Thứ Ba, 09/08/2011 08:44

Không có chuyện xăng dầu “chảy ngược” vào Việt Nam

Vừa qua có thông tin giá xăng dầu trong nước, nhất là giá dầu diezen (DO), hiện đang cao hơn giá xăng dầu của các nước trong khu vực từ 2.000 đến 2.500 đồng/lít, vì thế đang có hiện tượng xăng dầu “chảy ngược” vào Việt Nam. Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương đã "bác" thông tin trên.

Một số thông tin cho rằng: “tại cuộc họp của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) 19 tỉnh, thành phía Nam, ngày 5/8, Chi cục QLTT các tỉnh biên giới như Kiên Giang, An Giang, Cà Mau… cho biết “hiện đang xảy ra tình trạng xăng dầu từ các nước chảy ngược vào Việt Nam, chủ yếu là dầu DO. Có chuyện này bởi giá dầu DO trong nước đang cao hơn từ 2.000 đến 2.500 đồng/lít so với khu vực”.

Trong khi đó, Báo Công Thương vừa nhận được thông tin từ thương vụ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Hongkong… khẳng định, không có chuyện giá xăng dầu của các nước trong khu vực đang thấp hơn giá xăng dầu tại Việt Nam, vì từ sau ngày 24/2/2011 (thời điểm trong nước điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu) đến nay, giá bán xăng dầu Việt Nam luôn ở mức thấp hơn hoặc xấp xỉ như giá các nước trong khu vực.

Cụ thể, giá bán lẻ xăng dầu tại một số nước trong khu vực như sau:

Mặt hàng diezen 0,05S (cập nhật trong ngày 8/8/2011): Tại Thái Lan: 29,99 Baht/lít = 24.955  đồng/lít; Hongkong: 12,04 HK$/lít = 31.943 đồng/lít; Indonesia: 9,20 Rupiah/lít = 21.711 đồng/lít; Singapore: 1,620 S$/lít = 27.976 đồng/lít.

Trong khi giá diezen 0,05S ở Việt Nam đang bán 21.100 đồng/lít; thấp hơn Thái Lan 100 đồng/lít, thấp hơn Hongkong 10.843 đồng/lít, thấp hơn Indonesia 611 đồng/lít, thấp hơn Singapore 6.876 đồng/lít.

Đối với diezen 0,25S: giá bán tại Việt Nam là 21.050 đồng/lít, thì giá bán hiện nay tại Lào là 9.520 kip= 23.833 đồng/lít; Campuchia là 4,9 riels= 23.831 đồng/lít; Trung Quốc: 8,3 NDT= 26.097 đồng/lít.

Giá bán xăng 92R tại Lào là: 27,087 đồng/lít; Campuchia: 25.290 đồng/lít; Trung Quốc: 25.122 đồng/lít... Trong khi giá xăng 92R đang bán tại Việt Nam là 21.300 đồng/lít.

Như vậy hiện nay, giá bán xăng dầu tại các nước trong khu vực đều cao hoặc xấp xỉ bằng giá bán tại Việt Nam.

Vì mâu thuẫn thông tin giữa giá xăng dầu của các nước trong khu vực đưa ra tại cuộc họp các Chi cục QLTT phía Nam và giá do các thương vụ gửi về, Báo Công Thương đã đưa ra câu hỏi với ông Đặng Văn Đức- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý Chi cục QLTT TP.HCM, nơi tổ chức cuộc họp trên- và ông Võ Văn Quyền- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương- để tìm lời giải đáp và được giải thích như sau: Thông tin “xăng dầu lại chảy ngược vào Việt Nam” do Chi cục Quản lý thị trường Kiên Giang đưa ra lấy theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 của Cục QLTT. Trong đó báo cáo có nêu vụ Cơ quan cảnh sát điều tra Kiên Giang triệt phá vụ buôn lậu xăng dầu quy mô lớn trên biển do Võ Hoàng Dũng (tức Dũng “Huế”, sinh năm 1970, ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) cầm đầu trong tháng 3/2011. Theo đó, chỉ trong vòng 1 năm, Dũng “Huế” đã vận chuyển và phân phối thành công nhiên liệu (chủ yếu là DO) không rõ nguồn gốc từ Thái Lan về Việt Nam trị giá hơn 300 tỷ đồng để hưởng chênh lệch giá 1.000 đồng/lít.

Vì thế, theo ông Đặng Văn Đức, thông tin dựa vào vụ việc trên mà cho rằng hiện nay chênh lệch giá xăng dầu giữa Việt Nam và các nước khu vực là 2.000- 2.500 đồng/lít là không chính xác.

Ông Võ Văn Quyền cũng bác thông tin trên và khẳng định: Không có chuyện hiện nay giá xăng dầu tại một số nước trong khu vực đang thấp hơn giá xăng dầu tại Việt Nam và cũng không có chuyện xăng dầu đang chảy ngược vào Việt Nam. Thông tin trên thiếu cơ sở và không chính xác.

Tại cuộc họp giao ban ngày 1/8/2011 của Bộ Công Thương, bà Đàm Thị Huyền- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- cũng cho biết: Thời điểm này, giá xăng dầu thế giới bắt đầu tăng trở lại. Tính ra, mỗi lít xăng dầu bán ra, giá cơ sở chênh lệch so với giá bán hiện hành lỗ gần 600- 700 đồng/lít với xăng, 400 đồng/lít với diêzen, 500 đồng/lít với mazut.

Thanh Hương

báo công thương

Các tin tức khác

>   Giá nguyên liệu giảm, giá sản phẩm vẫn cao (09/08/2011)

>   OPEC sẽ cố gắng không để giá "vàng đen" giảm sâu (08/08/2011)

>   Cần giảm giá xăng dầu (08/08/2011)

>   Xăng dầu lậu chảy ngược vào nội địa (06/08/2011)

>   Tiêu thụ thép giảm mạnh, tồn kho tới 600.000 tấn (04/08/2011)

>   Dự kiến thu 220 triệu m3 khí/năm từ Mỏ khí Thiên Ưng (04/08/2011)

>   Ts Ngô Trí Long: Lỗi do cơ chế điều hành xăng dầu (03/08/2011)

>   Nâng thuế xuất khẩu than lên 20% (03/08/2011)

>   Petrolimex: Lẽ ra giá xăng dầu giảm trong tháng 6 (01/08/2011)

>   Quỹ bình ổn xăng dầu hay két sắt ảo? (01/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật