Thứ Năm, 22/09/2011 15:47

Quản lý thị trường vàng: Không thể chờ

Ngân hàng nhà nước (NHNN) vừa cho biết đề án huy động vàng trong dân đã được Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, trong khi chờ đề án này chính thức thông qua và triển khai, thị trường tiền tệ và hối đoái tiếp tục chịu những hệ lụy không nhỏ từ những biến động bất thường. Vấn đề cấp thiết hiện nay là cần đẩy nhanh lộ trình đưa thị trường vàng vào khuôn khổ để tránh những tác động bất lợi đối với nền kinh tế. Sau đây là ý kiến một số chuyên gia xoay quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI):

Áp thuế mua vàng sẽ hạn chế đầu cơ

Để quản lý, bình ổn thị trường ngoại tệ, NHNN đã đưa ra quy định khi xuất cảnh người dân Việt Nam chỉ được phép mua không quá 100USD/người/ngày tại hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Có thể nói đây là một quyết định đúng đắn, chặt chẽ và tiết kiệm, khả thi hơn so với quy định trước đây mỗi lần xuất cảnh được mang không quá 7.000USD/người/chuyến.

Nhưng trong khi đó, việc mua bán vàng miếng lại rất thoải mái, tự do. Khi mua hàng tiêu dùng người dân phải chịu thuế VAT (10%), thuế dịch vụ (5%), thì việc mua bán kinh doanh vàng miếng hiện lại không phải chịu đồng thuế nào. Nên nhớ rằng Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng, đến 95% vàng miếng có trong dân là nhập khẩu. Khi người dân mua vàng, dù nhiều hay ít sẽ làm cho đất nước chảy máu ngoại tệ.

Vì thế giải pháp “100USD/ngày/người” có thấm vào đâu so với việc dùng ngoại tệ để nhập vàng. Nhiều năm qua nước ta luôn trong tình trạng nhập siêu. Về nguyên tắc nước ta chưa thiếu ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu, nhưng tình trạng căng thẳng cung cầu ngoại tệ vẫn liên tục tái diễn. Và cứ đến chu kỳ thanh toán là tác động đến tỷ giá, làm cho VNĐ yếu đi.

Hệ quả, dù NHNN cố neo giữ tỷ giá vẫn xảy ra tình trạng hai tỷ giá, mà một trong nhiều nguyên nhân là do hoạt động đầu tư, găm giữ vàng trong dân. Chúng ta không thể trách người dân, người dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Nhưng kinh doanh vàng là một ngành nghề cực kỳ nhạy cảm đã bị buông lỏng lâu nay và hậu quả là gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính và NHNN cần có chính sách quản lý thị trường vàng hữu hiệu nhằm hạn chế dần tình trạng vàng hóa. Theo đó, để hạn chế việc mua bán vàng phải dùng rào cản thuế.

Thực tế, nhiều nước trên thế giới đưa vàng miếng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, chẳng hạn Nga áp thuế 20%. Nước ta chưa cần phải đưa vàng miếng vào đối tượng chịu thuế đặc biệt, nhưng phải xem việc kinh doanh vàng miếng, vàng nữ trang gần như hàng tiêu dùng thông thương và áp thuế VAT (theo phương pháp khấu trừ) ở mức 10-15% trên giá bán.

Đồng thời, để khuyến khích người dân bán vàng chuyển sang VNĐ không thu thuế VAT giao dịch này. Đánh thuế đối với giao dịch mua vàng miếng sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ lướt sóng vàng miếng, gây bất ổn thị trường tiền tệ và hối đoái.

Chẳng hạn, giá vàng 47 triệu đồng/lượng, nếu đánh thuế 10% VAT, giá vàng lên 52-53 triệu đồng/lượng. Khi thấy giá vàng cao như vậy so với giá thế giới sẽ hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, hạn chế việc lũng đoạn thị trường vàng.

Về việc NHNN dự kiến sẽ huy động vàng trong dân và dùng số vàng để hoán đổi sang ngoại tệ, theo tôi cần cân nhắc ở nhiều góc độ. Thứ nhất, NHTM sẽ đưa ra mức lãi suất như thế nào để hút lượng vàng trong dân và NHNN sẽ vay lại với lãi suất nào?

NHNN sử dụng nguồn vốn vàng này nếu sinh lợi thấp hơn lãi suất phải trả hay bị rủi ro của biến động giá vàng phải bù đắp ra sao? Nếu không tính toán kỹ những vấn đề này không khéo sẽ chuyển rủi ro từ NHTM sang NHNN và việc khai thác vốn vàng trong dân sẽ không hiệu quả.

NHNN và Bộ Tài chính cần hành động khẩn trương tiến trình chống vàng hóa để ổn định thị trường ngoại hối một cách bền vững, thu hút hàng trăm ngàn tỷ đồng đang nằm chết trong dân cư, góp phần tạo vốn đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, kéo giảm lãi suất cho vay.

Ông Phan Thanh Hải, Trưởng phòng nguồn vốn GiaDinhBank:

Kinh doanh vàng tài khoản giá mới liên thông

Đầu tuần này, NHNN tiếp tục cho phép nhập thêm 4 tấn vàng với mục tiêu kéo gần khoảng cách giữa giá vàng trong và ngoài nước. Thế nhưng trong khi giá thế giới giảm mạnh thì giá vàng trong nước không giảm theo, vẫn giữ khoảng cách về giá 1,8-1,9 triệu đồng/lượng.

Điều này có thể lý giải một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, theo quy luật khi dự đoán giá vàng thế giới xuống đáy, giá trong nước sẽ chựng lại và khoảng cách giá trong và ngoài nước sẽ tăng lên. Nhu cầu của người dân so với cung quá lớn, thêm vào đó giá vàng thế giới biến động quá nhanh nên các công ty vàng sẽ phải giữ khoảng cách giá an toàn để tránh rủi ro trong mua bán vàng.

Việc cho nhập khẩu vàng lúc này chưa thu hẹp được khoảng chênh lệch giá, đồng thời gây áp lực mới lên thị trường tiền gửi ngân hàng cũng như tỷ giá. Khi lãi suất huy động VNĐ đang bị khống chế 14%/năm, người dân có khuynh hướng giữ USD và vàng.

Trong khi giá vàng còn cao hơn giá thế giới 1-2 triệu đồng người dân chưa dám mua vào, nhưng nếu cho nhập vàng, giá vàng trong nước giảm nhanh sẽ khuyến khích người dân mua vàng, đẩy cầu vàng trong nước tăng mạnh.

Vì vậy hiện nay chúng ta đang đứng ở thế khó: "Cho nhập cũng khó mà không cho nhập cũng không xong". Đặc trưng là một nước không mạnh về xuất khẩu vàng, chắc chắn giá vàng trong nước khó có thể thấp hơn giá thế giới. Thực tế, những năm qua thời gian giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới chiếm 80-90%/năm.

Để hướng đến quản lý chặt chẽ thị trường vàng, NHNN nên tạo cơ chế cho phép các NHTM được huy động vàng của dân chứ không nên thu hẹp dần cho đến ngày 1-5-2013 như yêu cầu hiện nay. Vốn vàng trong dân hiện rất lớn, NHNN có thể thông qua các NHTM huy động và khai thác thông qua nhiều nghiệp vụ khác nhau.

Bên cạnh đó, để tạo thanh khoản cho thị trường vàng trong nước, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu, NHNN nên cho phép các NHTM được mở vàng tài khoản vàng trong và ngoài nước.

Theo đó, tài khoản vàng trong nước phục vụ người mua bán vàng, tránh tình trạng người dân phải giao dịch vàng vật chất. Còn vàng tài khoản nước ngoài sẽ là công cụ bảo hiểm rủi ro lượng vàng mà các NHTM huy động của dân.

Thực tế, vàng tài khoản không có tội, nó là công cụ tốt để bảo hiểm rủi ro. Điều quan trọng là có sử dụng vàng tài khoản đúng mục đích và phải có giải pháp quản lý chặt tránh tình trạng lạm dụng để đầu cơ. NHNN hoàn toàn có thể ấn định tỷ lệ/trạng thái nhất định để các NHTM mua/bán trên tài khoản.

