Quy hoạch sân golf: Hiểm hoạ đằng sau những con số (bài 3)
Bộ KHĐT thừa nhận: Có sự đánh đồng giữa 2 loại đất
Với đề nghị bổ sung quy hoạch 42 sân golf từ các địa phương, sau khi rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) không những không dẹp bỏ, mà còn làm tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung vào quy hoạch 28 sân mới, nâng tổng số sân golf cả nước lên 115 sân. Điều đáng nói nữa là Bộ KHĐT vẫn quy hoạch đất lúa làm sân golf.
Bài 1: 90 sân golf, chưa đủ?
Bài 2: 13 sân golf vẫn là ít, 2 sân vẫn là nhiều!
Vẫn chiếm đất lúa
Lý giải về việc kiến nghị bổ sung đưa 28 sân golf mới bổ sung vào quy hoạch, nguyên Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc cho rằng, mục tiêu tới năm 2020, VN cơ bản trở thành nước công nghiệp, có GDP thu nhập đầu người hằng năm ở ngưỡng 3.000USD/người/năm, thì việc đưa vào quy hoạch nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, du lịch, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và du khách là việc làm cần thiết.
Còn về vấn đề quy hoạch đất lúa làm sân golf, ông Võ Hồng Phúc cho rằng, sau khi tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực trạng quy hoạch sân golf vào hồi tháng 5 năm nay, Bộ KHĐT đã thống nhất với các bộ, ngành liên quan tới đây sẽ dứt khoát đưa ra khỏi quy hoạch các dự án sân golf sử dụng đất lúa, thậm chí không có một tí đất lúa nào.
Đồng tình với đề xuất của Bộ KHĐT, ông Lê Văn Ân - nguyên GĐ Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc bộ này- cho biết: 115 sân golf quy hoạch cho năm 2020 không phải là nhiều. Tuy nhiên, quy hoạch chỉ là định hướng, tùy vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương, tùy khả năng và nhu cầu đầu tư mà có lộ trình đưa vào xây dựng, chứ không phải ngay lập tức từng ấy sân golf ra đời.
Được hỏi vì sao đã thống nhất không đưa các dự án có đất lúa vào quy hoạch sân golf, mà trong số 28 dự án được bộ trình bổ sung vẫn có tới 4 dự án “ăn” vào đất lúa, ông Lê Văn Ân cho rằng, theo QĐ 1946 của Thủ tướng cho phép đưa vào quy hoạch sân golf đối với những khu vực đất lúa 1 vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích sân golf được duyệt. Tuy nhiên, dư luận vẫn có quyền đặt dấu hỏi, vì so với tiêu chí “tuyệt đối không có đất lúa” thì rõ ràng quy hoạch bổ sung đã không tuân thủ. Chưa nói đến, nhiều địa phương cho phép chủ đầu tư lập dự án, nhưng buông lỏng quản lý thì hậu quả sẽ hết sức khó lường.
Bình phong dự án BĐS
Nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết: “Các dự án xin làm sân golf đa phần đều gắn với dự án BĐS nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. Bởi vậy, các địa phương khi cấp phép cần lưu ý việc đánh thuế sử dụng đất đúng với mục đích sử dụng. Tuyệt đối không “đánh đồng” khu vực quy hoạch sân golf vốn là đất trống, đồi núi trọc với diện tích được chủ đầu tư sử dụng để xin đầu tư dự án BĐS”. Chả thế mà đoàn công tác của Bộ KHĐT khi kiểm tra 90 sân golf trong quy hoạch cũng chỉ ra, chỉ có 21/90 dự án là thuần túy kinh doanh sân golf; có tới 69 dự án còn lại kết hợp kinh doanh sân golf với kinh doanh BĐS, khu du lịch.
Như vậy, kinh doanh sân golf được xem như tấm bình phong để chủ đầu tư dự án hợp thức hóa những khoản lợi kếch sù từ BĐS nghỉ dưỡng. “Hiện đây là lỗ hổng lớn. Không phải đã có những bài học từ việc đền bù đất lúa cho nông dân giá bèo, để các ông chủ dự án ẵm những khoản lợi kếch sù do hưởng lợi từ chênh lệch địa tô?” - ông Lê Văn Ân phân trần. Khi chuyển từ đất trống, đồi trọc thành dự án sân golf thì giá trị đất đã nâng lên gấp bội. Nhà đầu tư thậm chí chấp nhận thua lỗ sân golf, hoặc không cần quan tâm đến lợi nhuận kinh doanh, thì việc bán các biệt thự dự án sân golf đã mang lại lợi nhuận.
Ông Ân kiến nghị: “Tới đây Chính phủ cần có quy định về thuế sử dụng đất, khu vực nào kinh doanh sân golf mức thuế khác, khu vực kinh doanh BĐS thuế khác. Bên cạnh đó, cần có chế tài giám sát, xử phạt các chủ đầu tư không tuân thủ quy hoạch, địa phương phá rào cấp phép. Tôi tin rằng, nếu làm được như vậy sẽ loại bỏ đi khá nhiều chủ đầu tư lấy sân golf làm bình phong.
4/28 sân golf vẫn chiếm dụng đất lúa với diện tích không nhỏ, được Bộ KHĐT chấp thuận bổ sung vào quy hoạch gồm: Sân golf Yên Bình và sân golf Long Sơn - đều tại tỉnh Thái Nguyên, mỗi dự án sử dụng 4,5-4,6ha đất lúa 1 vụ; sân golf tại KĐT Nam Sơn - Hạp Lĩnh tại Bắc Ninh, lấy 4,5ha đất lúa; sân golf Thanh Thủy (Phú Thọ) lấy tới... 9ha đất lúa.
Trong số diện tích đất quy hoạch làm sân golf, các chủ đầu tư thực hiện các dự án xây dựng các khu du lịch sinh thái, trung tâm thương mại... với tỉ lệ chiếm đến 51%. Có 3 dự án thực hiện xong việc xây dựng nhà ở, biệt thự để bán với diện tích 304ha (chiếm 23% diện tích quy hoạch làm nhà ở); có tới 46 chủ đầu tư (chiếm 78% CĐT được kiểm tra) có những vi phạm như: Sử dụng đất không đúng hồ sơ; làm sân golf khi chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt; đất được giao nhưng không sử dụng; chưa ký hợp đồng thuê đất; chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định...
(Báo cáo của đoàn công tác của Bộ KHĐT kiểm tra các dự án sân golf) |
Hồng Quân
lao động
|