Để người dân bớt thiệt hại khi mua bán vàng
Nhu cầu lớn trong khi thể chế thị trường không lành mạnh đã liên tục làm thị trường vàng Việt Nam méo mó trong thời gian gần đây, thể hiện ở hai điểm: sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cao một cách bất thường (chênh 4 triệu/lượng trong ngày 23.9.2011) và chênh lệch giá mua và giá bán vàng được nới rộng (lên cả triệu đồng/lượng cùng ngày).
Cả hai điều này đang gây thiệt hại rất lớn cho người dân mua bán vàng và đương nhiên người hưởng lợi là ở những công ty kinh doanh vàng trong nước. Có nhiều nguyên nhân gây nên sự méo mó của thị trường vàng: chính sách hạn ngạch nhập khẩu vàng của ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm nguồn cung vàng không theo kịp nhu cầu trong nước, sự tồn tại của tình trạng độc quyền nhóm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Sự độc quyền này dẫn đến tình trạng người bán là người quyết định giá, và trong nhiều trường hợp giá vàng được các công ty kinh doanh vàng đẩy lên nhằm thu được lợi nhuận độc quyền. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn là do thể chế thị trường yếu kém làm cho sự lưu thông hàng hoá gặp trục trặc và trong nhiều trường hợp gây nên tình trạng khan hiếm nhất thời. Do đó, để sửa chữa thất bại của thị trường vàng, chúng ta cần đảm bảo lượng vàng trong nền kinh tế được lưu thông một cách tự do.
Theo thống kê không chính thức nhưng tương đối đáng tin cậy của các chuyên gia, thì lượng vàng tồn tại trong dân mà rất ít khi được đưa vào sử dụng vào khoảng 300 – 500 tấn. Nếu lượng vàng này được đưa vào lưu thông thì đây là nguồn cung vàng đủ lớn để bình ổn bất kỳ cơn sốt vàng nào có thể xảy ra trên thị trường trong nước.
Để làm được điều này, cần cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép huy động vàng trở lại và đồng thời cho phép các NHTM được phép bán vàng huy động ra thị trường vì những lý do sau:
Thứ nhất, theo thống kê tại các NHTM, lượng vàng mà các ngân hàng này huy động được trong dân trước khi bị cấm theo thông tư số 11/2011/TT-NHNN khoảng 2,4 triệu lượng (tương đương 100 tấn). Giả định rằng các NHTM bán 80% lượng vàng huy động tức 1,92 triệu lượng trở lại thị trường, thì đây là nguồn cung rất lớn và có thể bình ổn thị thị trường vàng ngay lập tức.
Thứ hai, nếu các NHTM có thể huy động vàng với lãi suất thấp, chỉ 1 – 2%/năm sau đó bán vàng để lấy tiền đồng thì một mặt có thể làm tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, mặc khác các NHTM có thể dùng lượng tiền này cho vay – với kỳ hạn tương ứng huy động vàng – sẽ giúp kéo giảm lãi suất xuống một mức rất đáng kể và do đó có thể giải quyết luôn bài toán lãi suất cao của nền kinh tế hiện nay.
Thứ ba, NHNN có thể mua vàng huy động của các NHTM sẽ làm tăng dự trữ ngoại tệ của NHNN một cách rất đáng kể, phần nào giải quyết bài toán dự trữ ngoại hối thấp của Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các NHTM khi bán vàng huy động để lấy tiền đồng thì họ buộc phải mua lại vàng khi các khoản huy động này đến hạn. Do đó, các NHTM sẽ gặp rủi ro biến động giá vàng trong khoảng thời gian nêu trên. Để xử lý rủi ro này, các NHTM khi bán vàng huy động có thể cân bằng trạng thái bằng cách mua lại lượng vàng đã bán trên thị trường giao dịch qua tài khoản với tỷ lệ ký quỹ chỉ ở mức 10%. Nói cách khác, hoạt động huy động, bán vàng lấy tiền đồng cho vay giờ đây tương tự như hoạt động huy động và cho vay bằng tiền đồng với tỷ lệ dự trữ bắt buộc 10%.
Giải pháp cho phép NHTM huy động và bán vàng huy động ra thị trường nếu đi kèm với giải pháp lập sàn giao dịch vàng qua tài khoản tại thị trường Việt Nam, sẽ giúp cho vàng lưu thông một cách tự do trên thị trường Việt Nam. Do đó sẽ giải quyết một cách cơ bản tình trạng méo mó trên thị trường vàng Việt Nam, đồng thời sẽ khuyến khích người dân gởi vàng vào hệ thống ngân hàng, giúp cho nền kinh tế Việt Nam sử dụng nguồn lực vàng rất lớn vốn mắc kẹt trong tủ của người dân thời gian qua với chi phí rất thấp.
Hoàng Xuân Huy
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|