Hai đầu lãi suất vẫn còn chênh lệch lớn
Theo các chuyên gia tài chính, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay còn cao và mức lợi nhà băng thu về không nhỏ, nên lãi suất đầu ra cần được điều chỉnh dần để giảm áp lực cho DN.
Lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng được nhà băng cắt giảm, nhưng hiện chỉ mới dành cho một số lĩnh vực được ưu tiên (sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu và nông nghiệp, nông thôn). Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra chỉ thị phải thực hiện nghiêm mức trần 14%/năm. Vì thế, theo các chuyên gia tài chính, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay còn cao và mức lợi nhà băng thu về không nhỏ, nên lãi suất đầu ra cần được điều chỉnh dần để giảm áp lực cho DN.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ tại TP. HCM cho biết, với việc thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm VND, chắc chắn ngân hàng này sẽ gặp khó khăn nhất định khi trần lãi suất huy động được cào bằng. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay xuống 17 - 19%/năm sẽ có những áp lực nhất định lên hoạt động cũng như lợi nhuận thu về của ngân hàng trong năm. Vì thế, theo vị phó tổng giám đốc trên, trước mắt lãi suất cho vay đầu ra VND của ngân hàng này chưa thể giảm ngay mà cần tiếp tục xem xét, cân đối nguồn vốn. Mặt khác, do "room" tín dụng của ngân hàng còn lại không nhiều trong tổng số 20% được phép sử dụng và nguồn vốn khả dụng không mấy dôi dư, nên phải cạnh tranh mới huy động được tiền gửi ở thị trường một (dân cư, tổ chức kinh tế).
Thực tế, trong những ngày đầu thực hiện đưa lãi suất tiết kiệm về mức trần 14%/năm, đã có những tố cáo về việc đơn vị này đơn vị kia phá rào. Theo các ngân hàng, nhất là những đơn vị quy mô nhỏ và vừa, việc cào bằng mặt bằng lãi suất đầu vào ở mức trần sẽ khiến họ khó cạnh tranh về thị phần huy động vốn nên chưa thể giảm lãi suất cho vay thỏa thuận đầu ra như kỳ vọng của các DN.
Đồng quan điểm này, phó tổng giám đốc phụ trách Khối khách hàng DN của một ngân hàng tại TP. HCM cũng cho rằng, các nhà băng lớn sẽ dễ cắt giảm lãi suất cho vay hơn ngân hàng nhỏ bởi họ có những lợi thế nhất định. Do đó, trước mắt ngân hàng sẽ ưu tiên giảm lãi suất cho những DN trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu có dự án kinh doanh khả thi về mức khoảng 19%/năm và sau đó tiếp tục xem xét để đưa lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng về mức thấp hơn, nhằm chia sẻ khó khăn với DN. Theo vị lãnh đạo này, hiện nhu cầu vốn của khách hàng vẫn có, song do lãi suất còn cao nên không phải DN nào cũng muốn tiếp cận vốn.
Trong những ngày gần đây, không ít ngân hàng tiếp tục công bố lãi suất cho vay tiền đồng về 17 - 19%/năm theo chủ trương của Thống đốc NHNN. Song thực tế, mức lãi suất ưu đãi trên cũng chưa được áp dụng rộng rãi cho các DN và chủ yếu nguồn vốn dành cho vay ngắn hạn, kể cả với những nhà băng lớn như Agribank.
Agribank công bố giảm lãi suất cho vay từ ngày 12/9, đối với các khoản vay ngắn hạn, Ngân hàng áp dụng lãi suất từ 17 - 19%/năm. Trong đó, lãi suất áp dụng cho khách hàng hộ sản xuất nông - lâm - ngư - nghiệp, Agribank áp dụng tối thiểu mức 17%/năm. Lãi suất áp dụng cho khách hàng thuộc đối tượng khác tối thiểu 18%/năm.
Còn với các khoản vay trung hạn, lãi suất Agribank áp dụng cho khách hàng là hộ sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp tối thiểu là 18,5%/năm, lãi suất áp dụng cho khách hàng thuộc đối tượng khác tối thiểu là 19,5%/năm. Đối với các khoản vay dài hạn, lãi suất áp dụng chung cho tất cả các khách hàng tối thiểu là 20,5%/năm.
Chủ trương siết chặt lãi suất huy động về trần 14%/năm của NHNN nhằm tạo điều kiện để các ngân hàng có điều kiện cắt giảm lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng về 17 - 19%/năm theo chủ trương. Tuy nhiên, các nhà băng cho rằng, áp lực lạm phát hiện còn ở mức cao nên việc huy động vốn có những khó khăn nhất định khi phải thực hiện đúng trần lãi suất quy định. Do đó, lãi suất cho vay mới chỉ giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, phần lớn dành cho DN sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu và nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, với việc lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng giảm về 17 - 19%/năm ở lĩnh vực ưu tiên so với mặt bằng lãi suất tiền gửi VND được huy động ở mức trần 14%/năm, thì chênh lệch mà các nhà băng thu về vẫn lớn (3 - 5%/năm). Mức chênh lệch lãi suất này là đủ để bù chi phí và kiếm được lợi nhuận khá trong hoạt động, đó là chưa kể các khoản vốn cho vay ngoài lĩnh vực ưu tiên vẫn được ngân hàng áp dụng lãi suất cao 20 - 22%/năm, thậm chí các khoản vốn cho vay ở lĩnh vực tiêu dùng đang được các NHTM còn "room" dư nợ tín dụng phi sản xuất triển khai, với lãi suất 22 - 24%/năm. Do đó, việc giảm dần lãi suất cho mọi đối tượng là lộ trình cần được các ngân hàng tính đến trong tương lai gần.
Thùy Vinh
đầu tư chứng khoán
|