Giam cổ tức của cổ đông: Ngân hàng TMCP Việt Á đã sai!
Báo Thanh tra Online, Báo Thanh tra Chủ nhật số 35 ngày 4/9/2011, phản ánh Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) cố tình găm giữ hơn 1 tỷ đồng cổ tức năm 2010 của cháu Huỳnh Diệu Cường, được mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Thuý Hương, ngụ 561 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, là người giám hộ đương nhiên theo pháp luật, đến nay vẫn chưa chi trả cả vốn lẫn lãi. Vậy ai là người chịu trách nhiệm này?
VAB đã sai!
Sau khi nhận đơn phản ánh ngày 19/8/2011 của bà Hương gửi, Báo Thanh tra có Phiếu chuyển số 02/BBT/PC/PN ngày 21/8/2011 đến lãnh đạo VAB. Ngày 26/8/2011, VAB có Công văn số 1478/CV-TGĐ/11 do Tổng Giám đốc (TGĐ) VAB Phạm Duy Hưng phúc đáp cho Báo Thanh tra kèm Công văn 1455A/CV-TGĐ/11 cũng do ông này ký ngày 22/8/2011 trả lời các khiếu nại của bà Hương.
Qua xem xét, chúng tôi nhận thấy rằng, việc VAB nhiều năm liền đã trả cổ tức cho con bà Hương mà không có một trở ngại gì. Đột nhiên, đến kỳ cổ tức năm 2010, với số tiền hơn 1 tỷ đồng, VAB lại viện dẫn lý do là bà Hương, dù là mẹ ruột cháu Cường, nhưng không đủ tư cách là người giám hộ đương nhiên theo pháp luật nên găm giữ lại số tiền này.
Cũng tại Công văn 1455A/CV-TGĐ/11, TGĐ VAB Phạm Duy Hưng còn khẳng định, giấy xác nhận quyền giám hộ đương nhiên của bà Hương, căn cứ vào các điều khoản của Bộ Luật Dân sự được UBND phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh xác nhận, là không đúng theo quy định của pháp luật. VAB còn đòi hỏi, đơn giám hộ của bà Hương phải thực hiện đúng theo quy định tại Điều 30 và Điều 53 của Nghị Định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.
Trao đổi với các luật sư những thông tin từ Công văn 1455A/CV-TGĐ/11 với cơ quan chức năng, được biết:
Khoản 1, 2 Điều 141 của Bộ Luật Dân sự quy định, người đại diện theo pháp luật bao gồm: “1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; 2. Người giám hộ đối với người được giám hộ”.
Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Trong trường hợp cha mẹ còn sống, nhưng không có điều kiện trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì cha, mẹ có thể cử người khác giám hộ cho con…”.
Theo đó, căn cứ những quy định như trên, thì bà Hương đủ điều kiện giám hộ cho con nên không phải thực hiện thủ tục cử người giám hộ theo Điều 30 Nghị Định 158/2005/NĐ-CP.
Như vậy đòi hỏi của VAB là không đúng!
Sai phải đền!
Những thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, đòi hỏi của VAB với bà Hương là hoàn toàn sai. Cụ thể là cách hành xử thiếu tôn trọng với cổ đông lớn như mẹ con bà Hương của ông Tuấn, người đã phản bác mọi thẩm định từ Ban pháp chế VAB và cố tình găm giữ số cổ tức của con bà Hương (Báo Thanh tra số 35 đã được phản ánh).
Mặt khác, việc trả lời đơn khiếu nại của bà Hương tại Công văn 1455A/CV-TGĐ/11 do TGĐ VAB Phạm Duy Hưng ký, một lần nữa cho thấy, người lãnh đạo của Ngân hàng này là thiếu hiểu biết pháp luật về hộ tịch.
Trở lại với việc khiếu nại của mình, bà Hương cho biết, mãi đến ngày 22/8/2011 mới được TGĐ VAB Phạm Duy Hưng chính thức trả lời bà bằng Văn bản 1455A/CV-TGĐ/11, đồng nghĩa là VAB cố tình găm giữ hơn 1 tỷ đồng trong hơn 6 tháng mà không có lý do chính đáng.
Nay, mọi đòi hỏi tại Công văn 1455A/CV-TGĐ/11 lại trái với quy định của pháp luật. Như vậy, phần sai hoàn toàn đang thuộc về phía VAB. Mà trách nhiệm cụ thể nhất không ai khác hơn chính là TGĐ VAB Phạm Duy Hưng, người đã ký Công văn 1455A/CV-TGĐ/11. Tiếp đến là trách nhiệm của nhân viên Văn phòng Hội đồng quản trị có tên Tuấn.
Chúng tôi đề nghị VAB làm rõ, suốt 6 tháng qua, số tiền cổ tức này ai ra lệnh găm giữ? Quản lý bằng cách nào? Và, cụ thể ai là người có hành vi sai trái này? Việc xử lý hậu quả và trách nhiệm đến đâu?...
Theo Luật sư Dương Thị Tới, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh, trường hợp như bà Hương đã nêu tại đơn phản ánh, nếu 6 tháng qua, vì chưa lấy được cổ tức, mọi tổn thất do bà phải vay mượn tiền để đóng học phí cho cháu Cường đang học ở nước ngoài, thì VAB còn có trách nhiệm bồi thường những tổn thất này theo quy định tại Điều 307 của Bộ luật Dân sự về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 305 của Bộ luật Dân sự về Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng quy định: Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Trường hợp này có thể xem là nợ quá hạn, và bà Hương có quyền yêu cầu VAB thanh toán phần lãi suất quá hạn bình quân là 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm VAB thanh toán số tiền hơn 1 tỷ đồng cổ tức. Nếu VAB không tự giác khắc phục lỗi của mình, bà Hương hoàn toàn có thể khởi kiện VAB ra Toà.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hương nói: “Tôi đã không còn đủ tin tưởng vào cách hoạt động của VAB như trước đây. Nếu không có những đền bù thoả đáng từ những sai trái của VAB, mà cụ thể là nhân viên Văn phòng Hội đồng quản trị có tên Tuấn, và TGĐ Phạm Duy Hưng, tôi đang có suy nghĩ sẽ thoái vốn ra khỏi VAB”.
Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện nay, Hội đồng quản trị VAB cũng cần lắng nghe và có những tiếp xúc với bà Hương trong những ý định thoái vốn của bà, và xem lại thái độ làm việc của một số người có hành vi sai liên quan trong vụ việc, dẫn đến những bức xúc của bà Hương.
Nhã Trân
Thanh Tra
|