Thứ Bảy, 03/09/2011 06:55

Buộc doanh nghiệp “phơi bày” nợ

Sắp tới đây, gần 150.000 công ty cổ phần có thể phải công khai báo cáo tài chính hằng năm.

Lâu nay chỉ có khoảng 3% công ty cổ phần (CTCP) có báo cáo tài chính (BCTC) hằng năm được công khai. Sắp tới, tất cả CTCP đều phải nộp BCTC và văn bản này sẽ được công khai. Nghe có vẻ sốc, nhất là với các CTCP không muốn phơi bày tình trạng tài chính, tình hình nợ nần, hiệu quả kinh doanh... Tuy nhiên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đang dự tính siết lại việc nộp, công khai BCTC này.

Luật quy định nộp nhưng thực hiện lơi lỏng

BCTC là một trong các tài liệu thể hiện rõ ràng, khách quan về tình hình hoạt động, hiệu quả kinh doanh, khả năng tài chính, sự nợ nần… của doanh nghiệp (DN).

Tuy nhiên, hiện chỉ có các CTCP đại chúng có niêm yết mới công khai BCTC. Các CTCP chưa niêm yết chỉ nộp BCTC cho cơ quan thuế và BCTC của các công ty này cũng chưa được công khai.

Trong khi đó, theo quy định của Luật DN (năm 2005), tất cả CTCP đều phải nộp và công khai BCTC .

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết CTCP phải nộp BCTC cho cơ quan thuế, cơ quan thống kê và cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua, ở các thành phố lớn chỉ có 2%-3% CTCP nộp BCTC cho cơ quan đăng ký kinh doanh, ở các tỉnh có ít DN thì số DN nộp BCTC được đến 20%.

Cục cũng cho biết những năm qua hệ thống mạng của cơ quan đăng ký kinh doanh còn yếu, lại có khó khăn về cơ sở vật chất, không có chỗ lưu trữ hồ sơ, tài liệu. Vì vậy tuy Luật DN có quy định nghĩa vụ nộp BCTC của DN nhưng khi DN không nộp thì cơ quan đăng ký kinh doanh không thúc ép DN nộp bản in giấy.

Tuy nhiên, hiện nay mạng thông tin của cơ quan đăng ký kinh doanh đã được nâng cấp, có khả năng nhận BCTC bản điện tử. Vì vậy, cục dự tính sắp tới đây, tất cả CTCP phải thực hiện việc nộp BCTC hằng năm cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Sắp tới, tất cả công ty cổ phần đều phải nộp BCTC và văn bản này sẽ được công khai.

Công khai tất tần tật?

Khi các CTCP nộp BCTC như trên thì cơ quan đăng ký kinh doanh mới có dữ liệu và có thể cung cấp cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Theo Luật DN thì “mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền xem hoặc sao chép BCTC hằng năm của CTCP tại cơ quan đăng ký kinh doanh”.

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn đăng ký DN mà cục đang soạn thảo thì Cục Quản lý đăng ký kinh doanh sẽ cung cấp thông tin về BCTC hằng năm của CTCP trên phạm vi toàn quốc, còn các sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin về BCTC hằng năm của các CTCP trên địa bàn tỉnh, thành phố mình. Việc cung cấp này có thu phí. Mức phí là bao nhiêu sẽ được tính sau.

Vấn đề gây băn khoăn là việc công khai thông tin tài chính như trên có làm ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh của DN hay không.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn thương mại Độc Lập, cho rằng DN hoạt động hiệu quả không ngại gì việc “bóc trần” thông tin tài chính. Hơn nữa, DN cũng có nhu cầu tìm hiểu thông tin tài chính của đối tác để yên tâm ký kết hợp đồng. Các thông tin của BCTC phục vụ cho các quan hệ kinh doanh, tránh gian lận nên việc công khai là phù hợp.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, cho rằng cần xem lại quy định của Luật DN xem có hợp lý hay không khi “phơi bày” toàn bộ BCTC như thế. Hay chỉ nên công khai một số thông tin tài chính cần thiết mà thôi, vẫn giữ bí mật đối với các thông tin tài chính khác?! Một vấn đề khó khăn khác cần giải quyết là mẫu BCTC sẽ như thế nào. Lâu nay DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc thực hiện mẫu này. Do đó rất ít CTCP thực hiện nộp, công khai BCTC.

Minh bạch là cần thiết

Về vấn đề này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết có nhiều phương án về lượng thông tin nào trong BCTC sẽ được công khai và sẽ lấy ý kiến góp ý. Tuy nhiên, về lý thuyết, nếu công khai toàn bộ BCTC vẫn đúng với tinh thần của Luật DN.

Cục cho rằng việc minh bạch tài chính của CTCP là hợp lý và có lợi cho xã hội. “Nếu không minh bạch thì vẫn tồn tại những “đại gia”, những dự án ngàn tỉ đồng nhưng té ra là nợ nần chồng chất”. Tại sao chỉ áp dụng cho CTCP mà không áp dụng cho DN tư nhân hay công ty TNHH? Vì CTCP có thể phát hành ra công chúng, có thể chào bán riêng lẻ…, do đó phải cho công chúng biết tình trạng tài chính của anh! Nếu anh làm ăn lành mạnh, hiệu quả thì công khai là chuyện không thành vấn đề. Đây là chuyện liên quan đến lợi ích của các cổ đông, của những nhà đầu tư sẽ đưa vốn vào CTCP, liên quan đến lợi ích xã hội. Cho nên không thể xem là bí mật tài chính, bí mật kinh doanh.

Cục cũng cho rằng không chỉ riêng quy định về BCTC, có thể nói tất cả các quy định về CTCP đều hướng đến sự minh bạch, nhất là minh bạch về tài chính. Cho nên có những quy định mới xem qua thì thấy vô lý nhưng xem đi xem lại thì phù hợp với loại hình CTCP.

Quỳnh Như

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Bán khống chứng khoán: Cần thông điệp rõ ràng (31/08/2011)

>   Chính thức ban hành hướng dẫn giao dịch ký quỹ (30/08/2011)

>   Sớm đưa chỉ số mới VNIndex-30 vào sử dụng (30/08/2011)

>   Quản chặt hơn chuyện rút vốn của doanh nghiệp FDI cổ phần hóa? (26/08/2011)

>   Tiêu chuẩn kiểm toán chấp thuận sẽ khó khăn hơn (26/08/2011)

>   UBCK sẽ làm rõ hành vi tiếp tay cho bán khống (25/08/2011)

>   Công văn của UBCK bị làm giả (24/08/2011)

>   Miễn thuế cổ tức cho 2 năm tài chính 2011-2012 (24/08/2011)

>   Margin được triển khai từ tuần sau (19/08/2011)

>   Miễn giảm thuế: giảm suy kiệt cho nhà đầu tư chứng khoán (17/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật