Thứ Hai, 01/08/2011 13:53

Ts Võ Trí Thành: DN phải "chịu đựng" chi phí vốn vay cao một thời gian nữa

Tiến sĩ Võ Trí Thành

Thời gian tới lãi suất chưa thể giảm ngay, vẫn ở mức cao nếu Chính phủ kiên trì mục tiêu chống lạm phát. Do vậy, doanh nghiệp nước ta sẽ vẫn còn phải chịu đựng chi phí vốn vay cao một thời gian nữa.

Do những tác động từ sự bất ổn kinh tế vĩ mô, từ đầu năm đến nay nhiều DN liên tiếp đối mặt với thách thức, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn cũng như phát triển thị trường. Liệu từ nay đến cuối năm diễn biến kinh tế có thuận lợi cho sự phục hồi của DN?

ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, xoay quanh vấn đề này.

- Thưa ông, những tác động ngoại lai từ diễn biến kinh tế thế giới từ nay đến cuối năm có còn ảnh hưởng xấu đến hoạt động DN nước ta?

- Kinh tế thế giới đến nay vẫn tồn tại tính bất định nên những dự báo vẫn khó chính xác. Nguyên nhân là do sự mất cân đối toàn cầu vẫn tiếp diễn vì chưa có sự phối hợp ăn ý trong chính sách cũng như sự hợp tác giữa các nước lớn.

Sự bất định còn thể hiện qua vấn đề trần nợ công của Hoa Kỳ, ngay cả khi thông qua mức trần nợ công mới Hoa Kỳ vẫn có thể bị hạ định mức tín nhiệm. Ngoài ra, vấn đề khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn khó lường.

Những dự báo mới đây của các định chế tài chính quốc tế cũng bi quan hơn. Đầu năm 2011 các dự báo cho rằng kinh tế thế giới năm nay tăng trưởng chậm hơn năm 2010 nhưng sang năm 2012 sẽ phục hồi tốt hơn. Đến nay dự báo lại cho rằng khó khăn sẽ còn tiếp diễn trong năm 2012.

Tất nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn bất ổn, nền kinh tế nước ta chưa thể kéo giảm lạm phát, khó khăn sẽ cộng hưởng thêm, nhất là lĩnh vực xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khó khăn ấy vẫn có điểm sáng. Lạm phát ở Việt Nam có tác động từ phía cung (chi phí đẩy) nên phụ thuộc chủ yếu từ cú sốc bên ngoài.

Trong khi đó quá trình xử lý ở Trung Đông có vẻ không bùng phát quá mạnh. Mặc dù giá cả nguyên vật liệu còn đứng ở mức cao, nhưng do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nên khó có khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm như năm 2008. Điều này thuận lợi hơn cho quá trình kiềm chế lạm phát cũng như giảm bớt những tác động ngoại lai gây khó cho DN nước ta.

- Vậy các DN có thể kỳ vọng khả năng tiếp cận vốn lãi suất thấp trong thời gian tới?

Thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ biến động tỷ giá, lãi suất do vậy DN nên tính đến việc bảo hiểm rủi ro và cần nghiên cứu đến nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài nước. Các “đại gia” bán lẻ nước ngoài nghiên cứu khá bài bản về vấn đề này. Các DN nước ta dù nguồn lực có hạn nhưng cũng nên quan tâm đến xu hướng tiêu dùng, đặc biệt phải nắm rõ các hàng rào kỹ thuật, pháp lý trong làm ăn, cách thức tổ chức kênh phân phối... Ngoài các kênh huy động vốn truyền thống như qua ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, đã đến thời điểm DN nên minh bạch hóa hoạt động, tạo các mối quan hệ với các quỹ đầu tư cũng như các định chế tài chính quốc tế để có thể tiếp cận được các dòng vốn này.

- Những lập luận cho rằng lãi suất giảm, chi phí đầu vào giảm thì lạm phát giảm xem ra chưa thuyết phục. Nếu dùng chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao để chống lạm phát cao, cần kiên trì. Bởi những năm gần đây, cứ “thắt” nửa đầu năm, “nới” nửa cuối năm, y như rằng lạm phát đầu năm quay lại “gõ cửa”.

Lạm phát chỉ có thể ổn định và đi xuống sau khi triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ được 2 quý (do độ trễ chính sách và quán tính lạm phát) với điều kiện không có cú sốc lớn từ bên ngoài. Vì vậy, thời gian tới lãi suất chưa thể giảm ngay, vẫn ở mức cao nếu Chính phủ kiên trì mục tiêu chống lạm phát. Do vậy, DN nước ta sẽ vẫn còn phải chịu đựng chi phí vốn vay cao một thời gian nữa.

- Theo ông trong bối cảnh này DN làm thế nào để thích nghi và có thể nắm bắt được cơ hội kinh doanh?

- Hiện tại các DN khó khăn cả 2 đầu: Đầu vào chi phí tăng cao do giá nguyên vật liệu thế giới và chi phí lãi vay còn ở mức cao. Việc thắt chặt chính sách vĩ mô làm giảm tổng cầu đương nhiên đầu ra của DN sẽ khó khăn hơn.

Tuy nhiên, trong khó khăn này những DN sống khỏe và có thể phát triển tốt là những DN có cơ cấu vốn tốt (tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu thấp), vòng quay vốn sản xuất kinh doanh nhanh và có thị trường đầu ra. Trong 7 tháng đầu năm xuất khẩu nước ta tăng 34%, có nghĩa ta vẫn giữ vững và đẩy mạnh việc mở rộng thị trường bên ngoài trong bối cảnh tăng trưởng thế giới giảm.

Một điểm đáng lưu ý khác là tuy mức tiêu dùng ở nước ta giảm nhưng tăng tiêu dùng thực tính theo lạm phát vẫn tăng, trong đó có những mặt hàng dù khó khăn hay không người dân vẫn tiêu dùng.

Thống kê gần đây cho thấy từ đầu năm đến nay du lịch của Việt Nam tăng cao hơn năm ngoái, kể cả du lịch nội địa và nước ngoài. Điều này phản ánh đây là lĩnh vực các DN có thể quan tâm làm ăn. Mặc dù tổng đầu tư công giảm nhưng với những dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng vẫn phải triển khai nên các DN liên quan đến lĩnh vực này vẫn có thể phát triển tốt…

Xuất khẩu hiện nay vẫn còn nhiều tiềm năng, nhất là liên quan đến một số mặt hàng nông sản và những thị trường Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh. Các DN xuất khẩu Việt Nam có thể chớp các cơ hội kinh doanh từ việc cam kết hội nhập trong khu vực, trong đó Việt Nam là thành viên có vị thế ngày càng mạnh mẽ như: việc nâng tầm đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hiệp định BB với Hoa Kỳ, hiệp định thương mại với EU…

Đặc biệt, quá trình phục hồi kinh tế Nhật Bản khá tốt sau cuộc khủng hoảng kép (sóng thần, động đất). Đây là cơ hội cho các DN xuất khẩu Việt Nam đáp ứng các nhu cầu lao động, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng liên quan đến công cuộc tái thiết đất nước này.

Tôi biết một số DN nước ta đang đẩy mạnh tiếp cận mạnh vào thị trường này. Về tương lai, nhu cầu phát triển cơ cấu hạ tầng của Việt Nam và khu vực rất lớn, nước ta vẫn là một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn. Về dài hạn, nhìn ở khía cạnh cầu hay cung vẫn có những cơ hội kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

- Từ những cơ hội này, theo ông các DN nên chuẩn bị “hành trang” gì cho quá trình phát triển dài hạn?

- Trong khó khăn, điều các DN thường làm là cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, quản trị dòng tiền và tăng giá bán sản phẩm. Nhưng, tăng giá chưa chắc thị trường chấp nhận và việc tăng giá cũng nên tùy mặt hàng. Bởi tăng giá làm việc tạo lòng tin DN trong trung, dài hạn ít nhiều bị ảnh hưởng và trong ngắn hạn việc tăng giá dễ tạo vòng xoáy mặc cả giữa các DN với nhau.

Vì vậy, một “mẹo” các DN trên thế giới hay sử dụng là khi chưa cải tiến được chất lượng họ sẽ giữ giá nhưng thu nhỏ sản phẩm lại. Có thể thấy giai đoạn DN tăng trưởng dựa trên dòng vốn dễ dãi đã qua rồi, bây giờ là thời kỳ kể cả DN và đất nước cần phải tăng trưởng dựa trên việc quản trị dòng tiền chặt chẽ.

Vì vậy là không quá sớm để DN cơ cấu lại hoạt động của mình, chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai để tận dụng thời cơ thị trường trong và ngoài nước chuyển biến sang giai đoạn mới.

- Xin cảm ơn ông.

Mai Thảo

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Khỏi chào mua công khai, NĐT chiến lược có thể mua vượt 35% cổ phần DMC (01/08/2011)

>   VKP: Nguyên TGĐ và Kế toán trưởng bị truy tố do trốn thuế (31/07/2011)

>   Thaco: Thành lập công ty trực thuộc  (29/07/2011)

>   KIS Việt Nam khai trương trụ sở mới tại TPHCM (26/07/2011)

>   KLS thoát khỏi diện cảnh báo từ 26/07 (26/07/2011)

>   Vĩnh Hoàn không cung cấp cá tra bị thu hồi tại Anh (23/07/2011)

>   SAP: Cổ phiếu giảm sàn có thể do lợi nhuận sụt giảm (21/07/2011)

>   SAV giảm sàn 5 phiên do diễn biến thị trường (20/07/2011)

>   VIC bị “tuýt còi“ vì không công bố khoản vay 40 triệu USD (20/07/2011)

>   Không lưu giữ chứng từ giao dịch, KVS bị phạt 40 triệu đồng (19/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật