Trái phiếu ăn theo tín hiệu lãi suất
Sự hồi phục - dù chưa lấy lại trạng thái sôi động của thị trường trái phiếu trong các tuần gần đây - phản ánh hiện thực điều chỉnh lãi suất, đồng thời kỳ vọng lãi suất sẽ ở mức phù hợp của các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Hồi phục nhẹ
Trái ngược với động thái Kho bạc Nhà Nước (KBNN) tiếp tục ép trần lãi suất ở các kỳ hạn xuống còn 12,14%, khối lượng trái phiếu trúng thầu trong tuần qua lại tăng mạnh so với tuần trước đó và lần lượt đạt 250 tỉ đồng đối với kỳ hạn 3 năm, 360 tỉ đồng đối với kỳ hạn 5 năm. Tỉ lệ trúng thầu vẫn tăng trong bối cảnh lãi suất trúng thầu trên thị trường trái phiếu sơ cấp tiếp tục giảm, cho thấy các NĐT ngày càng nhận thấy rõ nét hơn xu hướng lãi suất giảm bên cạnh nhu cầu thực tế về trái phiếu chính phủ (TPCP) vẫn còn đang lớn, đặc biệt đối với các NHTM.
Nhận định này dường như có nhiều cơ sở khi tuần qua, tỉ lệ đấu thầu/chào thầu vẫn đạt cao, lần lượt là 212% đối với kỳ hạn 3 năm và 201% đối với kỳ hạn 5 năm. Số đơn vị tham gia trong các phiên cũng vẫn được duy trì ở mức lớn, đạt 8 và 7 đơn vị cho mỗi phiến.
“Con số 5.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 9 này và kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trong thời gian ngắn sắp tới là các nguyên nhân khiến các đơn vị nắm giữ muốn mua vào trái phiếu tại thời điểm này” – chuyên gia phân tích vĩ mô Lưu Hải Yến của Cty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) viết trong báo cáo tuần qua.
Thực tế theo như phân tích của BVSC, lãi suất trúng thầu tuần qua cho cả 2 kỳ hạn đều ở mức 12,14% (thấp hơn 1 điểm so với phiên của tuần trước và thấp hơn 26 điểm so với phiên trúng thầu gần nhất ở kỳ hạn 5 năm). Trong khi đó, việc có một số đơn vị thậm chí còn đặt thầu ở mức 12% (thấp hơn lãi suất trúng thầu 14 điểm) cho thấy nhu cầu mua vào vẫn còn và kỳ vọng xu thế giảm của lãi suất là rõ rệt.
Hỗ trợ từ thanh khoản
Khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm bên cạnh xu hướng giảm lãi suất ngày càng định hình dễ dàng mang đến dự báo thanh khoản của thị trường trái phiếu sẽ tốt lên trong thời gian tới. Sau ít ngày biến động, thị trường liên ngân hàng trong tuần qua lấy lại sự ổn định về lãi suất nhờ việc cung mạnh tiền qua kênh thị trường mở (OMO) và tái cấp vốn của NHNN. Các mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nhờ đó giảm về phổ biến trong khoảng 11,5-12,5% đối với kỳ hạn qua đêm, 12-14,3% đối với kỳ hạn một tuần, 13-14,7% đối với kỳ hạn hai tuần và 13,5-15,5% đối với kỳ hạn một tháng.
Số liệu theo dõi của Cty Chứng khoán Thăng Long cho thấy, khối lượng đăng ký trên OMO trong 2 ngày cuối tuần qua lần lượt là 9.125 tỉ đồng và 3.856 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với lượng chào ra của NHNN là 12.000 tỉ đồng và 7.000 tỉ đồng. Nhờ đó, thay vì bơm ròng 3.000 tỉ đồng nếu các NHTM hấp thụ hết lượng vốn chào ra, NHNN lại hút ròng cả tuần 3.017 tỉ đồng qua kênh OMO.
Đặt diễn biến trên trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng cùng thời điểm lại tăng nhẹ có thể thấy, những ngân hàng có thanh khoản tốt đang nắm giữ hầu hết các giấy tờ có giá (để tham gia OMO). Trong lúc có những ngân hàng khác thiếu thanh khoản, không có đủ giấy tờ có giá tham gia OMO phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng. Với các ngân hàng này, như từng viết, nhiều khả năng NHNN sẽ dùng tới công cụ tái cấp vốn nhằm hỗ trợ khả năng thanh khoản cho các NHMT nhỏ.
Theo thông tin từ Cty Chứng khoán Thăng Long (TLS), lượng tái cấp vốn đáo hạn trong tháng 9 này có khả năng sẽ khoảng 31.000 tỉ đồng nhưng NHNN cũng đã bắt đầu cho vay lại qua kênh này theo hướng tăng cường hỗ trợ cho các NHTM nhỏ. “Vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng không đáng lo ngại” – TLS nhận định.
Trong khi đó, bình luận về động thái hút ròng trở lại của NHNN trên OMO, nhóm chuyên gia BVSC cho rằng, sự bớt căng thẳng trên thị trường lãi suất liên ngân hàng là nguyên nhân chính. Việc mạo hiểm bơm ròng một lượng vốn lớn (22.000 tỉ) vào 2 tuần trước đây được nhìn nhận chỉ là giải pháp mang tính thời điểm nhằm hạ nhiệt lãi suất liên ngân hàng. “Về cơ bản, việc cung tiền từ giờ cho tới cuối năm sẽ vẫn được NHNN điều hành theo hướng thận trọng, tránh gây áp lực lên lạm phát về sau” – BVSC nhận định.
Văn Nguyễn
lao động
|