Kỳ hạn còn dưới 2 năm, trái phiếu chính phủ sẽ được hoán đổi
Bộ Tài chính vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu hàng hoá trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP). Kho bạc Nhà nước, đơn vị chủ trì xây dựng Đề án đang phối hợp với Sở GDCK Hà Nội (HNX) và các đơn vị liên quan chuẩn bị rốt ráo để triển khai đề án này trong năm nay nhằm sớm hỗ trợ tăng thanh khoản cho thị trường.
Theo Đề án tái cấu trúc thị trường trái phiếu, trái phiếu còn thời hạn 2 năm sẽ được hoán đổi để giảm bớt số mã trái phiếu niêm yết
Theo đó, Đề án thực hiện tái cấu trúc thí điểm đối với loại trái phiếu có kỳ hạn còn lại 2 năm, nhằm hoán đổi trái phiếu thành công để giảm số lượng mã trái phiếu đang niêm yết, qua đó tăng quy mô của một mã trái phiếu để tăng thanh khoản cho thị trường. Giải pháp này nhằm khắc phục tình trạng thị trường TPCP đang tồn tại quá nhiều mã trái phiếu, trong đó khối lượng của mỗi mã không lớn, thậm chí có những mã khối lượng niêm yết dưới 100 tỷ đồng và chỉ thuộc sở hữu của một NĐT, nên rất kém thanh khoản.
Tổ đề án chọn phương án thí điểm hoán đổi đối với trái phiếu có kỳ hạn còn lại 2 năm vì thời gian này là đủ dài, đảm bảo sau khi tái cơ cấu còn tiếp tục được giao dịch trên thị trường thứ cấp, qua đó cơ quan quản lý có thể đánh giá được tác động của nó đối với thị trường, nhất là ở khía cạnh cải thiện thanh khoản. Đây cũng đang là loại trái phiếu được các NĐT ưa thích và có tần xuất giao dịch nhiều, nên thu hút các NĐT quan tâm tham gia Đề án. Ngoài ra, các trái phiếu còn kỳ hạn 2 năm hiện có số mã tương đối lớn với 37 mã, nên đáp ứng được mục tiêu giảm số lượng mã trái phiếu sau khi tái cơ cấu.
Qua tìm hiểu của HNX và Trung tâm Lưu ký chứng khoán, trái chủ của 37 mã trái phiếu trên phần lớn là 10 ngân hàng thương mại, trong đó riêng Ngân hàng TMCP Quân đội chiếm tới 70% giá trị trái phiếu. Để đảm bảo tính khả thi cho Đề án, HNX đã trực tiếp làm việc với 5 trong số 10 ngân hàng về phương án hoán đổi trái phiếu. Các trái chủ đều tán thành chủ trương hoán đổi trái phiếu của Bộ Tài chính và mong muốn Đề án sớm được triển khai.
Theo mục tiêu của Đề án, 37 mã trái phiếu nói trên sẽ được hoán đổi thành 6-8 mã với khối lượng của một mã mới hình thành tối đa khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng. Đề án đưa ra nguyên tắc hoán đổi trái phiếu là đảm bảo cân bằng lợi ích giữa tổ chức phát hành và trái chủ thông qua sử dụng các công thức tính toán hoán đổi đang có sẵn trên hệ thống HNX, cũng như đang được các thành viên sử dụng trong giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Tổ đề án có trách nhiệm bám sát diễn biến của thị trường và đàm phán với các trái chủ, để tính toán và trình Bộ Tài chính mức lãi suất phù hợp (có thể áp dụng với từng trái chủ) theo nguyên tắc trái chủ bán trái phiếu cho Kho bạc Nhà nước với lợi suất nào, thì sẽ ngay lập tức phải mua lại trái phiếu mới với lợi suất đó. Do việc hoán đổi trái phiếu theo nguyên tắc ngang bằng giá trị, nên Ngân sách Nhà nước không phải ghi thu hoặc chi, trong khi các trái chủ không phải thu tiền về từ bán trái phiếu cần cơ cấu và không phải trả tiền đầu tư mua trái phiếu chuẩn.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho rằng, cùng với việc tái cấu trúc hàng hoá, điều quan trọng là ngay từ bây giờ, Chính phủ cần tăng cường phát hành các loại trái phiếu lô lớn, để đảm bảo không tái diễn tình trạng bội thực mã trái phiếu trong tương lai như đã từng xảy ra phổ biến thời gian qua. Chẳng hạn, thay vì phát hành các lô 3.000 - 4.000 tỷ đồng như hiện nay, nên tính đến phát hành các lô 10.000 tỷ đồng.
Một thành viên Tổ đề án cho rằng, phát hành trái phiếu lô lớn với quy mô 10.000 - 12.000 tỷ đồng không chỉ là mong mỏi của các thành viên thị trường, mà của cả cơ quan quản lý, bởi đây là tiền đề quan trọng để tăng thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, quy mô trái phiếu lô lớn phụ thuộc rất lớn vào khả năng trả nợ của Ngân sách Nhà nước. Khi năng lực trả nợ còn có hạn mà vội vàng tăng quy mô các lô trái phiếu phát hành, thì sẽ gây áp lực trả nợ lớn cho Ngân sách khi trái phiếu đáo hạn. Do vậy, ở thời điểm hiện tại, trái phiếu lô lớn nên ở quy mô 6.000 tỷ đồng là phù hợp.
Hữu Hoè
Đầu tư chứng khoán
|