Trái phiếu đối mặt thiếu thanh khoản
Sự im ắng của thị trường trái phiếu trong bối cảnh các NHTM dư thừa thanh khoản tiền đồng được cho có nguyên nhân chủ chốt từ yếu tố thiếu hấp dẫn của lãi suất huy động.
Diễn biến trầm lắng của thị trường trái phiếu cũng có thể phản ánh trạng thái nghe ngóng tín hiệu lạm phát của các nhà đầu tư.
Trái ngược với dòng vốn ngoại tệ, thanh khoản tiền đồng của các NHTM đang thể hiện rõ rệt trạng thái dư thừa qua các diễn biến của lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.
Kết thúc tuần đầu tiên của tháng 8, lãi suất giao dịch bình quân của kỳ hạn qua đêm vốn có doanh số chiếm chủ yếu trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục chứng kiến mức giảm tới 1,56%, trong khi nhiều kỳ hạn khác cũng giảm tới 0,1-0,42% và thậm chí là 3,58% (kỳ hạn 6 tháng) so với tuần trước đó. Sang đến tuần thứ hai, lãi suất liên ngân hàng chỉ ở mức 10-10,5% đối với kỳ hạn qua đêm và chốt ngày 12.8 ở mức bình quân 10,61%/năm trong khi các kỳ hạn từ 1 tuần đến 12 tháng cũng có mức bình quân chỉ 12,61-12,65%/năm.
Cùng với sự sụt giảm của lãi suất liên ngân hàng, số lượng các ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia đấu thầu trên thị trường mở cũng sụt giảm mạnh, còn khoảng 5-6 ngân hàng mỗi phiên trong tuần thứ hai của tháng 8. Hơn nữa đến cuối tuần qua, NHNN có tuần thứ ba liên tiếp duy trì mỗi ngày một phiên với số tiền cố định bơm ra là 1.000 tỉ đồng và lượng tiền hút ròng bằng 0.
Các diễn biến trên hai kênh vốn quan trọng này phản ánh điều kiện thanh khoản ngày càng tốt lên của các NHTM trong bối cảnh đầu ra tín dụng bị siết chặt bởi câu chuyện lãi suất và hạn mức tăng trưởng tín dụng dưới 20%.
Thông thường đây sẽ là yếu tố thúc đẩy các NHTM chuyển sang các kênh đầu tư chắc chắn và dài hạn như trái phiếu, như giai đoạn bùng nổ mua vào trái phiếu trong các tháng 5-6 đến đầu tháng 7. Song theo đánh giá của ThS Lưu Hải Yến trong báo cáo tuần đến 16.8 của CTCK Thăng Long (TLS), trái ngược với tình trạng thanh khoản tiền đồng đang dư thừa, thị trường trái phiếu vẫn im ăng do chưa có thông tin hỗ trợ mới về chính sách tiền tệ cũng như tình hình lạm phát.
Cụ thể trong tuần qua, KBNN chỉ phát hành được 500 tỉ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP) ở các mức lãi suất 12,4% đối với kỳ hạn 3 năm và 12,5% đối với kỳ hạn 5 năm so với khối lượng gọi thầu ban đầu là 2.000 tỉ đồng. Số các thành viên tham gia đấu thầu trong phiên này cũng chỉ dừng lại ở 5 thành viên cho kỳ hạn 3 năm và 6 thành viên cho kỳ hạn 5 năm.
Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội một lần nữa lại không phát hành được một lượng trái phiều nào. Dĩ nhiên, tỉ lệ trúng thầu trên vẫn là khả quan so với số lượng trái phiếu trúng thầu thấp kỷ lục từ đầu tháng 5 đến nay ở tuần đầu tiên của tháng 8, khi chỉ phát hành được 150 tỉ đồng so với tổng giá trị chào thầu 2.000 tỉ đồng - tương đương tỉ lệ 7,5%. Song nếu so với giai đoạn bùng nổ đầu tư trái phiếu trong các tháng 6 đến giữa tháng 7, khi các NHTM mua đến 3/4 khối lượng TPCP dự kiến phát hành, thị trường trái phiếu đang rơi vào giai đoạn trầm lắng kéo dài suốt một tháng qua.
Lợi suất trái phiếu và những dự báo về lạm phát được cho là căn nguyên dẫn đến tình trạng ảm đạm trên đây. Thậm chí trong báo cáo mới đây nhất đến ngày 16.8, chuyên gia của TLS còn đưa dự báo: “Thị trường trái phiếu sẽ vẫn thiếu thanh khoản trong tháng 8 khi chưa có tín hiệu hỗ trợ nào cho thấy lạm phát được đẩy lùi”.
Ở một khía cạnh khác, lợi suất kém hấp dẫn so với các số liệu báo cáo đến thời điểm hiện nay về lạm phát tính theo năm được cho là gốc rễ khiến các NHTM thận trọng hơn trong việc đầu tư vào TPCP. So với con số lạm phát tính theo năm hiện lên đến 22%, lãi suất trúng thầu cho các kỳ hạn 3-5 năm hiện chỉ dừng ở mức 12,4-12,5% được cho khiến yếu tố hấp dẫn của kênh đầu tư vào trái phiếu giảm đi đáng kể; trong lúc sự kỳ vọng vào một mặt bằng cao hơn của lãi suất TPCP vẫn được thể hiện rõ rệt qua lãi suất đăng ký trong các phiên đấu thầu của nhà đầu tư.
Trong tuần qua, một số thành viên tham gia đấu thầu kỳ vọng khi đăng ký mức lãi suất 12,8%/năm cho TPCP kỳ hạn 3 năm và 13%/năm cho kỳ hạn 5 năm.
Đã phát hành trên 42.000 tỉ đồng TPCP
Theo báo cáo của Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), tính đến 4.7.2011, khoảng 42.000 tỉ đồng thông qua phát hành TPCP đã được huy động tương đương 42,2% kế hoạch huy động năm 2011.
C.V ghi |
Văn Nguyễn
lao động
|