Thứ Năm, 22/09/2011 06:54

Quỹ bình ổn xăng: Người tiêu dùng nắm dao đằng lưỡi

Trong cuộc họp “nảy lửa” về cơ chế điều hành giá xăng dầu ngày 20/9, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định phải tiếp tục duy trì quỹ bình ổn xăng dầu nhưng cần thay đổi cơ chế quản lý để tránh mập mờ như vừa qua. Những bất cập trong quản lý quỹ bình ổn đang khiến người tiêu dùng bị thiệt bởi các DN đang nắm dao đằng chuôi.

* Doanh nghiệp từ chối Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Ý nghĩa bình ổn giá xăng dầu

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được một số nước trên thế giới, như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Chile, Mexico sử dụng như là một công cụ tài chính hỗ trợ bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang chịu nhiều lời chỉ trích hơn là khen ngợi, cả về cơ sở pháp lý, cách thức trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ.

Những động thái về giá xăng dầu phản ánh và cho thấy sự minh bạch, cũng như sự lành mạnh trong cơ chế thị trường Hơn nữa, giá xăng dầu còn là thước đo và ảnh hưởng đến uy tín, cũng như hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế- xã hội của Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi...

Đằng sau giá xăng dầu là bức tranh về những triển vọng lạm phát, về sự minh bạch của môi trường đầu tư và cơ chế thị trường, cũng như của uy tín, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước...

Hơn 2 năm qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (gọi tắt là Quỹ) được thiết kế và vận hành như một giải pháp thử nghiệm từ vận dụng kinh nghiệm quốc tế, cũng như kế thừa thực tiễn vận hành Quỹ bình ổn giá quốc gia. Quỹ Bình ổn này không thu vào Ngân sách Nhà nước. Nhưng việc trích lập và sử dụng quỹ là bắt buộc và theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, chứ không phải  không phụ thuộc ý chí của doanh nghiệp.

Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đang tiến hành kiểm toán việc trích lập, sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và tại Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Kết quả cuối cùng chưa được công bố; song bước đầu, Kiểm toán Nhà nước cho rằng  các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa thấy có vi phạm về  hướng dẫn trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Bảng 1-Mức trích Quỹ Bình ổn giá qua các thời kỳ (đơn vị tính: đồng/lít,kg)

Bảng 2-Mức sử dụng Quỹ bình ổn giá qua các thời kỳ: (đơn vị tính: đồng/lít,kg)

Nguồn: Cổng TTĐT-BTC ngày 14/9/2011

Thực tế cũng cho cho thấy, hoạt động của Quỹ đã góp phần nhất định vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu trong một số thời gian nhạy cảm và ở mức cần thiết. Nhờ sử dụng Quỹ và các giải pháp khác, giá xăng dầu đã giữ ổn định cho đến ngày 24/2/2011 mới điều chỉnh giá với mức tăng từ 2.110 - 3.550 đồng/lít,kg thay vì mức giá phải tăng từ 3.510 - 5.850 đồng/lít,kg.

Hơn nữa, nếu không có Quỹ Bình ổn giá sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, ví dụ: sẽ phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu ít nhất 4 lần (tương ứng với các lần tăng mức sử dụng Quỹ như đã nêu tại bảng 2 trên đây) trong  thời gian từ ngày 22/10/2010 đến ngày 24/2/2011.

Thực tế cũng cho cho thấy, hoạt động của Quỹ đã góp phần nhất định vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu trong một số thời gian nhạy cảm và ở mức cần thiết.

"Mượn đầu heo nấu cháo"

Bên cạnh những thông tin dường như khá minh bạch và an lòng trên đây, người ta vẫn thấy có những bất cập cả trong cơ chế hiện hành, lẫn trong triển vọng hoạt động và vị thế của Quỹ, cụ thể:

Thứ nhất, hoạt động trích lập Quỹ qua giá xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt nhiều hơn lợi.

Về bản chất, nguồn thu của Quỹ là giá xăng dầu thực mua mà người tiêu dùng phải trả và ứng trước cho Quỹ xét theo sự trọn vẹn của một quy trình trích lập và "xả" Quỹ để giữ bình ổn giá về danh nghĩa. Nói cách khác, thực chất người tiêu dùng đã phải mua đắt giá xăng cho thời điểm trích lập quỹ, để rồi được trả lại số tiền đó nhờ mua xăng dầu với giá "rẻ" hơn khi "xả" Quỹ.

Cảnh 'mượn đầu heo nấu cháo" này khiến người tiêu dùng, dù có thể hưởng lợi ích ít nhiều nhờ không tăng giá xăng dầu khi xả quỹ, xong lại luôn chịu thiệt thòi do phải tạm ứng nguồn vốn hoạt động cho Quỹ, như kiểu "cho vay không lãi". Rốt cuộc, dường như chỉ có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn được bảo đảm lợi ích cả từ mức trích lợi nhuận định mức, cũng như "không có gì để mất" từ mọi hoạt động thu-chi Quỹ.

Thứ hai, cơ chế quản lý hành chính của Quỹ đi ngược xu hướng và làm méo mó giá cả thị trường.

Cơ chế hoạt động hiện hành của Quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính trực tiếp với thiên hướng mục tiêu thường ngược với xu hướng động thái thị trường thế giới. Cụ thể, nó làm tăng giá bán do yêu cầu tăng trích lập quỹ trong khi giá cả dầu mỏ thế gới giảm, hoặc làm giảm giá bán do yêu cầu xả quỹ để giữ ổn định giá khi giá thế giới tăng.

Chính tính chất đặc trưng này của Quỹ đã trực tiếp và gián tiếp làm méo mó giá cả thị trường mỗi khi Quỹ vận hành, cả lúc trích và xả quỹ, khiến các động thái cung - cầu xăng dầu, cũng như hoạt động dự báo và hạch toán kinh doanh thị trường khác dễ trở nên nhiễu loạn.

Hơn nữa, cơ chế này của Quỹ còn làm tổn hại và chậm lại quá trình tạo đột phá để hoàn thiện thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường, theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước (2011-2015).

Thứ ba, việc ủy thác quản lý thu  trích lập và chi dùng Quỹ cho doanh nghiệp có thể tạo nhiều kẽ hở cho sự lạm dụng và tham nhũng, hoặc làm phát sinh chi phí quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ.

Sự lạm dụng có thể đến từ hai phía. Thứ nhất là lạm dụng từ kẽ hở khó lấp đầy của quy trình hành chính theo "cơ chế xin-cho" cả về mức, cũng như về thời điểm trích lập và chi tiêu Quỹ trong quan hệ giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp khi giá cả biến động dù tăng hay giảm. Hai là lạm dụng từ những "mẹo mực" kế toán, sự tính toán, khai báo, đo lường và thủ thuật gian lận khác về  mức độ, thời điểm và số lượng xăng dầu nhập khẩu, tiêu thụ và tồn kho thực với số liệu báo cáo khi trích lập và xả Quỹ.

Hơn nữa, việc để Quỹ lại tài khoản (dù riêng) của doanh nghiệp, cũng khiến không phải chỉ có một nguồn Quỹ tập trung, mà có tới nhiều Quỹ khác nhau ứng với số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được ủy thác quyền quản lý. Tình trạng phân tán Quỹ này làm phát sinh các chi phí quản lý của cả doanh nghiệp, cũng như của cơ quan chức năng Nhà nước.

Thứ tư, hiệu quả và vị thế của Quỹ là chưa thật rõ ràng và thiểu ổn định.

Bất chấp những cố gắng giải trình của cơ quan hữu quan cả về cơ sở pháp lý, cũng như hiệu quả hoạt động của Quỹ, dư luận dường như đặt nghi ngờ nhiều hơn vào tính hiệu quả thực sự của Quỹ trên thực tế, cũng như ngay cả vị thế ổn định của Quỹ trong tương lai. Phần lớn thời gian và mức độ những chỉ trích về Quỹ dường như đều gắn với sự thiếu minh bạch, trách nhiệm giải trình và khó thuyết phục của những biện minh cho việc cần trích mức bao nhiêu và đã đến lúc tăng hay giảm giá, lỗ hay lãi của kinh doanh xăng dầu...

Thậm chí, nói cho công bằng, thì ngay cả thành tích "nán níu", làm chậm lại quá trình tăng giá cuối năm 2010-đầu năm 2011 kể trên cũng không phải do sử dụng Quỹ, mà còn là hệ quả của các công cụ tài chính và hành chính  Nhà nước khác. Cuối cùng thì, cú sốc tăng giá xăng dầu đầu tháng 2/2011, cũng như áp lực tăng, giảm giá xăng dầu về sau đã và sẽ mặc nhiên phủ định "tác dụng kỹ thuật" có tính hình thức của cái gọi là hiệu quả bình ổn giá của Quỹ trong thời  điểm trước đó.

Hơn nữa, khi mà Quỹ bình ổn giá quốc gia đã bị dừng hoạt động do không còn phù hợp với cam kết WTO, thì liệu Quỹ bình ổn giá xăng dầu và một loạt quỹ khác tương tự (có thể là Quỹ bình ổn giá điện...) liệu có được phép tồn tại lâu dài, nhất là trong lộ trình thị trường hóa giá cả và cạnh tranh thị trường đầy đủ ngày càng kề cận và chẳng thể đặng đừng.

Ngoài ra, xét về nguyên tắc đột phá thể chế, hoàn thiện thể chế và cơ chế quản lý kinh tế-giá cả thị trường theo tinh thần mới nhất của Đại hội Đảng XI (năm 2011-2015), thì liệu những nguyên tắc hiện hành của cơ chế Quỹ được xây dựng từ trước đó có trở nên "cũ" đi.

Đặc biệt, cơ chế Quỹ cũng như phân cấp quản lý xăng dầu hiện hành khó cho phép bóc tách, phân biệt các hoạt động kinh doanh xăng dầu với quản lý dự trữ xăng dầu cho bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Điều này dễ gây lãng phí, chồng chéo trong hoạt động  quản lý nhà nước, cũng như dễ tạo cơ hội cho sự lạm dụng và hạch toán thiếu minh bạch vì lợi ích nhóm, cục bộ trong lĩnh vực xăng dầu.

Cơ chế Quỹ cũng như phân cấp quản lý xăng dầu hiện hành khó cho phép bóc tách, phân biệt các hoạt động kinh doanh xăng dầu với quản lý dự trữ xăng dầu cho bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Phải coi đây là quỹ quốc gia

Sự phân tích trên cho thấy, rõ ràng nhu cầu đổi mới mục tiêu và cơ chế hoạt động của Quỹ là hết sức bức thiết và cần quán triệt một số điểm nhấn nguyên tắc.

Thứ nhất, thay vì lấy sự ổn định hình thức của giá xăng dầu làm mục tiêu hàng đầu, thì Quỹ cần lấy việc hỗ trợ chuyển nhanh hoạt động kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường làm ưu tiên số 1. Đồng thời, Quỹ ngày càng chuyển sang mục tiêu hỗ trợ tích cực trực tiếp cho hoạt động dự trữ bảo đảm an ninh xăng dầu nói riêng, an ninh năng lượng quốc gia nói chung.

Với mục tiêu này và để tập trung nguồn lực từ các loại quỹ tương tự (như Quỹ bình ổn giá điện, than...), có thể xem xét mở rộng và đổi tên Quỹ thành Quỹ An ninh năng lượng Quốc gia.

Về cơ chế quản lý Quỹ, cần nhấn mạnh rằng, dù là Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay Quỹ An ninh năng lượng Quốc gia, thì cũng cần bãi bỏ ngay cơ chế như hiện nay vì vừa yếu, vừa thiếu năng lực và trách nhiệm về pháp lý. Tức là, phải coi đây là Quỹ Quốc gia và phải được quản lý trực tiếp, tập trung bởi Hội đồng Quỹ liên ngành và trực thuộc một cơ quan quản lý Nhà nước thích hợp, trong đó tốt nhất là Bộ Tài chính, hoặc Bộ Công Thương.

Đặc biệt, cần lồng ghép việc thu lập Quỹ qua giá xăng dầu vào một khoản thu ngân sách trực tiếp trong các nguồn thu Ngân sách Nhà nước trung ương hiện nay theo Luật Ngân sách Nhà nước. Có thể giữ nguyên tên gọi khoản thu này như một khoản thu NSNN chính thức mới, nhưng "mềm" về mức thu và thời gian áp dụng, hoặc tiện nhất là lồng ghép với thu qua thuế xuất-nhập khẩu xăng dầu.

Mức thu này có thể được dự toán theo kế hoạch, với sự điều chỉnh bổ sung tùy theo bối cảnh và mục tiêu quản lý Nhà nước cụ thể. Sau đó, sẽ tiến hành trích lập và bổ sung Quỹ từ nguồn NSNN TW hàng năm cho cơ quan quản lý Quỹ. Điều này tạo sự linh hoạt trong quản lý Quỹ cho mục tiêu mới nêu trên của Quỹ, cũng như cho các mục tiêu quản lý nhà nước khác có thể đặt ra. Đồng thời, nó còn giúp giải tỏa tâm lý xã hội đầy bức xúc trước quá nhiều các khoản thu phức tạp cộng vào giá xăng dầu, nhất là tâm lý cho rằng việc thu và quản lý Quỹ như hiện nay làm tăng quyền hạn và sự phiền hà, cũng như chỉ có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, Quỹ cũng có thể tài trợ cho hoạt động khuyến khích và bảo đảm cạnh tranh thị trường bình đẳng, lành mạnh trong quá trình mở rộng sự tham gia của các thành phần kinh tế khác trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, cần tách bạch nhiệm vụ, cơ chế quản lý xăng dầu cho mục tiêu dự trữ bảo đảm an ninh xăng dầu với nhiệm vụ kinh doanh xăng dầu vì mục tiêu thương mại của các đầu mối về xăng dầu hiện nay và trong tương lai.

TS.Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Tổng giám đốc Petrolimex: Xăng dầu không có siêu lợi nhuận! (22/09/2011)

>   Bộ Tài chính "hỏi thăm" các ông lớn xăng dầu (21/09/2011)

>   Sản lượng khí đốt của Canada giảm trong 5 năm tới (21/09/2011)

>   Doanh nghiệp từ chối Quỹ bình ổn giá xăng dầu  (21/09/2011)

>   Dầu lên sát 87 USD/thùng nhờ kỳ vọng Fed kích thích kinh tế (21/09/2011)

>   Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Từ nay đến cuối năm sẽ không có chuyện tăng giá xăng dầu (20/09/2011)

>   Hà Nội: Một vài cây xăng treo biển “hết xăng” (20/09/2011)

>   Dầu trượt hơn 2% do nỗi lo Hy Lạp vỡ nợ (20/09/2011)

>   Giá dầu châu Á giảm mạnh tại thị trường châu Á (19/09/2011)

>   Xăng dầu: Tù mù lỗ, lãi (18/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật