Chủ Nhật, 25/09/2011 10:34

Giá vàng cao hơn thế giới 3,2 triệu đồng/lượng: Đẩy phần lỗ sang người mua

Giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá USD tự do cuối ngày 24-9 sau khi cộng tất cả chi phí chỉ ở mức 42,55 triệu đồng/lượng, nhưng giá vàng bán ra trong nước đến 45,75 triệu đồng/lượng, chênh lệch 3,2 triệu đồng.

Giá vàng SJC rơi xuống dưới 46 triệu đồng/lượng

Nếu quy đổi theo tỉ giá niêm yết, mức chênh lệch lên đến hơn 4 triệu đồng. Trong ngày 24-9, giá vàng thế giới đã giảm 83 USD/ounce, tương đương 2 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 23-9 nhưng giá vàng trong nước chỉ giảm 900.000 đồng/lượng.

Chênh lệch bất thường giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới xảy ra ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp quota nhập khẩu cho nhiều đơn vị kinh doanh vàng.

Bắt tay cứu lỗ?

Lý giải nguyên nhân giá vàng trong nước liên tục gia tăng khoảng cách với giá vàng thế giới, nhiều công ty vàng cho rằng do sức mua trên thị trường quá mạnh, nguồn vàng nhập về không đủ cung ứng.

Tuy nhiên theo một chuyên gia lâu năm trong ngành vàng, trừ một số doanh nghiệp lớn, nhiều đơn vị nhập khẩu vàng đang lỗ nặng do đợt điều chỉnh của giá vàng thế giới. Trước đó họ đã chốt giá vàng nhập khẩu trên mức 1.800 USD/ounce. Vàng vừa về đến VN giá vàng thế giới đột ngột giảm đến 150 USD/ounce, tương đương 3,8 triệu đồng/lượng đã biến nhiều doanh nghiệp từ lãi thành lỗ. Để cứu mình, các đơn vị này đã “bắt tay” neo giá để giải phóng dần lượng hàng giá cao.

Việc kềm giá này được thực hiện nhiều ngày qua dựa trên yếu tố thuận lợi là sức mua trên thị trường vàng khá cao và nguồn cung hàng không nhiều do những đơn vị nhập khẩu vàng về vẫn đang phải xếp hàng chờ gia công tại Công ty SJC.

Những ngày qua việc nhập khẩu vàng tập trung vào một thời điểm, trong khi năng lực gia công của Công ty SJC có hạn nên mỗi ngày những đơn vị này chỉ nhận được số vàng gia công hạn chế, khoảng vài trăm lượng.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBJ), cho biết trước đây khi được cấp quota các công ty sẽ vay vàng của ngân hàng để bán trước ra thị trường.

Tuy nhiên hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 22 cấm các ngân hàng cho vay vàng để kinh doanh. Do vậy, trừ một số đơn vị có lượng hàng tồn kho nhất định hoặc vay mượn được từ bạn hàng, còn lại nhiều đơn vị phải đợi hàng nhập khẩu về. Trong khi đó việc giao hàng của đối tác nước ngoài gần đây rất chậm.

Trước đây, 2-3 ngày sau khi chốt giá đã nhận được hàng, nhưng hiện nay do nhu cầu vàng vật chất trên thế giới tăng cao nên sớm nhất một tuần sau khi chốt giá đơn vị nhập khẩu mới nhận được hàng, nếu chậm quá trình giao hàng kéo dài tới hai tuần. Hàng giao chậm ngày nào chi phí đầu vào (do lãi vay) đội lên ngày đó và tất cả đều được tính vào giá bán cho người tiêu dùng.

Giá vàng niêm yết tại một cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý ở Q.1, TP.HCM chiều 24-9

Chênh lệch giá vàng quá cao: giải cách nào?

Nhiều chuyên gia cho rằng cách giải quyết nhanh nhất bài toán chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới lúc này là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cấp quota nhập vàng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng rất khó san bằng khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới nếu Ngân hàng Nhà nước không có những điều chỉnh trong chính sách.

Theo phó tổng giám đốc một công ty vàng thuộc ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh đối tượng được cấp phép nhập khẩu vàng theo hướng ưu tiên cho những đơn vị có nguồn vàng dự trữ lớn để có thể can thiệp thị trường tức thì.

Hiện nay các ngân hàng thương mại có huy động vàng có lợi thế vì có nguồn vàng huy động dồi dào và có thể linh động sử dụng một phần nguồn vàng này để bán can thiệp thị trường ngay khi Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhập khẩu. Từ đó tác động tức thì đến giá vàng trong nước.

Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước nhiều lần cấp quota nhập khẩu vàng nhưng nhiều đơn vị được cấp phép không có năng lực thật sự dẫn đến khó đạt được mục tiêu hạ nhiệt ngay giá vàng trong nước. Ngoài ra do không thể cân đối số vàng nhập khẩu nên dẫn đến rủi ro cho chính đơn vị nhập vàng và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo ông này, trong trường hợp đối tượng được cấp phép nhập khẩu vàng giữ nguyên, Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh thông tư 22 theo hướng cho phép các đơn vị nhập vàng được vay vàng từ ngân hàng để bán ra.

Bẫy người tiêu dùng

Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho biết nếu tinh ý có thể nhận thấy dấu hiệu bất thường trên thị trường vàng. Cụ thể trong ngày 23-9, dù giá vàng thế giới biến động trong một biên độ khá rộng nhưng chênh lệch giữa giá mua - bán vàng trong nước chỉ ở mức 200.000 đồng/lượng.

Việc thu hẹp chênh lệch giữa giá mua - bán vàng nhằm phát tín hiệu sai lệch rằng thị trường đang khan hiếm vàng, khiến người tiêu dùng mắc bẫy.

Ông Hải cho biết những ngày gần đây giới kinh doanh đã đẩy mạnh nhập lậu vàng. Vàng lậu về, thay vì đem số vàng này đi gia công, giới kinh doanh đã dùng chính số vàng này để thế chấp cho các tiệm vàng nhỏ để “mượn” vàng SJC đem bán.

Hoạt động nhập lậu vàng đã khiến giá USD tự do ngày 24-9 tăng thêm 50-70 đồng/USD, lên đến 21.330-21.350 đồng/USD.

Ánh Hồng

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   40-41 triệu đồng/lượng đã là đáy của vàng? (24/09/2011)

>   Giảm 2 triệu đồng, vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới gần 3 triệu đồng/lượng (24/09/2011)

>   CME nâng tỷ lệ ký quỹ đối với vàng, bạc và đồng từ 16-22% (24/09/2011)

>   Vàng rơi tự do hơn 100 USD, bạc lao dốc 18% (24/09/2011)

>   Vàng thế giới lùi sâu xuống dưới 1,700 USD (23/09/2011)

>   Lại đề xuất cấm mua bán vàng miếng (23/09/2011)

>   Vàng trong nước bỏ xa thế giới, USD tự do vượt 21.100 đồng (23/09/2011)

>   Vàng bốc hơi gần 70 USD, bạc lao dốc gần 10%, đồng rớt hơn 7% (23/09/2011)

>   Cửa hàng vàng kích thích mua bán (22/09/2011)

>   Quản lý thị trường vàng: Không thể chờ (22/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật