Tại sao thiếu trầm trọng nhà giá rẻ?
Trong khi căn hộ cao cấp tìm mọi cách khuyến mãi vẫn không ai mua, thì nhà giá rẻ lại không đủ để bán do nhu cầu thực của người cần nhà ở.
Theo các sàn giao dịch, doanh nghiệp đầu tư bất động sản (BĐS), giữa lúc thị trường địa ốc khó khăn, các dự án căn hộ có giá khoảng 12 - 13 triệu đồng một m2, tức giá thành một căn hộ chưa đến 1 tỷ đồng hiện nay trên địa bàn TP HCM khá hút khách.
Bán chạy
Theo Công ty địa ốc Quang Thái, thời gian gần đây, trái với tình hình đóng băng của thị trường BĐS, số lượng giao dịch tại dự án Quang Thái (quận Tân Phú) vẫn tăng. Cụ thể, từ khi mở bán khoảng đầu năm 2011, đến nay hơn 50% số lượng căn hộ đã có khách hàng đặt mua. Sở dĩ dự án này bán tốt, theo ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, đơn vị phân phối dự án này, do giá chỉ từ khoảng 13,5 triệu đồng một m2 (giao nhà hoàn thiện). Tuy nhiên, nếu trừ đi tiền khuyến mãi là bộ nội thất 15 triệu đồng và khoảng 10% chiết khấu với những khách hàng trả một lần 90% giá trị căn hộ (khoảng 100 triệu đồng) thì giá căn hộ còn rẻ hơn. Đây được cho là mức giá hợp lý với người có nhu cầu, dù dự án nằm ngay trung tâm hành chính quận Tân Phú, TP HCM.
Tại sàn giao dịch BĐS ACBR, trong số 800 căn hộ Lê Thành (quận Bình Tân) mà công ty này phân phối, đến nay đã bán được 700 căn, nhờ mức giá “dễ chịu”, chỉ từ 12,5-13,5 triệu đồng một m2. Đại diện công ty này cho rằng, những căn hộ còn tồn lại là do diện tích quá lớn, đến 120 m2 khiến giá tiền đội lên cao, khách ngần ngại, còn đối với những căn hộ diện tích 65 - 80 m2 thì không đủ để bán.
Cũng vậy, dự án Tân Mai ở Q.Bình Tân với giá giá 13 triệu đồng một m2 chỉ trong vòng một tháng, riêng công ty Hòa Bình đã bán được 21 căn. Hay dự án Era Towe (quận 7) với mức giá chỉ hơn 15 triệu đồng một m2, trong 6 tháng công ty Hòa Bình đã bán được 170 trên tổng số 190 hộ tại dự án này. Trước tín hiệu khả quan của thị trường căn hộ bình dân, Công ty Hòa Bình vừa tung ra thêm 50 căn hộ.
Các sàn giao dịch BĐS cùng nhận định, những dự án có mức giá bình dân nh Đại Thành (Tân Phú), Gia Phú, Lan Phương MHBR (Thủ Đức), Anh Tuan Aparment (Nhà Bè), Ehome, Phước Bình (quận 9)… đều bán tốt thời điểm này.
Nhưng ngại làm
Mặc dù phân khúc căn hộ giá bình dân rất tiềm năng khi đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng hiện nay, nhưng các doanh nghiệp vẫn không mặn mà, vẫn đổ vốn vào phân khúc trung và cao cấp đang rất khó “nuốt”. Ông Lê Quốc Duy, Phó tổng giám đốc Công ty Hòa Bình, lý giải: “Do chi phí đất đầu tư quá cao buộc các doanh nghiệp phải đầu tư căn hộ bán giá cao mới có lãi, còn bán quá rẻ thì không kham nổi chi phí về đất. Nhất là đối với những doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn, nay muốn làm dự án phải đi mua lại đất sạch từ một đối tác khác hay thương lượng để mua đất của dân, thì việc xây dựng căn hộ ở phân khúc nào cũng… “chua”. Điều này buộc họ phải xây dựng căn hộ cao cấp mới mong có lãi”.
Không những vậy, trước đây, khi thị trường BĐS vẫn còn “nóng sốt”, các nhà đầu tư thứ cấp đổ xô vào phân khúc căn hộ cao cấp nên đã hình thành một làn sóng doanh nghiệp địa ốc ồ ạt đầu tư vào phân khúc này để bán nhiều và lợi nhuận cao hơn. Chính vì vậy, hiện nay những căn hộ cao cấp đang giao dịch trên thị trường đều do “lịch sử” để lại chứ rất ít dự án được xây mới.
Từ đây cũng phát sinh một nghịch lý, muốn có nhà giá rẻ, buộc DN địa ốc phải “dạt” về các khu vực ngoại thành, vùng ven. Nhưng do quá xa, những dự án này hầu như bán rất chậm. “Ít khách hàng chịu về vùng ven mua chung cư bởi xa nơi làm việc, còn cư dân địa phương lại không mặn mà với căn hộ chung cư. Điều này khiến các doanh nghiệp rất ngại đầu tư căn hộ giá rẻ, bởi lợi nhuận chỉ khoảng 10 - 15%, nhưng rủi ro lại cao”, ông Duy phân tích. Ngoài ra, cũng theo lý giải thì nhà giá thấp bán cho đúng đối tượng thật, nên chỉ có những người mua để ở mới có nhu cầu, giới đầu tư ít quan tâm, mà một lượng lớn khách hàng lại là giới đầu cơ, nên nhà đầu tư ngại khó kiếm khách.
Đình Sơn
Báo Đất Việt
|