Khi Ngân hàng TMCP Việt Á giam cổ tức của cổ đông
Bà Nguyễn Thị Thuý Hương, ngụ 561 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh có khiếu nại việc Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB), Hội sở tại 119-121 cố tình găm giữ không hợp pháp của con trai bà là Huỳnh Diệu Cường số tiền cổ tức năm 2010 tại ngân hàng này hơn 1 tỷ VNĐ… Trách nhiệm thuộc về ai?
Văn phòng HĐQT có quyền giam cổ tức?
Hơn 7 năm trước, Bà Nguyễn Thị Thuý Hương, ngụ 561 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, với suy nghĩ dành dụm một số tiền cho mục đích nuôi con ăn học, bà đưa con trai - Huỳnh Diệu Cường, sinh ngày 13/7/1995, đến Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) mua cổ phần và được ngân hàng này đồng ý. Số cổ phần định danh làm hai phần: Một phần đứng tên bà Hương, và một phần đứng tên con trai, Huỳnh Diệu Cường.
Theo bà Hương, mọi việc tiếp nhận tiền mua cổ phần từ VAB với cả hai mẹ con bà không có một đòi hỏi pháp lý nào, ngoại trừ một bản sao hộ khẩu để xác nhận bà là mẹ ruột của cháu Cường, và xác lập quyền giám hộ đương nhiên với số cổ phần của cháu Cường ngay từ những ngày đầu tiên.
Và mọi hoạt động cứ như vậy diễn tiến bình thường, đều đặn theo từng năm kinh doanh của VAB, cả bà Hương và con trai đều đặn nhận được thông báo của Đại hội cổ đông thường niên về số tiền cổ tức suốt từ trước đến năm 2009, và mọi việc nhận lãnh cổ tức diễn ra bình thường mà không có bất kỳ một trở ngại nào.
Tin tưởng về cách làm ăn luôn tôn trọng pháp luật và tôn trọng cổ đông từ phía VAB, mẹ con bà Hương tiếp tục giữ quyền sở hữu cổ phần của mình tại VAB và tiếp tục lãnh cổ tức hàng năm.
Tuy nhiên, sự bình thường mới đây đã trở thành bất thường. Sau khi nhận được quyết định chia cổ tức của năm 2010, bà Hương đã vất vả suốt nhiều tháng sau mới chỉ đòi được cổ tức của phần mình.
Số tiền cổ tức của con trai là hơn 1 tỷ đồng, sau nhiều tháng liên hệ với lãnh đạo VAB, cả Chủ tịch HĐQT Đỗ Công Chính… nhưng tất cả mọi người, kể cả người có trách nhiệm cao nhất với cổ đông như ông Chính… vẫn né tránh và thoái thác chi trả tiền, mà không có những giải thích hợp tình, hợp lý.
Sau nhiều lần khiếu nại và chờ đợi, cuối cùng bà Hương cho biết, cách nay một tháng, khi bổ sung đầy đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu từ Văn phòng Chủ tịch HĐQT, Ban Pháp chế như: Giấy uỷ quyền, Giấy cam kết, Đơn xác nhận quyền giám hộ đương nhiên theo Luật Dân sự… thì Ban Pháp chế của VAB mới có ý kiến giải ngân phần cổ tức của con trai bà.
Thế nhưng, ý kiến của Ban Pháp chế một lần nữa đã không có giá trị, khi mà một nhân viên thừa hành có tên là… Tuấn từ Văn phòng HĐQT tiếp tục ngăn cản việc giải ngân này (?).
Như vậy, số tiền cổ tức của con trai bà Hương là hơn 1 tỷ đồng đang bị VAB tiếp tục găm giữ không lý do chính đáng tiếp tục bước sang tháng thứ sáu.
Coi thường cổ đông và áp đặt?
Điều coi thường trước tiên bà Hương nói đến là trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT Đỗ Công Chính. Theo bà Hương nhiều tháng nay, lẽ ra nhiều lần đề nghị tiếp xúc của bà phải được ông Chính gặp gỡ và tìm hiểu mọi lý do vì quyền lợi của cổ đông. Thế nhưng vẫn là sự né tránh và thoái thác trách nhiệm, phó mặc cho nhân viên thừa hành. Ông Chính, như vậy liệu có làm tròn trách nhiệm…?
Bà Hương bức xúc: “Là một cổ đông lớn, đi đòi tiền cổ tức, mà luôn bị hành xử bởi một nhân viên thừa hành như một người đi xin”. Theo bà Hương tại Đại hội cổ đông tới đây sẽ có ý kiến nên cần tồn tại loại nhân viên kiểu vậy tại VAB nữa không.
Trở lại với việc đòi cổ tức, bà Hương cho biết, đáp ứng yêu cầu của Văn phòng HĐQT, Ban Pháp chế VAB, và theo hướng dẫn của Phòng Hộ tịch - Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, bà đã bổ sung các loại giấy tờ gồm: Đơn xác nhận giám hộ được Phó Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh Nguyễn Đức Trung xác nhận quyền giám hộ đương nhiên của bà với con trai theo các Điều 58, 59, 60, 61, 66, 68, 69 của Bộ Luật Dân sự. Đơn xin lãnh cổ tức, Tờ cam kết chịu trách nhiệm nếu có tranh chấp sau khi nhận cổ tức (tất cả đều có xác nhận của UBND phường 25, quận Bình Thạnh)… thì VAB sẽ giải ngân cổ tức. Trên thực tế, các giấy tờ này đã được Ban Pháp chế VAB thẩm định và đã có ý kiến giải ngân. Nhưng, như đã nói, việc giải ngân đã bị nhân viên thừa hành có tên là… Tuấn từ Văn phòng HĐQT tiếp tục ngăn cản. Bà Hương cho rằng, kiểu làm việc này của lãnh đạo VAB là không khách quan.
Việc ngăn cản này, mãi đến ngày 27/8/2011 mới được Tổng Giám đốc VAB Phạm Duy Hưng giải thích tại Văn bản 1455A/CV-TGĐ/11, rằng việc UBND phường 25, quận Bình Thạnh căn cứ vào các Điều, khoản tại Bộ Luật Dân sự, xác nhận quyền giám hộ đương nhiên cho bà Hương là không đúng với Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch. Văn bản này cũng đòi hỏi việc giám hộ phải có quyết định của Sở Tư pháp…
Như vậy, đòi hỏi tại Văn bản 1455A/CV-TGĐ/11 do Tổng Giám đốc VAB Phạm Duy Hưng ký, liệu có là đòi hỏi đứng trên Luật?
Bình luận về việc này, Luật sư Dương Thị Tới, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, theo các điều, khoản của Bộ Luật Dân sự thì bà Hương là người giám hộ đương nhiên của cháu Cường. Việc UBND phường 25, quận Bình Thạnh xác nhận quyền giám hộ đương nhiên như vậy là hoàn toàn đúng pháp luật về hộ tịch.
Thêm nữa, đến ngày 27/8/2011, tức là hơn 6 tháng găm giữ tiền cổ tức của cổ đông, VAB mới có văn bản nói lý do (dù chưa thuyết phục). Theo luật sư, trong trường hợp không chứng minh được mình đúng, thì VAB còn phải chịu trách nhiệm trả thêm lãi suất nợ quá hạn theo qui định của pháp luật.
Nhã Trân
Thanh Tra
|