Xuất khẩu vàng không phải là ‘tội đồ’
Qua cơn sốt vàng, xuất khẩu được quy là nguyên nhân gây thiệt hại cho nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng cần cấm xuất cấm xuất khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước thì tính tăng cường quản lý bằng cách thu về một đầu mối. Tuy nhiên, xuất khẩu vàng có hẳn là nguyên nhân gây ra bất ổn giá vàng và cấm có hẳn là cách hay?
Rạch ròi xuất khẩu và làm giá
Như một luồng thông tin chung, hầu hết mọi lý giải đều cho rằng xuất khẩu là nguồn gốc gây nên thiếu hụt nguồn cung, tạo thuận lợi cho đầu cơ và làm giá vàng. Điều đó, khiến cho cơn sốt vàng vừa qua thêm khủng khiếp. Hậu quả, không chỉ người dân thua lỗ mà còn khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều sức ép về nhập siêu và tỷ giá khi phải mua rẻ, bán đắt.
Nhưng, trong cơn sốt vàng vừa qua, lần đầu tiên người ta đã đề cập đến mối liên hệ giữa xuất khẩu và làm giá. Tuy có một sự liên hệ nhất định trong tình huống này nhưng đây là hai vấn đề khác nhau và cần có cái nhìn tách bạch để khách quan hơn.
Giá vàng trong nước tăng hơn giá thế giới là chuyện đã có từ lâu, mỗi khi xảy ra cơn sốt. Cũng không khó để xác định nguyên nhân do làm giá của giới buôn bán trong nước. Đó một hiện tượng lặp di, lặp lại trở thành đặc trưng của thị trường vàng Việt Nam.
Thói quen của người dân là hay lo lắng và mua vàng vào khi giá chớm tăng và đổ xô bán ra khi giá chớm hạ. Dựa vào đó, giới buôn bán nắm được nhiều thông tin. Với tiềm lực về vàng và tiền nên khi dự đoán được xu hướng giá tăng, họ sẽ bỏ tiền ra gom vàng đẩy giá leo thang dần, cộng với các chiêu tung tin, tác động tâm lý... khiến thị trường "tăng nhiệt" một cách đều đều, gây sự chú ý và gieo một nỗi lo lắng trong nhiều người.
Và chỉ chờ đến thời điểm giá vàng thế giới có mức tăng đột biến, giới làm giá trong nước lập tức đẩy lên rất cao, làm loạn giá, khuấy đảo thị trường để kiếm lãi.
Theo giải thích của giám đốc một DN kinh doanh vàng ở Hà Nội, thông thường, việc làm giá cũng có quy luật khá phổ biến như trên. Điều này cũng đã được áp dụng trong đợt sốt vàng vừa qua. Bên cạnh đó, yếu tố xuất khẩu vàng như một thông tin làm cho cơn sốt lần này thêm phúc tạp và nó được các tay làm giá tận dụng triệt để.
Ngay chính những DN kinh doanh vàng cũng thừa nhận, xuất khẩu vàng trong những tháng đầu năm ở mức khoảng trên 30 tấn so với nguồn vàng hiện có trong nước hàng trăm tấn thì không thể nói là thiếu hụt.
Ông này cũng khẳng định vàng đã bị làm giá vàng thông tin thiếu vàng do xuất khẩu đã được tung ra nhằm làm rối người mua mà thôi.
Trong khi đó, việc xuất khẩu vàng mới chỉ nổi lên trong những năm gần đây. Trong thời kỳ đầu, nó được xem là một sự "xuất hiện mới' giúp giảm nhập siêu. Bên cạnh đó, theo các chính sách thì xuất khẩu vàng vẫn được khuyến khích dưới dạng chế tác nữ trang nhằm gia tăng giá trị và tạo công ăn việc làm trong nước. Công bằng mà nói, nhiều DN đã xem đây là một hướng kinh doanh có lợi và đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, do giá thế giới tăng nhanh, việc xuất khẩu vàng được đẩy mạnh, thậm chí để kiếm lợi, một số DN còn chế vàng dưới dạng nữ trang thô, hạ thấp tuổi vàng xuống dưới 99% để trốn thuế... Vì thế, dù mang về một lượng kim ngạch ngoại tệ lớn, và đặc biệt mang lại lợi nhuận lớn cho DN, thì xuất khẩu vàng và các DN thu gom xuất khẩu vàng đang bị nhìn nhận dưới góc độ không thiện cảm.
Đặc biệt, qua cơn sốt vàng, xuất khẩu vàng đang bị coi là "tội đồ" và cần bị xử lý. Tuy nhiên, với cái nhìn trên đây, một chuyên gia về thị trường vàng lâu năm lại cho rằng, cần có một cái rõ ràng về hai vấn đề này. Xuất khẩu là quyền của DN, họ không sai nhưng tất nhiên có những tác động bất lợi cần được chấn chỉnh. Còn thị trường vàng bị thao túng, làm giá đã là một "bản chất" do chúng ta quản lý kém.
Để chấn chỉnh những việc này, cần một chính sách cơ bản và dài hơi. Không chỉ đổ tại xuất vàng và cấm là xong. Một bằng chứng là, có thông tin nhập khẩu vàng, dù chưa có vàng về, giá đã rớt xuống rất nhanh.
Thay đổi một quan điểm
Để làm dịu cơn sốt vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chấp nhận cho nhập khẩu 5 tấn vàng và sẵn sàng cho nhập khẩu năm tấn nữa. Với diễn biến này, một thực tế được nhiều người đặt ra là Việt Nam đã bán đắt và mua rẻ trong việc xuất nhập khẩu vàng.
Theo tính toán, với việc nhập khẩu 5 tấn vàng vào thời điểm hiện tại, Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 250 triệu USD. Đây là một khoản ngoại tệ lớn trong thời điểm cả nước đang chống nhập siêu; nhập khẩu vào lúc giá cao nhất quang mốc 1.800 USD/ounce... khiến cho nhận định xuất khẩu vàng là sai lầm càng được củng cố.
Trong sáu tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất 30 tấn vàng, thu về 1,2 tỷ USD, tính trung bình 40 triệu USD/tấn vàng. Và nếu so với giá nhập về khoảng 50 triệu USD/tấn thì có lẽ, Việt Nam đã "vấp vố đau" khi bán rẻ và nhập đắt.
Tuy nhiên, nhìn dài hơn, lần tuyên bố được nhập khẩu vàng gần đây nhất của Việt Nam là vào đầu tháng 11/2010, giá vàng lúc đó dưới 1.400 USD. Trước đó nữa, Việt Nam cũng cho nhập khẩu vàng vào đầu tháng 10/2010, giá vàng lúc đó xoay quanh mốc 1.350 USD/ounce.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đều có xu hướng đi lên mạnh mẽ. Giá tháng 1/2011 cũng trên 1.350 USD nhưng đến tháng 2 đã vượt mốc 1.400, cuối tháng 4 đã là 1500 USD và từ đó giá vàng tiếp tục "thăng thiên" qua mốc 1.600-1.700 USD/ounce vào những tháng tiếp theo.
Số vàng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm chí ít cũng được mua về từ cuối 2010 và so sánh giá như trên cho thấy, ở "kỳ" mua và bán này thì các nhà xuất khẩu đã có lợi lớn và tất nhiên, nguồn ngoại tệ đưa về cũng có những tác động hữu ích cho nhiều đối tượng khác.
Thậm chí, số vàng được phép nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2010 khá ít, có thể không đủ 30 tấn nên phải gom cả những vàng đã nhập từ trước đó với giá rẻ hơn. Vậy thì xuất khẩu đã có lãi khá.
Trao đổi vấn đề xuất nhập khẩu, một chuyên gia ở Bộ Tài chính kể lại câu chuyện, năm 2008, do lo ngại giá phôi thép tăng lên nên nhiều DN đã nhập khẩu với một số lượng lớn về để dành. Sau đó, nhu cầu trong nước xuống thấp, thép ế nhưng giá thế giới lại tăng cao nên nhiều DN đã tái xuất và thu lợi khá.
Điều đáng nói là, sau đó, Bộ Tài chính đã liên tiếp tăng thuế để hạn chế xuất khẩu nhưng các DN và Hiệp hội Thép phản ứng khá mạnh. Quá trình tranh cãi giữa một bên hạm chế xuất khẩu để giữ lại trong nước và một bên xuất khẩu kéo dài đến khi hạ được thuế thì thép thế giói cũng mất giá, DN mất đi một cơ hội kiếm lời.
Thời điểm đó, có nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề, cần xem lại quan điểm cái gì thiếu mới nhập và thừa mới xuất khẩu, chính sách sản xuất thay thế nhập khẩu... thay vào đó là tư duy tập trung theo thế mạnh và hiệu quả.
Chuyên gia từ Hiệp hội Thép thời điềm đó nhấn mạnh, Việt Nam đã tham gia thị trường thế giới, là thành viên WTO thì DN cần tư duy theo thị trường quốc tế. Quan điểm như trên cần phải thay đổi, DN Việt Nam không thể chỉ nhập và xuất phục vụ cho trong nước mà cần vươn ra kinh doanh và kiếm lời trên thị trường quốc tế.
Ông này dẫn chứng: Singapore không có dầu và sắt nhưng là tay buôn lớn về mặt hàng chiến lược này; London không có một hecta cà phê hay nông sản nào nhưng họ vẫn là tay buôn số một thế giới và "vô địch" thu lợi từ nông sản. Chúng ta không có sắt nhưng điều ấy không có nghĩa chúng ta không thể buôn bán mặt hàng này trên thế giới. Và cũng đừng ngây thơ và đi trái quy luật cho rằng, giữ lại phôi sắt giá rẻ thì thành phẩm trong nước sẽ rẻ hơn thế giới.
Vàng và sắt là hai mặt hàng khác nhau, sự chi phối khác nhau nhưng từ đây có thể nhận thấy một cái nhìn mới về kinh doanh xuất nhập khẩu thoáng và hiện đại hơn. Theo đó, dù không có vàng Việt Nam vẫn có thể là buôn bán vàng và kiếm lãi từ vàng trên thị trường thế giới. Tương lai, nhiều mặt hàng như gạo, cà phê... Việt Nam đang xuất cái mình có và bị người khác làm giá thì hoàn toàn có thể vươn lên ngoài việc bán cái mình có thì có thể trở thành một thế lực kinh doanh trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, vàng là một tài sản tài chính, có tác động lớn đến kinh tế và sự ổn định của quốc gia, nên việc xuất nhập cần một cơ chế đặc thù và kín kẽ để đảm bảo quyền kinh doanh xuất nhập khẩu, không đánh mất cơ hội kiếm lời cho DN và nền kinh tế nhưng cũng không để việc xuất nhập ảnh hưởng đến sự định thi trường trong nước và chính sách tiền tệ quốc gia. Đó mới là điều cần thiết. Còn để tránh việc sốt vàng và làm giá trong nước, cần sớm có một cơ chế giao dịch vàng để mọi người được mua bán thuận tiện, minh bạch và dễ dàng kiểm soát.
Lê Khắc
Diễn đàn kinh tế việt nam
|