TGĐ HNX: Thị trường trái phiếu cần có “kiềng ba chân”
Ông Trần Văn Dũng – Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) chia sẻ, chính sách vĩ mô rõ ràng, nhất quán và việc sử dụng vốn hiệu quả là nền tảng để phát triển thị trường trái phiếu.
Thị trường TPCP thì đã có từ lâu, nhưng hệ thống giao dịch trái phiếu chính phủ chuyên biệt thì bây giờ mới có. Tại sao lại cần đến hệ thống này khi mà từ trước đến giờ thị trường TPCP vẫn hoạt động bình thường, thưa ông?
Tại thời điểm chúng tôi bắt đầu nghiên cứu xây dựng hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt cách đây 6-7 năm thì Chính phủ đã phát hành trái phiếu, công trái từ lâu rồi. Nhưng lúc đó chúng tôi cũng nhận thấy giá trị TPCP lưu hành chỉ đạt 5 – 7%/GDP, trong khi tại nhiều nước trên thế giới thường từ 40 – 50%, những thị trường phát triển như Mỹ, Nhật thì tới trên 100% GDP. Một lý do quan trọng dẫn đến việc Chính phủ phát hành trái phiếu hạn chế và thị trường trái phiếu không thanh khoản là vì lúc đó đầu tư công đang phụ thuộc một phần quan trọng vào nguồn vốn ODA.
Tuy nhiên, khi Việt Nam phát triển lên nước có thu nhập trung bình thì nguồn ODA của quốc tế sẽ dần giảm đi, và chắc chắn khi đó, nguồn vốn TPCP sẽ là một trong những nguồn thay thế quan trọng và tất yếu để đảm bảo cho đầu tư công của Chính phủ. Từ đó, chúng tôi thấy tiềm năng phát triển và ý nghĩa của thị trường TPCP là rất lớn, nên đã quyết tâm trình các cấp có thẩm quyền cho ra đời thị trường TPCP chuyên biệt.
Cũng cần nhấn mạnh thêm là một thị trường TPCP phát triển không những giúp cho Chính phủ trong việc huy động vốn đầu tư phát triển mà còn giúp trong điều hành kinh tế vĩ mô. Một thị trường trái phiếu có quy mô và hoạt động tốt sẽ giúp Nhà nước chủ động nguồn vốn để điều tiết mức đầu tư từ ngân sách, qua đó tác động đến tổng mức đầu tư toàn xã hội để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP theo kế hoạch, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp khó khăn. Ngân hàng Trung Ương cũng có thể sử dụng nghiệp vụ mua vào và bán ra TPCP tác động đến tổng phương tiện thanh toán, từ đó tác động đến lạm phát và lãi suất phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ…
Hơn nữa, ở bất cứ quốc gia phát triển nào thì TPCP và các sản phẩm phái sinh ở trên thị trường trái phiếu đều được coi là các sản phẩm tài chính quan trọng, vừa là kênh đầu tư an toàn, vừa là công cụ quản lý rủi ro, vừa là công cụ giúp điều hòa vốn giữa các định chế tài chính, nhất là các ngân hàng thương mại với nhau.
Trong một tổng thể chung như vậy, chúng tôi đánh giá thị trường trái phiếu rất quan trọng. Hệ thống giao dịch TPCP chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể thị trường trái phiếu. Nhưng nếu tổ chức được tốt, công khai minh bạch, thuận tiện làm tăng thanh khoản cho thị trường thì hệ thống giao dịch TPCP vừa trực tiếp, vừa gián tiếp tác động hiệu quả đến các chính sách vĩ mô như vừa nêu ở trên.
Chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế mới, thành công nổi bật nhất là gì, thưa ông?
Từ khi tập trung đấu thầu (1/7/2006) và tập trung niêm yết (2/6/2008) về Sở GDCK Hà Nội, thành công nổi bật nhất là đã hình thành được một thị trường trái phiếu đúng nghĩa và khá đồng bộ, có sự liên kết chặt chẽ giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, đóng góp một cách hiệu quả và thiết thực vào phát triển kinh tế và quản lý vĩ mô của Nhà nước.
Hoạt động đấu thầu đã có những cải cách đáng kể là công khai kế hoạch và lịch biểu phát hành hàng năm, hàng quý và ngày phát hành; đồng thời từ tháng 5/2010 Kho bạc Nhà nước đã tập trung cho phát hành trái phiếu lô lớn, … Những bước đi đột phá này đã làm tăng mối quan tâm của nhà đầu tư, giúp các tổ chức đầu tư chủ động bố trí nguồn vốn tham gia đấu thầu, từ đó tạo ra được một thị trường đấu thầu cạnh tranh hơn, giúp cho mặt bằng lãi suất huy động từ chỗ luôn cao hơn lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng trước năm 2006 xuống dưới mức lãi suất huy động của ngân hàng và mức chênh lệch ngày càng mở rộng (năm 2010 khoảng 1%, năm 2011 khoảng 1,5 – 1,8%).
Như vậy, Chính phủ không những đã huy động được vốn mà còn huy động được với mặt bằng chi phí thấp hơn. Và điều đáng nói là lãi suất huy động trái phiếu thông qua đấu thầu đã trở thành cơ sở định hướng cho lãi suất bảo lãnh và lãi suất giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Hệ thống giao dịch được đổi mới khá triệt để với việc Sở chính thức đưa vào vận hành hệ thống giao dịch TPCP riêng biệt từ 24/9/2009, tách hẳn khỏi hệ thống giao dịch cổ phiếu, và có những tính năng đặc trưng như tách biệt giao dịch mua đứt bán đoạn (outright) với giao dịch mua bán lại (repos). Các hệ thống đấu thầu, giao dịch, lưu ký thanh toán đều được cải tiến nên đã rút ngắn được thời gian đưa trái phiếu phát hành vào niêm yết, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư. Toàn bộ các thông tin liên quan tới nhu cầu mua, bán, giá cả, lợi suất và các thông tin cơ bản khác đã được tập trung, bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu thống nhất về thị trường TPCP. Thông tin về TPCP, nhất là thông tin về lãi suất, đã được các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước làm cơ sở tham khảo để phục vụ cho điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Đâu là nguyên nhân để có được thành công như vậy, thưa ông?
Nguyên nhân quan trọng nhất là chủ trương của Bộ Tài chính về việc hình thành thị trường TPCP chuyên biệt và được cụ thể hóa bằng 4 điểm quan trọng.
Thứ nhất, tập trung đấu thầu trái phiếu. Đây là một quyết định quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu do tập trung được sức cầu, số lượng thành viên tham gia nhiều hơn, tính cạnh tranh trong đấu thầu cao hơn, đây là những nhân tố làm giảm lãi suất huy động.
Thứ hai là việc tập trung niêm yết, giúp quy mô thị trường lớn hơn, tính phân mảnh của thị trường được giảm thiểu, nhờ đó thanh khoản được cải thiện.
Thứ ba là lịch biểu phát hành được sự công khai, minh bạch hơn, có tính dự đoán cao hơn giúp việc bố trí vốn, mua bán sơ cấp thuận lợi hơn cho các chủ thể đầu tư.
Thứ tư là hệ thống giao dịch được xây dựng và phát triển phù hợp với đặc thù của trái phiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên tham gia giao dịch.
Cũng phải nói thêm rằng cơ chế phối hợp và tinh thần phối hợp giữa các đơn vị liên quan, giữa cơ quan quản lý với các thành viên giao dịch của thị trường cũng đóng một vai trò không nhỏ trong sự phát triển của thị trường TPCP trong thời gian qua.
Để thị trường TPCP phát triển bền vững, cần thêm những điều kiện gì, thưa ông?
Mục tiêu cốt lõi và lâu dài của việc phát triển thị trường TPCP là giảm thiểu chi phí huy động vốn của chính phủ về dài hạn. Thị trường trái phiếu phục vụ mục tiêu huy động vốn của Chính phủ, do vậy việc xây dựng thị trường trái phiếu cần có sự chỉ đạo nhất quán và xuyên suốt của Chính phủ và sự phối kết hợp của các bộ ngành liên quan, trong đó Bộ Tài chính đóng vai trò trọng tâm, và cần tập trung xử lý tốt ở cả 3 khía cạnh: huy động vốn, tạo thanh khoản và sử dụng vốn hiệu quả. Đây chính là thế “kiềng ba chân” để đảm bảo cho thị trường trái phiếu được phát triển bền vững.
Tôi cho rằng, chính sách vĩ mô rõ ràng, nhất quán và việc sử dụng vốn hiệu quả là nền tảng để phát triển thị trường trái phiếu. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước), các tổ chức phát hành cũng như cơ quan vận hành thị trường (HNX). Ngoài ra, cần có sự chia sẻ, nỗ lực chung giữa chủ thể phát hành và cộng đồng đầu tư. Về phía HNX, chúng tôi tập trung hoàn thiện hệ thống giao dịch, hệ thống thông tin và hệ thống các công cụ chỉ báo để tạo thanh khoản và cung cấp số liệu phục vụ nhà đầu tư và phục vụ cơ quan quản lý vĩ mô.
Viết Chung
tbktvn
|