Trước đây, NHNN cũng đã có thông tư quy định về điều kiện NHTM kinh doanh vàng tài khoản nhưng phải có đội ngũ nhân lực, hệ thống kiểm soát rủi ro… Thế nhưng trong thời gian dài sau đó NHNN lại buông việc kiểm tra, giám sát và chế tài. Khi cho mở lại vàng tài khoản NHNN cần yêu cầu nhân lực kinh doanh vàng tài khoản phải là người có trình độ chuyên môn cao, có chứng chỉ hành nghề và thiết lập quy trình kiểm soát rủi ro chặt chẽ.

Nếu có vàng tài khoản, giá vàng trong và ngoài nước sẽ liên thông, chênh lệch giữa giá mua và bán không quá lớn nhờ cân đối kịp thời nhu cầu mua bán trên thị trường; đặc biệt sẽ hạn chế được sự biến động của giá vàng tác động đến tỷ giá khi nhập khẩu vàng.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ:

Cần giải pháp “đi trước đón đầu”

Thị trường vàng trong nước vẫn luôn biến động mạnh hơn thị trường thế giới bởi Nhà nước cấm giao dịch vàng miếng tự do. Các cơ quan có thẩm quyền đã nhiều lân tuyên bố siết chặt giao dịch tự do và cấm giao dịch trên sàn vàng.

Nhưng thực tế, các giao dịch này vẫn diễn ra khá sôi động trên cả nước dưới nhiều hình thức mà chưa có chế tài quản lý triệt để. Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh vàng có quá nhiều công cụ để ép giá người dân, từ việc áp biên độ mua bán lớn, cho đến niêm yết giá quá cao so với thế giới. Vì lợi nhuận, các doanh nghiệp sẽ không tuân theo quy luật hay sự liên thông với vàng thế giới.

Doanh nghiệp nhập khẩu vàng ở giá thấp, khi giá thế giới lên cơn sốt, họ mạnh tay tăng giá bán trong nước, thậm chí cao hơn thế giới. Do vậy trên thị trường vàng, doanh nghiệp bao giờ cũng cầm dao đằng chuôi. Tình trạng người dân xếp hàng mua vàng thời gian gần đây đang tạo nên hiệu ứng tâm lý bất ổn của thị trường, tạo cơ hội cho giới đầu cơ làm giá.

Vì vậy, càng chậm trễ quản lý càng để thị trường vàng nước ta bị lũng đoạn từ những nhóm lợi ích cục bộ, gây tác hại gián tiếp đến kinh tế vĩ mô.

Việc cần làm hiện nay là NHNN sớm có cơ chế quản lý chặt chẽ, tăng khả năng can thiệp, điều tiết thị trường trước khi có biến động mạnh. Gần đây, NHNN liên tục đưa ra nhiều chính sách điều hành thị trường tiền tệ, vàng nhưng vẫn chưa đủ để kiểm soát thị trường vàng và cũng chỉ là những giải pháp tình thế chạy theo thị trường, chứ chưa có giải pháp nào mang tính dài hạn “đi trước đón đầu”.

Bởi thực tế chính sách điều tiết thị trường bao giờ cũng có độ trễ nhất định, trong khi với một thị trường mà tính thanh khoản cao như vàng, cùng với sự tác động lớn từ thế giới và tâm lý nhà đầu tư, chính sách cần phải đi trước một bước.

NHNN cho biết sẽ xây dựng đề án huy động vàng từ người dân, đảm bảo lãi suất có lợi nhất và an toàn nhất cho người gửi. Việc làm này nếu thành công sẽ góp phần giảm áp lực nguồn vốn của các doanh nghiệp, đồng thời tránh lãng phí từ việc trữ vàng trong dân.

Tuy nhiên, làm thế nào để huy động được số vàng khổng lồ, ước tính 300-500 tấn trong dân vẫn là câu hỏi khó. NHNN dự kiến sẽ huy động vàng trong dân thông qua hệ thống đại lý các NHTM. Lượng vàng NHNN có thể huy động trong dân ít nhất cũng phải tương đương số vàng mà dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng trước đây, trên dưới 130 tấn, tương đương 10 tỷ USD.

