Tư hữu đất đai: Nên hay không?
Quá trình xem xét, rà soát sửa đổi Luật Đất đai 2003 đang được ban soạn thảo gấp rút hoàn thiện để trình Chính phủ trong thời gian tới.
Có khá nhiều nội dung của luật được cho là không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhiều hành vi mới nảy sinh không nằm trong diện điều chỉnh của luật, đặc biệt là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cũng như định giá đất đai trong nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, vấn đề mấu chốt khiến Luật Đất đai 2003 càng ngày càng bộc lộ sự tụt hậu so với cuộc sống, đồng thời gây nên những bế tắc trong giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, chính là sự nhập nhằng giữa vấn đề tư hữu và công hữu trong đất đai.
Nhà nước hay toàn dân?
Điều 17 của Hiến pháp năm 1992 của nước ta quy định, đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước là người đại diện chủ sở hữu đất đai trên toàn lãnh thổ. Theo các nhà làm luật, cơ sở của việc định đoạt này được xuất phát từ việc đất đai vốn là một sản phẩm của tự nhiên, tồn tại ngoài ý muốn của con người, có trước con người và không phải do con người tạo ra.
Hơn nữa, bất kỳ một quốc gia nào thì tài nguyên đất đai cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành và phát triển của cả dân tộc, đồng thời nó cũng là kết quả của cả một quá trình đấu tranh chinh phục thiên nhiên của nhiều thế hệ cư dân.
Theo ông Tôn Gia Huyên, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, trong lần sửa đổi Luật Đất đai sắp tới, có một quan hệ pháp lý quan trọng cần được chú ý về mặt sở hữu đất đai và người đại diện, chính là sự thống nhất và cần phân biệt rõ ràng giữa chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và quyền sở hữu nhà nước đối với loại tài sản đặc biệt này.
Theo ông Huyên, khi nói về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là đề cập đến một hệ thống quy chế chung trong quan hệ đất đai mà toàn dân là chủ thể, nhưng “toàn dân” không thể đứng ra thực hiện quyền năng cụ thể (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt...) của chế độ sở hữu này, mà phải cử người đại diện, nhân danh mình để làm việc đó. Trong trường hợp này chỉ có nhà nước là đủ tư cách nhất.
“Quyền sở hữu nhà nước đối với đất đai mà bản chất là sở hữu toàn dân về đất đai là hai mặt của một vấn đề. Nếu xét về mặt pháp lý thì sở hữu toàn dân là một chế độ, một thể chế, còn quyền sở hữu nhà nước lại là sự biểu hiện của các quyền năng cụ thể của chủ sở hữu để thực hiện chế độ nói trên, nên cần phải đặc biệt lưu ý”, ông Huyên khuyến nghị.
Tại hội thảo góp ý cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2003 do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Hội Khoa học đất tổ chức cuối tuần qua, một cuộc tranh luận “nảy lửa” đã diễn ra giữa các chuyên gia về việc chế độ sở hữu đất đai nên đi theo hướng nào trong lần sửa đổi sắp tới.
Theo TS. Lê Cao Đoàn (Viện Kinh tế Việt Nam), ruộng đất là vấn đề cơ bản và đơn giản nhất trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, song thực tế ở Việt Nam, vấn đề này đến nay vẫn bất ổn. Khảo sát của Viện tại nhiều nước trên thế giới, cho thấy chính sách đất đai của hầu hết các quốc gia đều “xong” ngay từ đầu với những thế chế, quy chế phù hợp với lợi ích của cả quốc gia lẫn từng người dân cụ thể.
Quan điểm được TS. Đoàn đưa ra là, tư hữu hay công hữu về đất đai đều không quan trọng, mà quan trọng là hình thức sở hữu đó phải “đem lại hiệu quả cao nhất và chi phí thấp nhất cho mọi người dân”.
Đồng thời, hình thức sở hữu đó phải tạo ra được cơ sở để giải quyết mọi tranh chấp khi có mâu thuẫn xảy ra. Thế nhưng, đáng tiếc là Luật Đất đai 2003 chưa đáp ứng được điều này, nên mới nảy sinh những bất cập không đáng có.
Nên thừa nhận tư hữu về đất đai?
Một số nhà khoa học đã đề xuất nên thừa nhận hình thức sở hữu tư nhân về đất đai trong lần sửa đổi luật sắp tới. Về điều này, TS. Lê Cao Đoàn cho rằng, chính sở hữu tư nhân là một hình thức cơ bản giúp mọi đối tượng có trách nhiệm hơn, giúp xã hội có căn cứ để kiểm soát anh ta. Ông nhấn mạnh: “Sở hữu tư nhân không có lỗi”.
Theo TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn Luật Đất đai (Đại học Luật Hà Nội), vấn đề đất đai ngày càng bộc lộ nhiều phức tạp bởi nó liên quan đến câu chuyện “chính danh”. Về mặt pháp lý, đất đai phải có chính danh, tức là phải có người chủ thực sự. Thế nhưng, trong thực tế hiện nay, ngay từ đầu đất đai đã chưa được chính danh, tức là luật chưa đi vào cuộc sống.
“Nhiều nước trên thế giới họ quy định rõ ràng, đất đai nào là của nhà nước, đất đai nào là của người dân nên luật của họ ổn định, tức là họ chính danh. Còn tại nước ta, nhà nước đại diện chủ sở hữu về đất đai nhưng không ít công chức đã lạm dụng quyền lực để tham nhũng đất đai, nên mới xảy ra khiếu kiện, tố cáo hàng loạt”, ông Tuyến nói.
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà Nhà nước là người đại diện đang tạo ra một kẽ hở vô cùng thuận lợi cho một bộ phận cán bộ công quyền, bởi quyền chuyển mục đích sử dụng đất lại nằm trong tay chính quyền địa phương.
“Một mảnh đất nông nghiệp có giá trị không đáng là bao nhưng chỉ cần một chữ ký thôi thì giá trị của nó tăng lên hàng trăm, hàng nghìn lần, nhưng toàn bộ khoản chênh lệch đó gần như nhà nước không kiểm soát được”, TS. Nguyễn Hồng Thục, Viện Nghiên cứu định cư chia sẻ.
“Nếu có một quy định kiểm soát chặt chẽ, một sắc thuế nghiêm ngặt để kiểm soát phần giá trị chênh lệch khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì chẳng cần đến nhà nước phải ký chuyển đổi, mà người nông dân có quyền thỏa thuận với chủ dự án trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phần chênh lệch được nộp vào ngân sách nhà nước”.
“Cơ chế chỉ có chủ tịch tỉnh mới có quyền cấp phép dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất là cơ chế đặc quyền đặc lợi. Đây là cơ chế tạo ra tham nhũng chứ không phải là đẩy lùi tham nhũng”, TS. Thục nói tiếp.
Theo TS. Lê Cao Đoàn, nếu quy định sở hữu toàn dân thì cũng gần như là chúng ta để khối tài sản có giá trị như đất vô chủ. Không những thế, nói về bản chất sự việc, chỉ có người chủ mới có quyền quyết định giá cả đất đai, song với việc định ra sở hữu toàn dân thì ai sẽ là người quyết định giá đất, bởi dù là sở hữu toàn dân nhưng dân lại không được quyết định giá đất.
Trong khi đó, một chuyên gia đến từ Bộ Xây dựng cho rằng, về bản chất, bất động sản không thể tách rời nhà và đất được. Thế nhưng, hiện nay quyền sở hữu đất đai lại thuộc về nhà nước, trong khi quyền sở hữu nhà lại thuộc cá nhân. Chính sự không thống nhất này đã dẫn tới nhiều chính sách trong đất đai, bất động sản không được thuận buồm xuôi gió vì mâu thuẫn lợi ích giữa cá nhân và tập thể.
Được biết, mọi ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được các tổ chức, cơ quan ban soạn thảo tập hợp gửi lên Thủ tướng xem xét trong thời gian tới.
Bảo Anh
TBKTVN
|