Thứ Hai, 01/08/2011 11:02

Quỹ bình ổn xăng dầu hay két sắt ảo?

Phải chờ đến tháng 9 mới có kết quả kiểm toán về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại 11 doanh nghiệp đầu mối, song nhìn lại 3 năm qua, không khó để nhận ra những mâu thuẫn trong triết lý về sự ra đời của Quỹ cũng như những điểm "mù" của cơ chế sử dụng quỹ này.

Bù giá cho dân hay bù lỗ cho doanh nghiệp?

Cơ chế vận hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã gây tranh cãi ngay từ khi mới ra đời, song đến nay vẫn chưa có hồi kết. Đỉnh điểm cho những tranh cãi này là khi kết quả lãi tới hàng nghìn tỷ đồng của Petrolimex được công bố trong đợt IPO gần đây. Bức tranh tài chính đó gần như đối lập với hình ảnh suốt năm 2010 và 5 tháng đầu năm 2011, doanh nghiệp luôn đứng trước nguy cơ phát sinh lỗ nên phải xả quỹ nhiều lần để bù đắp, giữ giá.

Chia sẻ với PV, Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, lợi ích lớn nhất của quỹ bình ổn giá xăng dầu là ở nhiều thời kỳ, quỹ giúp cho giá xăng dầu được giữ nguyên trong khi, biến động thị trường thế giới đã đẩy giá vốn lên cao.

Ví dụ như ngày 7/4/2010, mặc dù Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu từ 3-5% song nếu không kết hợp với việc xả quỹ từ 400-500 đồng/lít, giá xăng dầu sẽ phải tăng thêm tới 1000-1.500 đồng/lít tùy loại. Ngày 21/10/2010, nếu quỹ không tiếp tục "xử lý" chênh lệch, giá xăng dầu sẽ phải tăng từ 880- 1.600 đồng/lít. Ngày 13/11/2010, cũng nhờ vào việc tăng xả quỹ mà giá xăng dầu đã tránh khỏi việc phải tăng thêm từ 1.700- 1.800 đồng/lít.

Gần đây nhất, ngày 10/2/2011, nếu không có quỹ thì giá xăng dầu đứng trước nguy cơ tăng 3.000-4.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, sau các đợt xả quỹ, người dân vẫn phải chấp nhận các đợt tăng giá xăng dầu ở mức kỷ lục. Ví dụ như năm 2010, có tới 4 lần doanh nghiệp tăng giá xăng dầu. Năm 2011, hai đợt tăng giá vào 24/2 và 29/3 đã thực sự gây sốc dư luận khi giá xăng đã tăng tới 4.900 đồng/lít, dầu diesel tăng tới 6.155 đồng/lít, dầu hỏa tăng 5.700 đồng/lít, dầu madut tăng 4.110 đồng.

Đến nay, khi giá xăng dầu thế giới giảm, việc trích quỹ vẫn tiếp tục và thậm chí, còn tăng lên 100 đồng/lít xăng. Cơ hội giảm giá bán lẻ trong nước tiếp tục đứng sau chót vì còn phải chờ Nhà nước khôi phục tăng thuế, đảm bảo doanh nghiệp có lãi, quỹ có đủ tiềm lực dự phòng.

Sau hàng loạt công cụ can thiệp đó, tín hiệu thị trường xăng dầu theo thế giới đã trở nên méo mó. Trong một cơ chế vận hành như vậy, người dân không được giảm giá, còn doanh nghiệp rốt cục vẫn lãi lớn. Ví dụ như năm 2009, Petrolimex lãi tới 2.880 tỷ đồng tiền kinh doanh xăng dầu. Năm 2010, số lãi này là 81 tỷ đồng. Dự kiến năm 2011, tính cho 4 tháng cuối năm, lãi xăng dầu khoảng 598 tỷ đồng.

Khi phải bỏ thêm gần 4.500 tỷ đồng cho một năm trích Quỹ bình ổn, lợi ích mà người tiêu dùng xăng dầu cảm nhận được lại không lớn như mong đợi. Các điểm mâu thuẫn trên đã khiến nhiều ý kiến hoài nghi, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang làm lợi cho dân hay lợi cho doanh nghiệp? Vì để xả quỹ "bù giá" cho dân thì doanh nghiệp phải được "bù lỗ" trước đó đã.

Vì lẽ đó, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, mặc dù Bộ Tài chính và doanh nghiệp tuyên bố bù giá cho dân khác bù lỗ cho doanh nghiệp nhưng trên thực tế, về bản chất cũng vẫn là bù lỗ cho doanh nghiệp mà thôi.

Điểm mù của quỹ

Sự bất minh xoay quanh chuyện Quỹ bình ổn giá xăng dầu không phải chưa từng xảy ra. Điển hình như đầu năm nay, Bộ Tài chính đã phát hiện Petrolimex và Công ty Xăng dầu Quân đội chưa trích, sử dụng quỹ đúng quy định. Trong đó, riêng Petrolimex, số chi sai lên tới 1.200 tỷ đồng.

