Xăng dầu: Mập mờ lỗ, lãi
Giá xăng dầu thế giới đang giảm và có khả năng tiếp tục giảm, trong khi giá bán lẻ xăng dầu trong nước cao hơn gần cả ngàn đồng/lít so với giá nhập khẩu.
Giá dầu thô thế giới ngày 9-8 khoảng hơn 75 USD/thùng, giảm khoảng 25 USD/thùng so với tháng qua. Tại thị trường Singapore ngày 8-8, xăng RON 92 có giá bán 114,98 USD/thùng, dầu diesel từ 121,17 USD - 122,67 USD/thùng, dầu hỏa 121,62 USD/thùng (đều giảm gần 10 USD/thùng so với hồi cuối tháng 7-2011). Giá xăng dầu thế giới đang giảm và có khả năng tiếp tục giảm, trong khi giá bán lẻ trong nước vẫn “án binh bất động”.
Không có quyền… giảm giá
Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho biết giá dầu thô giảm mạnh nhưng giá xăng dầu thành phẩm chỉ giảm nhẹ. Nếu tính bình quân 30 ngày cho thấy giá xăng vẫn ở mức cao, khoảng 123 USD/thùng. Với mức giá này thì giá cơ sở hiện nay vẫn còn cao hơn giá bán lẻ 600 đồng/lít đối với mặt hàng xăng và 500 đồng/lít đối với mặt hàng dầu. Cũng theo ông Dũng, giá xăng dầu trong nước hiện nay vẫn còn thấp hơn khoảng 4.000 đồng/lít so với các nước trong khu vực. Do đó giá bán lẻ trong nước chưa thể giảm trong thời điểm này. Lãnh đạo Saigon Petro cũng có cùng ý kiến như trên.
Theo ông Vương Đình Dung, Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội, với giá xăng thành phẩm hiện nay cộng với phí vận tải 2,3 USD/thùng cũng như các khoản thuế, lợi nhuận theo quy định thì mỗi lít xăng lỗ đến 659 đồng. Tuy nhiên, một số đầu mối khác lại cho biết mức lỗ của họ thấp hơn như dầu diesel lỗ khoảng 345 đồng/lít, xăng lỗ chưa tới 500 đồng/lít nếu tính theo giá bình quân 30 ngày, còn tính theo thời điểm này thì họ đang có lãi.
Các công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu cũng cho biết có thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm mạnh họ cũng muốn giảm để tiêu thụ được nhiều hơn. Tuy nhiên, giá bán lẻ xăng dầu hiện nay vẫn do Nhà nước quản lý và quyết định, họ không có quyền hạn giảm giá bán…
Đầu mối lãi kép
Trong tháng 7-2011, giá xăng dầu thế giới có lúc tăng, lúc giảm nhưng phần lớn đều có xu hướng giảm, sang tháng 8–2011, giá giảm nhiều hơn. Như vậy, giá xăng dầu thế giới không chỉ giảm một vài ngày mà đã giảm liên tục nhiều ngày qua và doanh nghiệp đã có mức lãi đáng kể.
Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đồng thời cũng là tổng đại lý xăng dầu tại TPHCM cho biết nhiều tuần qua, giá thế giới đã giảm nhưng các đầu mối lại không có động tĩnh gì. Đây là vấn đề khó hiểu, cần phải xem xét lại.
Nhiều đại lý kinh doanh xăng dầu bức xúc, cả 2 tháng qua, các đầu mối muốn tiêu thụ hàng đã đẩy mức chiết khấu lên rất cao để khuyến khích các đại lý. Nhưng từ đầu tháng 8, họ đã đồng loạt giảm mức chiết khấu xuống còn 600 đồng - 700 đồng/lít. Trước đây, các đầu mối than phiền là họ không còn lãi, thậm chí chịu lỗ vì phải chạy theo mức chiết khấu quá cao, lãi bao nhiêu đại lý ăn hết. Còn bây giờ đầu mối cắt giảm hoa hồng nên mức lợi nhuận này đang rơi vào túi các đầu mối nhập khẩu. Các đầu mối không những hưởng lãi phần chiết khấu mà còn hưởng thêm phần lãi giá thế giới đang giảm.
Lãi ròng 1.000 đồng/lít xăng dầu
Lãnh đạo một đầu mối nhập khẩu xăng dầu thừa nhận: Với giá xăng dầu thế giới giảm như hiện nay, nhà nhập khẩu lãi khoảng 1.000 đồng/lít xăng hoặc dầu sau khi tính hết các khoản chi phí (chưa tính thù lao đối với đại lý). Nếu tính mức thù lao cho các đại lý từ 600 đồng - 700 đồng/lít thì vẫn còn lãi 300 đồng - 400 đồng/lít. Chẳng hạn với giá xăng RON 92 trên thế giới là 114,9 USD/thùng, sau khi tính các khoản chi phí, thuế, lợi nhuận doanh nghiệp… thì một lít xăng có giá khoảng 20.300 đồng/lít, so với giá bán lẻ hiện hành là 21.300 đồng/lít, tức có mức chênh lệch đến cả ngàn đồng/lít (mặt hàng dầu cũng vậy). |
NGUYỄN HẢI
Người lao động
|