Hậu trường vụ DVD: Chỉ có nhà đầu tư là... vô trách nhiệm?
Vụ việc cổ phiếu DVD của Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông đến hôm nay vẫn khiến nhà đầu tư tiếp tục “mù” thông tin.
Cho phép phát hành, tạm dừng, cho phép, rồi lại đình chỉ có thời hạn, tiến đến hủy phát hành, hủy niêm yết. Các sự việc nối tiếp nhau “loạn xạ” trong mắt nhà đầu tư. Tuy nhiên, đằng sau đó là vô khối vướng mắc...
|
DVD ngày chào sàn |
Ủy ban đã hết mình?
Vụ việc DVD không phát hành được cổ phiếu nhưng giá vẫn điều chỉnh khiến nhà đầu tư hết sức bức xúc vì tự nhiên “mất không” một đống tiền. Tiếp đến cổ phiếu vẫn được giao dịch dù trong diện bị kiểm soát ngay cả những thông tin “động trời” như bắt giữ hàng loạt nhân sự cao cấp, cơ quan điều tra vào cuộc với nghi vấn tạo doanh thu ảo, giả mạo hồ sơ. Cuối cùng là “đùng một cái” cơ quan quản lý tuyên bố hủy niêm yết chỉ trước đúng hai ngày khiến cả ngàn cổ đông tá hỏa tháo chạy không kịp.
Những bức xúc đó nhà đầu tư đổ dồn vào cơ quan quản lý, khiến đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sáng nay phải có buổi “trần tình” với báo giới. Hóa ra đằng sau những quyết định tưởng như “lộ cộ” đó là vô khối vướng mắc khiến cơ quan quản lý phải đau đầu khi ra quyết định. Nhiều quyết định được ban hành không thể sớm hơn.
Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết quy trình xét duyệt hồ sơ đăng ký phát hành ra công chúng của DVD tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Các báo cáo tài chính của DVD năm 2008, 2009 đều được hai công ty kiểm toán, một thuộc nhóm lớn nhất Việt Nam và một thuộc nhóm 4 công ty lớn nhất thế giới cho ý kiến chấp nhận toàn bộ.
Trong quá trình xem xét hồ sơ, Ủy ban Chứng khoán thấy có một số số liệu chênh lệch giữa các báo cáo đã đề nghị kiểm toán có công văn giải trình. Số liệu sai cũng không lớn nên Ủy ban đã chấp thuận phát hành đối với hồ sơ đó theo quy định.
“Điều quan trọng nhất là DVD phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với thông tin công bố. Các công ty kiểm toán chấp thuận báo cáo kiểm toán. Còn tất cả các báo cáo khác như Nghị quyết đại hội, các nghị quyết hội đồng quản trị, phương án chào bán, sử dụng vốn của DVD đều đầy đủ theo pháp luật. Do đó không có lý do gì Ủy ban từ chối”, bà Liên nói.
Đại diện Ủy ban cũng cho biêt trong quá trình xem xét hồ sơ, Ủy ban nhận được một đơn tố cáo nặc danh về việc ông Lê Văn Dũng và những người liên quan thâu tóm không công bằng với DHT. Ủy ban đã yêu cầu công ty giải trình và xem xét xử phạt vi phạm chào mua công khai. Tuy nhiên vi phạm đó lại không ảnh hưởng đến điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng nên cơ quan quản lý vẫn phải chấp thuận với đợt chào bán đó.
Ngày 6/9/2010, Ủy ban lại nhận được một đơn tố cáo nữa có tên, nhưng lại không có địa chỉ liên hệ nên theo luật không xác định được danh tính của người tố cáo và được coi là đơn nặc danh. Tuy nhiên Ủy ban vẫn tiến hành xem xét nội dung đơn đó và rà soát thông tin, yêu cầu DVD giải trình. Trong lúc công ty chưa giải trình, Ủy ban lại thấy bản cáo bạch đăng trên website của công ty là bản cáo bạch niêm yết chứ không phải bản cáo bạch chào bán chứng khoán ra công chúng. Do đó Ủy ban lập tức tạm dừng đợt chào bán thông báo cho công ty và HSX.
“Việc tạm dừng này tiến hành ngày 7/9, tức là trước một ngày so với ngày giao dịch không hưởng quyền. Cũng có dư luận hỏi tại sao lại tạm dừng muộn thế. Tuy nhiên Uỷ ban nhận được đơn ngày 6, rà soát các chi tiết liên quan và vào website của DVD ngày 7, phát hiện ra và tạm dừng ngay, không thể nhanh hơn được nữa. Trong khi đó HSX lại điều chỉnh giá tham chiếu từ hôm trước và hôm sau do lý do kỹ thuật nên không thể điều chỉnh ngược lại được nữa. Ở đây có thiếu sót của Sở”, bà Liên nói.
Tuy nhiên sự việc chưa hết. Sau việc tạm dừng đợt phát hành, DVD có công văn giải trình, có văn bản cam kết mọi thông tin trong bản cáo bạch là đúng sự thật và khẳng định những thông tin trong đơn tố cáo là không đúng sự thật, kể cả thông tin tạo doanh thu ảo, vay của người lao động... và DVD cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật với tất cả các thông tin đưa ra.
“Thế thì trong bối cảnh Ủy ban nhận được đơn nặc danh, mà theo quy định đơn nặc danh thì không được xem xét, Công ty lại có cam kết, Ủy ban nhận được nhiều ý kiến phê phán việc dừng phát hành của DVD, nói là không có căn cứ. Trong bối cảnh đó bắt buộc phải chấp thuận vì công ty đã cam kết giải trình, cam kết chịu trách nhiệm, đăng bản cáo bạch mới nhất. Ủy ban chỉ có thể phê bình nhắc nhở thôi”, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.
Đến ngày 24/9, Ủy ban Chứng khoán lại nhận được đơn nặc danh, về cơ bản cũng giống đơn trước nhưng có một số thông tin chi tiết hơn. Ngoài ra còn nhận được thông tin không chính thức từ phía công an, rằng trong hồ sơ chào bán có chữ ký giả. Thấy tình hình nghiêm trọng như vậy Ủy ban đã cử đoàn kiểm tra đến DVD.
“Đoàn đã kiểm tra và phát hiện ra một số vi phạm về quản trị công ty, vi phạm công bố thông tin và một số dấu hiệu nghi vấn về doanh thu ảo. Tuy nhiên muốn xác định được những nghi vấn đó và có bằng chứng thì phải đi đến được các công ty con của DVD hoặc các cty không phải con nhưng là đối tác mà thực chất là người nhà liên kết. Ủy ban lại không có thẩm quyền đối với các công ty này và cũng không có thẩm quyền điều tra những đối tượng có liên quan”.
Cơ quan quản lý nhận thấy cần phải có trợ giúp của công an để làm rõ, do đó đã có văn bản gửi Công an Hà Nội đề nghị giúp đỡ tìm bằng chứng và phối hợp để xử lý các thông tin nghi vấn.
“Chúng tôi liên tục có trao đổi và phối hợp với công an. Khi có bằng chứng ban đầu chúng tôi mới triệu tập DVD và lập biên bản, thấy rằng trong hồ sơ chào bán lúc đó mới xác định được 2 điều: Một số hợp đồng đã thực hiện ghi là sẽ thực hiện và quan trọng là thông tin về đối tác nước ngoài sẽ bao tiêu sản phẩm là không đúng sự thật. Thông tin này lại rất quan trọng vì liên quan đến thành bại của dự án. Do đó Ủy ban đã quyết định đình chỉ có thời hạn đợt phát hành”, bà Liên nói.
Sau khi đình chỉ phát hành thì theo luật, DVD có 60 ngày để khắc phục nhưng cũng không có được thông tin giải trình, chẳng hạn không cung cấp được thông tin về đối tác, nhất là các giao dịch nghi là ảo giữa DVD với các công ty sân sau. Trong thời gian đó ông Lê Văn Dũng và các đối tượng liên quan lại bị bắt. Các lãnh đạo kế tiếp giải trình rằng những người quan trọng nhất bị bắt nên không có đủ hồ sơ để giải trình. Do đó, đúng luật 60 ngày sau Ủy ban hủy đợt chào bán và yêu cầu trả lại tiền cho NĐT.
Hủy niêm yết sao khó?
“Những gì Ủy ban làm được thì đã làm hết sức. Tuy nhiên có một điểm Ủy ban chưa làm được là đình chỉ niêm yết ngay, vì lúc làm luật và nghị định hướng dẫn chưa lường trước được tình huống này”, bà Liên nói.
Theo nguồn thông tin này, HSX đã liên tục yêu cầu DVD khẩn trương mời đơn vị kiểm toán mới, công bố thông tin nhưng DVD không thực hiện, thậm chí không liên hệ được với người đại diện. Lý do để hủy niêm yết lúc đó chỉ là công ty chậm công bố báo cáo tài chính nhưng việc hủy niêm yết trong trường hợp này lại chưa có tiền lệ.
“Ủy ban rất băn khoăn tình trạng của DVD đã đến mức rất nghiêm trọng, tuy nhiên khung pháp lý chưa đủ để xử lý kịp thời. Các nhân sự chính của DVD đã bị bắt, bên cạnh việc thao túng giá còn giả mạo hồ sơ niêm yết, chào bán, nhưng lại chưa có kết luận. Kết luận phải chờ công an. Đây là hạn chế về mặt pháp lý và cũng là thực tiễn phát sinh chưa lường được, cho nên quan điểm xử lý cũng rất khác nhau”, bà Liên nói.
Thực tế việc hủy niêm yết đụng chạm đến quyền lợi của rất nhiều người. Mặc dù tình hình DVD “be bét” như vậy nhưng vẫn có giao dịch, thậm chí có lúc còn tăng ào ào. Nếu hủy niêm yết thì cổ đông không bán được trên sàn và những người muốn bán là những người không muốn hủy niêm yết. Cơ quan quản lý đã phải vận dụng quy chế giao dịch của Sở về tình trạng “ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư” để quyết định hủy niêm yết, mặc dù theo của Nghị định 14, không có quy định hủy niêm yết trong trường hợp của DVD.
Theo bà Liên, hiện mới có kết luận về thao túng giá, còn giả mạo hồ sơ niêm yết phát hành thì đến giờ vẫn chưa có kết luận mà mới chỉ là nghi vấn. Do đó Ủy ban rất “đau đầu” trong việc hủy niêm yết với DVD. “Ủy ban đã tính hủy niêm yết từ tháng 1 nhưng không có đủ căn cứ pháp lý và lúc đó vi phạm công bố thông tin chưa hệ thống, chưa rõ ràng như bây giờ. Việc xem xét thế nào là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhà đầu tư cũng rất khó xác định cụ thể. Rất nhiều kiến, có người muốn hủy có người không”.
Kiểm toán làm hết sức?
Sau vụ việc DVD, nhiều ý kiến đặt câu hỏi vậy trách nhiệm của kiểm toán như thế nào vì đây không phải là trường hợp đầu tiên. Doanh thu ảo, buôn bán lòng vòng có thể qua mặt được kiểm toán thì nhà đầu tư có còn niềm tin vào báo cáo tài chính kiểm toán hay không?
Đại diện Ủy ban Chứng khoán cho biết đã yêu cầu các đơn vị kiểm toán cho DVD giải trình. “Các công ty đều giải trình là chúng tôi đã tuân thủ đúng, đầy đủ thủ tục trình tự kiểm toán. Việc công ty lập chứng từ giả thì chúng tôi chịu. Khi kiểm toán yêu cầu các đối tác kinh doanh của DVD xác nhận hợp đồng thì các đối tác cũng ký xác nhận hết nên không biết làm thế nào”, bà Liên cho biết.
Đại diện này cũng cho biết đã trình bộ Tài chính giao cho Vụ Chế độ kế toán, kiểm toán phối hợp với Hiệp hội kế toán kiểm toán kiểm tra tại chỗ hai công ty kiểm toán của DVD về trình tự kiểm toán. Theo thông lệ quốc tế và luật pháp Việt Nam, trách nhiệm trước hết thuộc về công ty đối với các thông tin trong báo cáo tài chính. Kiểm toán chỉ có trách nhiệm liên đới trong việc kiểm tra, xác nhận thông tin chính yếu. Trong khi kiểm toán họ cũng chỉ chọn mẫu. Nếu công ty kiểm toán làm đúng trình tự thì họ cũng được miễn trách nhiệm, nếu có sai sót thì sẽ chịu trách nhiệm liên đới.
Một thực tế qua đợt kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán tại DVD cho thấy phần lớn doanh thu, lợi nhuận của DVD phát sinh từ các công ty thực ra về mặt luật không phải là công ty liên quan, nhưng bản chất lại rất liên quan. Nếu công ty cố tình lừa đảo, các đối tác vẫn xác nhận thì kiểm toán không làm gì được nếu chỉ xem xét trên hồ sơ.
Chỉ có nhà đầu tư là... vô trách nhiệm?
Rõ ràng vụ việc DVD chưa kết thúc và có vẻ các bên đều đã làm hết trách nhiệm của mình. Ủy ban đã thực hiện đúng các quy trình theo luật, phản ứng nhanh với mỗi diễn biến mới. Đơn vị kiểm toán thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ. Vậy không lẽ, chính nhà đầu tư đã... vô trách nhiệm với túi tiền của mình khi giá DVD rớt từ 140.000 đồng về 3.500 đồng/cổ phiếu?
Bản chất câu chuyện bây giờ là nhà đầu tư biết đặt niềm tin vào đâu? Giá đã điều chỉnh kỹ thuật mà cổ phiếu phát hành thành bong bóng. Người không mua có thể mừng vì dù mất mấy chục giá mà không bị kẹp như vài trăm nhà đầu tư đã nộp và giờ mang cục nợ không biết xếp thứ tự bao nhiêu trong danh sách hoàn trả nếu DVD phá sản. Hồ sơ phát hành được thông qua mặc nhiên nhà đầu tư nghĩ là đã hoàn hảo. Sai lệch phát sinh thì vai trò giám sát của cơ quan quản lý thế nào? Làm cách nào răn đe mạnh hơn để tăng độ trung thực của doanh nghiệp?
Ngay việc DVD không thể hoàn trả lại tiền đối với những nhà đầu tư đã nộp để mua cổ phiếu phát hành thêm, tiền đó mới về tài khoản của doanh nghiệp đã biến đi đâu khi sai phạm bị phát hiện từ sớm? Cơ quan quản lý đã làm đúng và đủ những gì luật quy định, nhưng đã đủ trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư? Nhà đầu tư có thể khởi kiện nếu DVD không trả tiền, nhưng liệu mấy người biết cách khởi kiện? Sự việc DVD chậm công bố thông tin quá dai dẳng cũng chỉ được “răn đe” bằng vài công văn nhắc nhở và ký hiệu cảnh báo trên mã cổ phiếu. Sở gửi văn bản đi là hết trách nhiệm còn việc doanh nghiệp vi phạm thì đã có chế tài phạt!
Đến ngày giao dịch cuối cùng của DVD, danh sách cổ đông của công ty này ghi nhận con số 1.702. Tức là hàng ngàn người còn đang mắc kẹt. Giá trị tài sản chắc giờ chẳng còn đáng bao nhiêu, nhưng có lẽ những nhà đầu tư này “tự hào” được ở ngay trung tâm của một sự kiện hy hữu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam!
Thiện Ý
tbktvn
|