Khoảng cách giữa báo cáo của doanh nghiệp và tính toán của Bộ Tài chính về Quỹ bình ổn cũng rất lớn. Chẳng hạn, năm 2009, Bộ Tài chính tính toán quỹ phải trích tới 1.028 tỷ thì các doanh nghiệp chỉ trích có 863 tỷ đồng. Cuối năm 2010, doanh nghiệp báo cáo số dư quỹ chỉ còn có 551 tỷ đồng, đã chi tới 4.905 tỷ đồng nhưng thực tế, quỹ còn dư 1.971 tỷ đồng và trong năm 2010 chỉ chi ra hơn 3.505 tỷ đồng.

Theo Thông tư 234 của Bộ Tài chính, kể từ 15/12/2009, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng sẽ phải bỏ thêm 300 đồng/lít đóng góp hình thành Quỹ và từ ngày 10/6/2011 "phí" đóng góp này từ mặt hàng xăng tăng lên là 400 đồng/lít. Đây là một khoản cố định trong giá vốn mặt hàng xăng dầu của doanh nghiệp. Khi giá thế giới tăng, quỹ xả ra để bù đắp chênh lệch phát sinh lỗ cho doanh nghiệp, tránh khỏi việc tăng giá bán lẻ.

Tương tự đến hai tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp tính toán quỹ âm tới 1.335 tỷ đồng, nhưng Bộ Tài chính lại tính quỹ còn tới 83 tỷ đồng. Từ tháng 2 đến tháng 7, Bộ Tài chính chưa có công bố chính thức về số dư của quỹ.

Bất minh còn thể hiện ở chỗ, có giai đoạn bị lỗ vào giữa năm 2010, các doanh nghiệp tuyên bố trên báo chí rằng, họ ngừng trích quỹ vì đã lỗ rồi thì còn tiềm lực đâu mà trích lập. Bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc Petrolimex còn gọi quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ là quỹ "gió", quỹ "ảo".

Lý giải về sự bất minh này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng,  là do cơ chế giám sát, quản lý việc chi tiêu sử dụng quỹ gần như không có. Số tiền quỹ bình ổn đã trích lập bao nhiêu, chi tiêu bao nhiêu, người tiêu dùng không được biết vì không có doanh nghiệp nào công bố. Bộ Tài chính cũng không công khai định kỳ và cũng không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm nào với doanh nghiệp trong vấn đề này. Trong khi đây được coi là quỹ của dân.

Theo thông tư 234 của Bộ Tài chính, cơ chế giám sát duy nhất mới chế độ báo cáo hàng quý của doanh nghiệp.

Thêm nữa, khoản tiền lập quỹ không hề nhỏ, là tiền của dân đóng góp nhưng lại giao cho doanh nghiệp nắm giữ. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nói thẳng, khi ôm một khoản tích lũy lớn lên tới 1.000 tỷ đồng thì bằng cách này cách khác, doanh nghiệp cũng sẽ đem ra để sử dụng, ném tiền vào đâu, không ai biết được. Quỹ chỉ là một két sắt ảo mà thôi.

Anh Phạm Văn, kế toán trưởng của một công ty chứng khoán tại Hà Nội, cũng đồng tình cho hay, thực tế doanh nghiệp có làm sai hay không thì phải chờ kiểm toán. Song, thông thường, bỗng dưng để tồn đến cả hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng tại doanh nghiệp là một sự lãng phí. Trong trường hợp chưa bị bắt buộc sử dụng, họ hoàn toàn có thể gửi đầu tư, tiết kiệm, quay vòng... mà trên sổ sách kế toán, vẫn thể hiện là có số dư quỹ bình thường.

Ngoài ra, tài khoản kế toán cũng chỉ là tài khoản trên giấy. Còn nếu có tài khoản ở ngân hàng thì các dòng tiền điều chuyển linh hoạt chứ không phân định rõ ràng tiền nằm một chỗ như tiền mặt trong két sắt, anh Văn nói.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực ra là một cơ chế bình thường trong hoạt động kinh tế nhằm bảo hiểm giá, dự phòng rủi ro, "san bằng" các biến động bất thường trên thị trường, từ đó, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp xăng dầu không hề lỗ, cần xem lại là có cần ra đời một quỹ bình ổn giá xăng dầu như vậy không và nếu có, cơ chế quản lý giám sát như thế nào cho minh bạch? Trước đây, khi có Ban vật giá Chính phủ, quỹ bình ổn này cũng đã được lập ra và do Ban này quản lý sử dụng. Sau đó, vì hoạt động không hiệu quả nên quỹ đã bị hủy bỏ.

Phạm Huyền

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Công ty Thái dự định khai thác dầu tại Việt Nam (31/07/2011)

>   Đề xuất thu thêm đến 1.000 đồng/lít xăng dầu (31/07/2011)

>   Cần xử phạt nghiêm sai phạm trong kinh doanh gas (27/07/2011)

>   Iran có thể ngừng xuất khẩu dầu thô sang Ấn Độ (26/07/2011)

>   Giá dầu trong năm 2011 có thể tăng quá dự báo (26/07/2011)

>   Mua xăng dầu hơn 200.000 đồng phải kê khai địa chỉ nhà (25/07/2011)

>   Kiểm toán quỹ bình ổn xăng dầu tại 11 đơn vị từ 22/07 (22/07/2011)

>   IEA cam kết tăng nỗ lực ổn định thị trường dầu (22/07/2011)

>   Trữ lượng dầu của OPEC năm 2010 tăng đột biến (21/07/2011)

>   Phát hiện mỏ urani trữ lượng lớn nhất thế giới tại Ấn Độ (19/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật