân bón tăng đến 100%. Còn nếu so với năm 2009, mức tăng đến 200% (chẳng hạn, giá phân urê năm 2009 chỉ hơn 200.000 đồng/bao). Do bị tư thương, đại lý phân bón viện cớ khan hàng để làm giá nên khi tới tay nông dân, giá phân tăng thêm 30%-40% ở mỗi mùa vụ.
Tăng theo giá than ?
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc tăng giá phân bón hiện nay, nhất là đối với các tỉnh ĐBSCL đang xuống vụ đông xuân là có nhưng chưa đến mức tăng đột biến. Nguyên nhân tăng giá phân bón hiện nay là do tác động tổng hợp của các yếu tố, trong đó một phần do giá nhập khẩu phân từ thế giới tăng cao; một phần do bị làm giá.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng cho rằng việc tăng giá phân bón trên thị trường hiện nay ít chịu ảnh hưởng của tăng giá than. Bởi lẽ do tăng giá than nên hiện không có nhiều doanh nghiệp phân bón sử dụng than làm nhiên liệu sản xuất như trước đây. Ngoài một vài nhà máy như Nhà máy Phân đạm Hà Bắc sử dụng than cục thô, Nhà máy Phân lân Ninh Bình sử dụng tham cám… thì phần nhiều nhà máy đã chuyển sang dùng khí để sản xuất phân bón.
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Gia Tường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nói ngược lại: Việc tăng giá phân bón trên thị trường có nguyên nhân từ tăng giá than bán cho phân bón. Tháng 8, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhận được thông báo tăng giá than 15% của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) từ ngày 25-8. Việc tăng giá than đã ảnh hưởng ngay đến giá thành phân bón: Phân urê tăng giá 10%, phân lân nung chảy tăng 5%...
Nghịch lý trong tình trạng giá phân tăng phi mã do tác động một phần từ giá than, mà theo ông Tường: “Đối tượng khách hàng của TKV là doanh nghiệp nhưng người chịu tác động tăng giá than lớn nhất lại là bà con nông dân”.
Nên sử dụng phân sinh học
Trước tình hình giá phân bón tăng cao như hiện nay, ngành nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL đang khuyến khích nông dân sử dụng rộng rãi các loại phân bón sinh học để vừa giảm chi phí, tiết kiệm, hạ giá thành sản xuất vừa cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Ông Hồ Văn Thọ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nông (TP Cần Thơ), tính toán mỗi vụ nông dân có sử dụng phân bón sinh học sẽ giảm được 5% lượng phân bón hóa học cho vụ tiếp sau đó. Còn theo ông Nguyễn Văn Buôn, các mô hình sử dụng phân bón sinh học tại Hồng Ngự cho kết quả tiết kiệm chi phí từ 40% đến 50% so với bón phân hóa học. |
Quốc Dũng - Phương Anh
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|