Để tiến hành hoạt động này, NHNN phải trả phí huy động, chuyên chở, bảo quản. Kể cả khi đã huy động được số tài sản khổng lồ này, NHNN cũng phải có công cụ phòng ngừa rủi ro trong quá trình sử dụng. Bởi khi chuyển vàng sang USD, NHNN sẽ gặp rủi ro từ biến động của giá vàng. Nếu NHNN chuyển số lượng vàng này sang VNĐ hay USD cũng phải có kế hoạch khả thi, hiệu quả.

TS. Lê Thẩm Dương, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM:

Lúng túng trong quản lý

Việc giá trong nước luôn cao hơn giá thế giới từ vài trăm ngàn đến 2 triệu đồng/lượng như thời gian qua là không chấp nhận được. Đó là chưa kể, mấy hôm nay vàng không vào vùng sốt mà mức chênh vẫn duy trì khoảng 2 triệu đồng.

Trên thực tế, nếu giá trong nước cao hơn giá thế giới 400.000 đồng/lượng còn đổ lỗi cho thông tin chậm, bảo hiểm, phí vận chuyển… Tại sao trong một thế giới phẳng mà người dân nước ta lại phải chịu sự thiệt thòi như vậy?

Việc NHNN tiếp tục cho nhập khẩu 4 tấn vàng có thể coi như liều thuốc hạ sốt với mục tiêu kéo giá vàng trong nước gần với giá thế giới. Nhưng trong thời điểm này chỉ là một giải pháp tình thế, trong khi thị trường vàng đang cần một liều thuốc mạnh.

Mức chênh 2 triệu đồng được giải thích rất nhiều lý do, trong đó có lý do nguồn cung bị giam lại, người nắm vàng đang trong thế độc quyền. Khi giá vàng lên họ tung ra bán nhưng khi giá hạ họ kêu hết vàng. Một chuyện khá buồn cười là cách đây không lâu, các doanh nghiệp hạ giá vài trăm ngàn đồng/lượng nói là bán vàng bình ổn.

Người dân mua “vàng bình ổn” hôm trước, ngay hôm sau giá vàng giảm mạnh, đã khiến không ít người lỗ nặng. Tất nhiên, diễn biến của thị trường vàng thời gian qua không thể trách người kinh doanh, nếu có trách phải trách cơ chế.

Tất cả biện pháp dù mang tính tình thế hay dài hạn với vàng đều chưa thành công. NHNN không thể ép các doanh nghiệp kinh doanh phải bán theo giá này, giá kia như kiểu áp trần lãi suất 14%. Còn doanh nghiệp vàng thì lý giải vàng thế giới lên, vàng trong nước cũng lên, nhưng thử hỏi đã có ai mua được vàng tại Việt Nam theo giá vàng thế giới hay chưa?

Theo tôi, cần phải có những giải pháp dài hơi, chắc chắn trong quản lý thị trường vàng. Mấy tháng đầu năm chúng ta giữ được thị trường vàng cũng như ngoại tệ rất tốt, song khi giá vàng thế giới bắt đầu tăng mạnh, chính sách của chúng ta bắt đầu lộ rõ những nhược điểm. Mô hình quản lý vàng của mỗi nước mỗi khác. Không thể lấy mô hình nước này áp cho nước kia.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:

Điều tiết cung cầu vàng bằng nội lực

Việc NHNN cho nhập thêm 4 tấn vàng khi trong dân có đến 300-500 tấn chưa huy động. Vậy liệu 4 tấn vàng nhập này có tiếp tục chui vào “gầm giường” nhà dân. Thực tế này cho thấy không thể nhập vàng mãi được, bởi đó cũng đồng nghĩa sẽ “chảy máu” ngoại tệ. Trước đây, khi chúng ta cho phép gửi vàng vào NHTM, số vàng dư trong ngân hàng lúc nào cũng 100-130 tấn, khi cần ngân hàng bung ra nên không có chênh lệch 2 triệu đồng như hiện nay. Rõ ràng, bên cạnh những phản ứng chậm chạp của chính sách, lộ trình quản lý cũng hết sức lúng túng. Có ý kiến đổ lỗi cho việc xuất khẩu vàng trước kia. Thực ra các nhà kinh doanh khi thấy có lợi họ sẽ xuất ngay. Thả thì thả quá nhưng lúc siết cũng siết quá. Khi doanh nghiêp xuất vàng thì chưa đánh thuế, khi xuất xong lại đánh thuế 10%. Giả sử sau này cần xuất, không lẽ lại hạ thuế?

Việc chuyển đổi vàng thành tiền đồng để khai thác phải tính đến thanh khoản vàng. Thực tế, trong những trường hợp gặp khó khăn về thanh khoản, các NHTM đi vay tiền đồng dễ hơn rất nhiều so với vay vàng ở ngân hàng bạn. Vay tiền đồng khi gặp rủi ro thanh khoản NHNN có thể can thiệp dễ dàng, nhưng vay vàng thì rất khó.

Vì vậy, một ngân hàng không chuyên doanh về vàng khó có các nghiệp vụ để phòng ngừa rủi ro. Muốn biến vàng thành tiền NHNN phải tạo ra thanh khoản lớn cho thị trường vàng, là người mua và bán cuối cùng cho thị trường vàng. NHNN cũng có thể tiếp tục cho các NHTM huy động vốn bằng vàng qua phát hành chứng chỉ vàng. Nếu NHTM phát hành chứng chỉ vàng, người mua vàng không cần mang vàng miếng mà chỉ cầm chứng chỉ về nhà sẽ an toàn hơn.

Hiện nay giao dịch ở nước ta chủ yếu là vàng vật chất trong khi trên thế giới hơn 80% là giao dịch vàng tài khoản. Về việc này NHNN có thể thẩm tra các NHTM lớn trước khi cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài với hạn mức cụ thể. Việc cấm các NHTM kinh doanh vàng trên tài khoản quốc tế là không nên vì hoạt động này được coi là công cụ để phòng ngừa, đẩy những rủi ro của thị trường trong nước ra bên ngoài.

Tiếp theo đó, nên cho phép các NHTM sử dụng nghiệp vụ tái cấp vốn, tái chiết khấu bằng vàng tại NHNN và dự trữ vàng như một loại ngoại tệ. Để dự trữ vàng NHNN có thể cung ứng tiền đồng thông qua mua vàng, hoặc tín dụng…

Có thể thấy khai thác vốn vàng trong dân sẽ không được phân bổ hiệu quả nếu không qua NHTM và NHNN. Khi NHNN mua vàng về dự trữ bằng việc cung ứng tiền đồng ra, hoặc có thể dùng công cụ khác như trái phiếu đặc biệt để hút tiền về, giống như việc NHNN mua một lượng ngoại tệ lớn. Nói cách khác biến vàng trở thành tiền, coi nó như một loại ngoại hối, là một công cụ dự trữ ngoại tệ.

Ngoài ra, việc NHNN tiếp tục áp dụng chế độ quota đối với nhập khẩu vàng cũng không làm cho tâm lý cất trữ vàng của dân cư giảm đi, cũng như không làm cho Việt Nam bớt chảy máu ngoại tệ. Vì vậy việc xuất nhập khẩu vàng trong tương lai có thể cho tự do nhưng được quản lý dưới dạng dòng tiền tệ vào ra chứ không phải dưới dạng một sản phẩm thương mại.

Khi đó giá NHNN cũng dễ điều tiết cung cầu vàng trong nước bằng nội lực thông qua các công cụ huy động để khai thác vốn vàng cho nền kinh tế.

Thanh Như

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Vàng, kim loại quý gửi qua bưu kiện gây khó cho hải quan (22/09/2011)

>   Giá vàng trong nước vẫn đắt hơn thế giới 1 triệu đồng (22/09/2011)

>   Kế hoạch kích thích của Fed đẩy vàng lùi sâu gần 30 USD/oz (22/09/2011)

>   Cấp quota nhập vàng, giá trong nước vẫn vênh xa thế giới (21/09/2011)

>   Vàng trong nước và thế giới: Không liên thông, khó hợp lý (21/09/2011)

>   Giá vàng chạm 47 triệu đồng/lượng (21/09/2011)

>   Vàng thế giới tái lập mốc 1,800 USD/oz (21/09/2011)

>   Bloomberg: Giá vàng có thể vượt 2.000 đô la Mỹ/ounce (20/09/2011)

>   Tái diễn cảnh chen nhau mua vàng (20/09/2011)

>   Giá vàng ít biến động trên các thị trường châu Á (20/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật