Thứ Ba, 06/09/2011 09:38

NH gỡ nút thắt thanh khoản, thị trường trái phiếu gặp khó

Lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu tăng lên, cùng với thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện đã khiến cho sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ giảm đi đáng kể.

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu huy động trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2011 khoảng 100.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 8, con số huy động thành công thông qua đấu thầu trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) mới đạt trên 50.000 tỷ đồng. Chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc năm 2011, thách thức để đạt con số huy động 100.000 tỷ đồng là không nhỏ khi hiện tại, chính sách tiền tệ đang có những thay đổi theo hướng bất lợi cho thị trường trái phiếu trong ngắn hạn.

Chỉ trong 1 tuần qua, kết quả 2 phiên đấu thầu trái phiếu trên HNX đã có sự thay đổi rõ rệt. Từ chỗ gần 1.500 tỷ đồng TPCP kỳ hạn 3 năm do Kho bạc Nhà nước phát hành được mua hết với lãi suất 12,28% vào ngày 25/8, đến ngày 31/8, trái phiếu cùng kỳ hạn do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành chỉ bán được 200 tỷ đồng trên 1.000 tỷ đồng gọi thầu với mức lãi suất 12,5%. Bỏ qua sự khác biệt về loại trái phiếu thì nguyên nhân chính là do sự thay đổi trong chính sách tiền tệ vừa qua.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 6 tháng đầu năm, các NHTM đã mua khoảng 32.000 tỷ đồng trên tổng số 42.000 tỷ đồng TPCP huy động thành công với lãi suất 12 - 14%/năm. Trong khi đó, mặt bằng huy động vốn của NHTM thời gian vừa qua là 14%, thậm chí với khoản tiền lớn có thể lên tới 18 - 19%/năm. Có 2 nguyên nhân trực tiếp khiến các NHTM chấp nhận lỗ để mua TPCP với lãi suất thấp xa so với lãi suất huy động.

Thứ nhất, thanh khoản kém khiến một số NHTM nhỏ chấp nhận huy động vốn với lãi suất cao, đẩy các NHTM nói chung vào cuộc đua lãi suất. Tuy nhiên, không phải cứ huy động vốn về là có thể giải ngân được. Một phần, NHTM chỉ được phép cho vay 80% vốn huy động, phần 20% còn lại nếu không đầu tư sẽ là phần bị "gánh" lãi suất. Trong khi đó, không phải NHTM nào cũng giải ngân hết số vốn được phép cho vay, bởi giới hạn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, giới hạn dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất… Do đó, chấp nhận mua TPCP với mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất huy động là một giải pháp nhằm giảm chi phí vốn cho các ngân hàng.

Điểm thứ hai đáng lưu ý là, giai đoạn trước, lãi suất tái chiết khấu của NHNN chỉ ở mức dưới 10%/năm. Các NHTM mua TPCP với lãi suất khoảng 12%/năm, sau đó thế chấp để vay lại của NHNN với mức lãi suất trên dưới 8%/năm, như thế đã hưởng chênh lệch một khoản không nhỏ.

Chính hai yếu tố trên đã giúp huy động TPCP đầu năm 2011 gặp nhiều thuận lợi, dù mức lãi suất thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng lãi suất huy động vốn trong dân.

Kết quả đấu thầu TPCP từ đầu năm đến nay

Tuy nhiên, hai yếu tố hấp dẫn trên nay không còn nữa. Kể từ ngày 1/5/2011, lãi suất tái chiết khấu đã lên mức 13%/năm, còn lãi suất tái cấp vốn là 14%/năm. Trong thông điệp sau khi nhậm chức, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, mức lãi suất tái cấp vốn phải lên 15%/năm mới hợp lý.  Tức là khó có kỳ vọng giảm lãi suất tái chiết khấu. Chính yếu tố này đã khiến sức hấp dẫn của TPCP giảm đi đáng kể, vì các ngân hàng khó có thể kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất thông qua tái chiết khấu trái phiếu với NHNN.

Trong khi đó, theo Thông tư số 22/2011/TT-NHNN ngày 30/8/2011, từ ngày 1/9/2011, quy định về giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động theo quy định tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư 19/2010/TT-NHNN sẽ bị hủy bỏ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các NHTM sẽ được giải phóng 20% số vốn huy động để phục vụ việc cho vay, thay vì bị giữ lại như trước kia.

Với hai sự thay đổi này, nếu tình hình lãi suất trên thị trường tín dụng không thay đổi hoặc lãi suất huy động TPCP không được điều chỉnh trần tăng lên, thì khả năng đấu thầu thành công TPCP sẽ giảm đi rất nhiều.

Tất nhiên, ngoài hai lý do ban đầu nêu trên về nguyên nhân TPCP bán được thành công từ đầu năm đến nay, còn phải kể đến một số lý do khác như kỳ vọng lãi suất ngân hàng sẽ giảm hoặc do nguồn tiền về từ TPCP đáo hạn. Nếu các giải pháp hạ lãi suất của NHNN có hiệu quả, thì đầu tư TPCP lúc này vẫn là một cơ hội trong dài hạn.         

Bùi Sưởng

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   HBB nộp hồ sơ phát hành 9.6 triệu trái phiếu chuyển đổi (05/09/2011)

>   08/09, HNX đấu thầu 3,000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (05/09/2011)

>   VMD sẽ phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 22% (05/09/2011)

>   30/08, hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu QHB0911020 (29/08/2011)

>   05/09, ngày hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu QH061119 (04/09/2011)

>   31/08, giao dịch bổ sung trái phiếu TD1114049 (30/08/2011)

>   01/09, hủy niêm yết và ngừng giao dịch trái phiếu QHB0911019 (30/08/2011)

>   Tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ đạt 95% (01/09/2011)

>   Thị trường tài chính rất cần chỉ số VNIBOR (01/09/2011)

>   Quý 2, thị trường trái phiếu Việt Nam tăng mạnh nhất Đông Á (01/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật