Phó vụ trưởng Vụ tài chính tiền tệ: Điều hành lãi suất - cần một nghệ thuật
Việc của NHNN ngay lúc này là tính chuyện giữ mức lãi suất 14%/năm trong bao lâu và khi nào bỏ trần lãi suất để dòng vốn chảy trơn tru, tránh vòng luẩn quẩn lạm phát.
Theo bà Phan Thanh Hà – Phó vụ trưởng Vụ tài chính – tiền tệ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), “đó là nghệ thuật điều hành của Ngân hàng Nhà nước”.
Theo dõi tình hình hoạt động của các ngân hàng hiện nay cho thấy, tại nhiều ngân hàng, lãi suất huy động VND đang thẳng băng 14%/năm cho tất cả các kỳ hạn từ 1 tuần cho đến 60 tháng.
Đánh giá về biểu hiện này, bà Phan Thanh Hà cho rằng: “Thị trường tiền tệ đang có biểu hiện “méo mó”. Sự “méo mó” lãi suất có một số nguyên nhân, trong đó có Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư sửa đổi bổ sung số 19/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Hai Thông tư này quy định từ ngày 1/10/2010, các ngân hàng phải nâng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9% và giới hạn tỷ lệ cho vay 80% số vốn huy động, khiến nhiều ngân hàng lâm vào cảnh thiếu tiền cho hoạt động tín dụng. Trong khi, nguồn thu từ hoạt động này luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn thu của các ngân hàng, thậm chí ở các ngân hàng cỡ nhỏ và vừa, tỷ lệ này lên đến 80%-90%. Cùng lúc, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỷ đồng, khiến các ngân hàng nhỏ bằng mọi giá phải tìm thêm nguồn vốn, tăng thêm cổ đông. Việc tăng vốn vô hình trung đã tạo thêm sức ép về lợi nhuận từ các cổ đông, khiến các NHTM phải tăng lãi suất “hút” tiền vào, để cho vay ra thu lợi, “châm ngòi” cho những cuộc đua lãi suất”.
** Ngân hàng Nhà nước đã sửa hai thông tư 13 và 19 để giúp các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động xuống 14%/năm?
Bà Phan Thanh Hà : Việc ban hành thông tư quy định về các tỷ lệ an toàn trong các tổ chức tín dụng là rất cần thiết, đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế và về cơ bản là phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên các ngân hàng là đối tượng điều chỉnh của hai thông tư trên cho rằng, việc chuẩn bị trước khi ban hành hai thông tư này chưa kỹ, chưa tính đến thực tế của Việt Nam để quy định thời điểm hiệu lực có ý nghĩa thi hành phù hợp hơn. Theo đó, NHNN chưa lường hết những tác động tiêu cực của thông tư đối với hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung do chưa thực hiện đầy đủ các quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đánh giá tác động. Thời gian từ khi ban hành đến khi có hiệu lực ngày 1/10/2010 chỉ trong năm tháng là quá ngắn, khiến các NHTM không thể thực hiện được.
Quy định trong Thông tư 13 chưa tính đến đặc thù của hệ thống ngân hàng Việt Nam là vốn tự có hầu như chỉ bao gồm vốn điều lệ. Việc nâng từ 8% lên 9% là quá đột ngột do nâng mức tuyệt đối đồng thời với thay đổi cách tính vốn tự có và tài sản có rủi ro. Để bảo đảm tăng tỷ lệ lên 9% đòi hỏi các NHTM phải “Huy động thêm vốn điều lệ” hoặc “Giảm tài sản có rủi ro, trong đó có dư nợ cho vay và đặc biệt là các khoản đầu tư góp vốn và đầu tư chứng khoán”.
Trong khi, việc huy động thêm vốn điều lệ trong một thời gian ngắn và không được dự tính từ đầu năm kế hoạch là không thể thực hiện được do chưa có ý kiến của Đại hội đồng cổ đông (đối với NH cổ phần) hoặc ngân sách Nhà nước (đối với NH có vốn Nhà nước). Việc giảm dư nợ cũng đòi hỏi thời gian do không thể hủy hợp đồng cho vay đã ký với khách hàng khi chưa hết thời hạn hợp đồng. Đó là lý do vì sao thông tư về an toàn hoạt động của ngân hàng đã được sửa đổi, nhưng đường cong lãi suất chưa thay đổi hình dạng, vẫn là một đường thẳng.
** Bà đánh giá thế nào về quyết tâm của NHNN gần đây nhằm đưa lãi suất cho vay về 17-19%?
Bà Phan Thanh Hà : Mục tiêu trong tháng 9 đưa lãi suất cho vay xuống 17-19% của NHNN đã được một số ngân hàng thương mại hưởng ứng bằng những thông báo áp dụng cho một lượng tín dụng vài nghìn tỷ đồng. Việc áp dụng rộng rãi cho hầu hết các khoản vay là khó có thể thực hiện trong một vài tháng trước mắt do trong thời gian vừa qua giá vốn các ngân hàng huy động đã xấp xỉ, thậm chí cao hơn mức 17-19%. Nếu giữ được mức huy động 14% trong vài tháng tới thì quyết tâm của NHNN mới trở thành hiện thực.
** Lãi suất huy động của các ngân hàng giờ đây đã về 14%, nhưng một số ngân hàng lo ngại sẽ gặp khó trong huy động vốn và hiện tượng tiền gửi đang bị rút ra khỏi hệ thống.
Bà Phan Thanh Hà : Lãi suất huy động 14% đang thấp hơn đáng kể so với chỉ số giá tiêu dùng, dù tính theo cách nào. CPI tháng 9 dự báo sẽ chậm lại đáng kể nhưng nếu tính chung cả năm thì khoảng cách là rất lớn. Mức lãi suất này chưa đủ để bù đắp cho rủi ro tăng tỷ giá cuối năm, nhất là khi thời điểm mua ngoại tệ để trả nợ và quyết toán sổ sách năm kinh doanh đang đến gần. Khi đó, người gửi một lượng tiền nhỏ sẽ không có nhiều lựa chọn nên vẫn tiếp tục gửi tiền ở ngân hàng. Còn đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, kể cả bản thân một số ngân hàng thương mại, có lượng tiền gửi lớn sẽ tìm cách bảo toàn số vốn của mình, chuyển tiền gửi tiết kiệm hưởng lãi suất sang các kênh đầu tư khác, dù không đem lại lợi nhuận cao nhưng ít nhất là an toàn hơn. Đây mới chỉ là các phân tích, phán đoán. Còn thực tế về mức độ nghiêm trọng thì cần phải chờ số liệu thống kê sắp được công bố, nhưng có thể chắc chắn rằng trong dài hạn hơn, khoảng sáu tháng đến một năm, khi các khoản tiền gửi đáo hạn thì tác động rút vốn khỏi hệ thống ngân hàng sẽ rõ rệt, nếu vẫn tiếp tục áp dụng trần lãi suất huy động.
Không được cạnh tranh bằng lãi suất thì các ngân hàng nhỏ sẽ bị bất lợi hơn, phải tìm cách thích nghi bằng cách tính lãi suất tiền gửi theo ngày cho tất cả các kỳ hạn, thậm chí là năm năm. Đường cong lãi suất vẫn tiếp tục thẳng, mặc dù thông tư 13 và 19 đã được sửa đổi.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ, nhất là với mức độ như NHNN đã thực hiện trong nửa đầu năm, đồng thời với chính sách tài khóa sẽ đẩy lãi suất lên cao. Trần lãi suất huy động tạm thời chưa thay đổi, trong khi thông tư 22 sửa đổi các thông tư 13 và 19 đang phát huy tác dụng để không gây tác động cộng hưởng đột ngột, thì khả năng điều chỉnh chủ yếu phụ thuộc điều hành lượng tiền cung ứng. Vì vậy, cần nới lỏng tiền tệ so với đầu năm nhưng không lớn, mức độ bao nhiêu là nghệ thuật của NHNN để không gây tác động lạm phát cho thời gian tiếp theo, đồng thời tránh cho NHNN lại phải xử lý cái vòng luẩn quẩn lạm phát. Sau khi thông tư 22 có hiệu lực một thời gian, có lẽ không quá 6 tháng thì nên bỏ trần lãi suất và dùng dự trữ bắt buộc để điều chỉnh. Về phía các ngân hàng thương mại thì phải tập trung thu hồi vốn đã cho vay để có vốn cho vay tiếp, nhất là đối với các dự án bất động sản, để không bị đọng vốn./.
Xuân Nhân
VOV
|