Thứ Sáu, 16/09/2011 08:47

Quản lý đất đai: Thất thoát lớn, tiêu cực nhiều

Việc quản lý, sử dụng đất đai còn phân tán, nhiều đơn vị sử dụng đất lãng phí; chuyển quyền sử dụng đất còn nhiều vi phạm, tham ô trong sử dụng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng... đã gây thất thoát lớn cho ngân sách, làm giảm hiệu quả sử dụng đất.

Số tiền đề nghị truy thu thông qua việc kiểm toán quản lý và sử dụng đất đai - Nguồn: Kiểm toán Nhà nước

Đó là đánh giá tại hội thảo “Kiểm toán thu sử dụng đất với việc tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu lực quản lý đất đai tại các tỉnh thành thuộc trung ương” do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức ngày 15-9.

Ba cái nhất của đất đai

Kiểm toán quản lý đất đai chưa nhiều

Theo đánh giá của Phó tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên, số tiền sai phạm trong quản lý đất đai những năm qua lên đến hàng ngàn tỉ đồng, so với các cuộc kiểm toán là một mức lớn nhưng vẫn chưa thể đánh giá hết được mức độ thất thoát do KTNN tiến hành kiểm toán chuyên đề về quản lý đất đai chưa được nhiều.

Do đó trong những năm tới KTNN sẽ đẩy mạnh, tập trung vào chuyên đề kiểm toán quản lý sử dụng đất đai hoặc kiểm toán đối với nguồn thu sử dụng đất để xem xét việc tuân thủ các quy định của pháp luật, đánh giá được mức độ, tính hiệu quả, hiệu lực của quản lý sử dụng đất đai...

Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Trần Khánh Hòa cho biết quản lý, sử dụng đất đai là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều sai phạm với số thất thu ngân sách lớn nên các đơn vị trong ngành đã triển khai kiểm toán trên diện rộng ở nhiều địa phương. Qua đó, từ năm 2009 đến nay đã kiến nghị truy thu hàng ngàn tỉ đồng thông qua việc kiểm toán, quản lý về sử dụng đất đai (xem bảng).

Theo ông Hòa, qua kiểm toán đã xác định nhiều sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai. Ví dụ như tại cơ quan thuế, việc xác định giá thu tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc chuyển nhượng không đúng theo quy định; xác định đơn giá thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án giao đất không theo đơn giá đất địa phương ban hành tại thời điểm có quyết định giao đất; tính tiền sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện kê khai nộp tiền sử dụng đất; xác định thời điểm áp dụng đơn giá thu tiền sử dụng đất không phù hợp thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất; miễn, giảm tiền sử dụng đất cho các đơn vị không thuộc đối tượng được miễn...

Đây là những nguyên nhân dẫn đến thất thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng. Điều này cho thấy thất thoát, tiêu cực trong quản lý sử dụng đất khá lớn.

Ông Phạm Đình Cường, cục trưởng Cục Công sản (Bộ Tài chính), nêu lĩnh vực đất đai có ba cái nhất là: khiếu kiện nhiều nhất (70% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai), nhiều biểu hiện tiêu cực nhất (vì số lượng quan chức bị mất chức, xử lý hành chính, xử lý hình sự liên quan đến đất đai nhiều nhất) và thất thoát nhiều nhất.

Đồng nhận định với các đại biểu, ông Võ Duy Khương - phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng - đánh giá đất đai là lĩnh vực thất thoát ngân sách lớn. Theo ông Khương, với giá đất hiện nay thì giá nào cũng không phù hợp. UBND TP Đà Nẵng ban hành giá đất theo từng năm nhưng có những khu đất tại TP có nâng lên gấp 10 cũng không bằng giá thị trường. Thực tế cơ quan quản lý không thể dùng giá như giá thị trường mà dùng hệ số để điều chỉnh. Tuy nhiên nếu cứ thực hiện như vậy thì thất thoát đất đai sẽ ngày càng lớn và hậu quả là thế hệ sau phải gánh chịu một điều khủng khiếp: hết đất.

Chính sách thiếu khách quan

Nguyên nhân dẫn đến những thất thoát, tiêu cực trên được xác định do hệ thống quản lý đất đai hiện hành còn thiếu hoàn chỉnh. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, dẫn chứng theo Luật đất đai năm 2003, giá đất được xác định phải phù hợp với giá đất trên thị trường nhưng bất cập hiện nay là chưa tạo được một hành lang pháp lý để định giá đất phù hợp với thị trường.

Giá đất phù hợp thị trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định là không phù hợp với cơ chế thị trường, thiếu tính khách quan và độc lập. Pháp luật cho phép các doanh nghiệp hành nghề cung cấp dịch vụ định giá đất nhưng việc sử dụng dịch vụ này còn tùy theo cơ quan nhà nước có muốn hay không.

Ông Võ cho rằng cơ chế này vừa tạo nguy cơ tham nhũng khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất vừa không đảm bảo quyền lợi của người bị Nhà nước thu hồi đất. Do đó cần có một cơ chế định giá đất mang tính độc lập với hệ thống hành chính để giảm bớt sự can thiệp hành chính vào các quy luật thị trường.

Cùng chung quan điểm này, ông Phạm Đình Cường cho rằng không thể không tính giá đất theo giá thị trường vì trong kinh tế thị trường, giá đất là thành tố với chi phí rất lớn. Tuy nhiên, xác định thế nào là giá thị trường là một vấn đề khó khăn. Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu để tính giá đất sát theo giá thị trường, là giá không bị áp đặt mà chuyển nhượng bình thường. Tuy nhiên cũng không thể đúng theo giá thị trường hoàn toàn và đây cũng là khó khăn cho công tác kiểm toán hay thanh tra lĩnh vực này.

MINH QUANG

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Ngày hội mua nhà giá gốc sẽ không như dự kiến (16/09/2011)

>   Giảm giá tới 30%, nhà đất Hà Nội giá vẫn cao (15/09/2011)

>   TS Lê Xuân Nghĩa: Tiếp tục siết tín dụng bất động sản (15/09/2011)

>   Người dân “sợ” nhận nhà (15/09/2011)

>   Ẩn số thị trường Bất động sản sắp được hoá giải? (15/09/2011)

>   Kêu gọi các doanh nghiệp bất động sản cải thiện thị trường (14/09/2011)

>   Kiểm soát để lành mạnh thị trường bất động sản (13/09/2011)

>   GS. Đặng Hùng Võ: Hạ lãi suất chưa tác động nhiều tới thị trường BĐS (13/09/2011)

>   “Nhà giá gốc”, một khái niệm chưa rõ ràng (13/09/2011)

>   Bảo vệ, đồng nát cũng 'chết' theo BĐS (13/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật