Phát triển nông sản Việt Nam: Bắt đầu từ thị trường trong nước
Mặc dù, sàn giao dịch nông sản tại VN hoạt động chưa thực sự hiệu quả, song, đây cũng được coi là một trong những giải pháp quan trọng để tìm kiếm đầu ra, hạn chế tình trạng bị ép giá đối với mặt hàng nông sản như hiện nay. Ông Đào Văn Hồ - GĐ Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp chia sẻ.
- Theo ông, thị trường thế giới đánh giá như thế nào về chất lượng nông sản VN ?
Kim ngạch xuất khẩu nông sản của VN ngày một tăng lên, chiếm 30% trong kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong 3 năm qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp đã tổ chức cho nhiều DN tham gia các hội chợ uy tín như Foodex tại Nhật Bản, SIAL tại Pháp... Tại các Hội chợ này, khu gian hàng của VN thu hút nhiều khách thăm quan là các nhà nhập khẩu, phân phối đến từ các nước phát triển. Có nhiều gian hàng, khách hàng phải xếp hàng dài để được trao đổi trực tiếp với DN tiêu biểu như Cty Phúc Sinh (hồ tiêu, cà phê), Vegetexco HCM (rau quả), Cty Long Sơn (hạt điều), Camimex (hải sản)... Thông qua các hội chợ đó, các DN VN đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu có giá trị lớn. Chính vì vậy, tôi cho rằng, các DN nước ngoài không chỉ quan tâm mà đặt niềm tin vào chất lượng sản phẩm nông sản VN cũng như nhìn thấy tính hiệu quả khi kinh doanh các sản phẩm nông sản do các DN VN cung ứng.
- Ông dự báo thế nào về xuất khẩu nông sản của VN trong những tháng cuối năm 2011?
Theo tôi, trong những tháng cuối năm nay, XK nông sản VN vẫn sẽ khởi sắc cả về số lượng, mặt hàng và giá bán. Số liệu 8 tháng đầu năm nay cho thấy, xuất khẩu nông sản đã bứt phá mạnh mẽ, tiếp nối những kết quả tích cực của ngành. Cụ thể, xuất khẩu các mặt hàng nông sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, ước xấp xỉ 9,3 tỉ USD, tăng 34,2 % so với cùng kỳ năm 2010; thuỷ sản đạt 3,7 tỉ USD, tăng 24 %; lâm sản đạt 2,6 tỉ USD, tăng 12,4 %. Từ đầu năm đến nay xuất khẩu tất cả các mặt hàng nông sản đều tăng trưởng khá.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu nông sản VN vẫn được dự báo có nhiều thách thức, nguyên nhân là hầu hết hàng hóa đều được quản lý theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời có sự sụt giảm nhập khẩu của một số thị trường như Philippin (mặt hàng gạo), Nhật Bản (thủy sản)...
- Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường trong nước rất giàu tiềm năng lại chưa được quan tâm đúng mức. Quan điểm của ông về vấn đề này?
VN là một quốc gia nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới, tuy nhiên, mỗi năm, chúng ta lại phải bỏ ra một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu đủ loại nông sản. Đến bất kỳ một chợ hay siêu thị nào, chúng ta đều dễ dàng tìm thấy nhiều loại hàng hóa nông sản có nguồn gốc nước ngoài, từ mớ rau, quả ớt, cọng hành... đến các mặt hàng như nho Mỹ, xoài Thái, táo Trung Quốc, sữa Úc, gạo Nhật... Trong khi người nông dân trong nước phải chật vật tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, thì những sản phẩm tương đương của nước ngoài lại nghiêm nhiên có mặt trong bữa ăn từng gia đình người Việt.
Thực tế này, không chỉ do tâm lý “sính ngoại” của người VN mà còn do yếu kém của nền sản xuất, kinh doanh nông sản nước ta theo chuỗi ngành hàng. Thực tế nhiều mặt hàng, đặc biệt là rau, hoa quả của chúng ta chất lượng kém so với cùng loại của nước ngoài, hơn nữa khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến với công nghệ lạc hậu đã làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nông sản của VN; đặc biệt là khâu giống, chúng ta chậm đổi mới nên chưa có nhiều các giống cây trồng phù hợp với yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch không đồng bộ, tự phát nên dẫn đến tình trạng dược mùa mất giá thường xuyên. Nhận thức được vấn đề này, Bộ Nông nghiệp & PTNT đang từng bước hoàn thành quy hoạch các loại cây trồng chủ yếu như: lúa gạo, cà phê, điều, tiêu, cao su...để làm cơ sở cho nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững.
- Vậy, để ngành nông sản VN phát triển đúng với tiềm năng, đồng thời, xây dựng được tên tuổi “made in VN” trên thị trường quốc tế, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông ?
Theo tôi, trước tiên, chúng ta phải xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu nông sản trên thị trường trong nước, đồng thời tăng cường kim ngạch xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Quá trình này đòi hỏi phải tập trung sức lực và tâm huyết của nhiều cơ quan, tổ chức, hiệp hội, các nhà khoa học, các trường đại học kinh tế, chuyên gia kinh tế, đặc biệt là nỗ lực của các DN. Bởi lẽ, nông dân không thể tự sản xuất theo mô hình hiện đại, quy mô lớn, vì vậy, DN phải là người đứng ra tổ chức cho người dân theo các mô hình đó. Hơn nữa, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, phải bắt đầu từ “gốc rễ”, nghĩa là từ người nông dân. Muốn tăng giá trị cho sản phẩm, chúng ta phải được tăng hàm lượng chất xám, nâng cao trình độ, kỹ thuật canh tác và chế biến để có được những sản phẩm chất lượng... Nếu làm tốt những điều này, trong tương lai, nông sản Việt sẽ gặt hái thành công lớn tại “sân nhà” và “vươn ra sân khách”.
Hiện nay, VN đã triển khai việc đưa nông sản Việt lên sàn. Đây là hình thức rất ưu việt bởi khi sản phẩm nông sản lên sàn, chúng ta đã cắt bỏ khâu trung gian để bán trực tiếp cho người tiêu thụ. Mặc dù, sàn giao dịch nông sản tại VN hoạt động chưa thực sự hiệu quả, song, đây cũng được coi là một trong những giải pháp quan trọng để tìm kiếm đầu ra, hạn chế tình trạng bị ép giá đối với mặt hàng nông sản như hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!
Mai Thanh thực hiện
Diễn đàn doanh nghiệp
|