Trái phiếu chính phủ: Vì sao hấp lực giảm dần?
Trong một cuộc hội thảo gần đây, một lãnh đạo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: Một số NHTM lớn dồn tiền mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) là do đang thừa vốn. Và đây là một "bất hợp lý lớn" khi lãi suất huy động và cho vay của các NHTM trên thị trường vẫn đang đứng ở mức cao. Vậy vấn đề thực chất đằng sau động thái mua TPCP của các NHTM là gì?
4 lý do mua trái phiếu chính phủ
Từ đầu năm đến nay, do thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11 nhằm kiềm chế lạm phát, thanh khoản của hệ thống NHTM gặp nhiều khó khăn nên kết quả huy động TPCP cũng hạn chế. Đặc biệt, trong tháng 3 và tháng 4/2011, khối lượng phát hành TPCP chỉ đạt khoảng 300-400 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7/2011, tình hình huy động vốn thông qua phát hành TPCP đã khả quan hơn rất nhiều với sự tham gia tích cực của các NHTM. Và trong khoảng thời gian này, các NHTM đã mua hết 3/4 khối lượng TPCP dự kiến phát hành. Trước diễn biến này, một lãnh đạo của Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) lý giải: Thứ nhất, trong vài tháng gần đây có khoảng 27.000 tỷ đồng tiền lãi, gốc trái phiếu đã được thanh toán và các NHTM đã sử dụng khoản tiền này để tái đầu tư vào TPCP. Thứ hai, theo quy định của NHNN, các NHTM phải đảm bảo đến 30/6/2011, tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ ở mức tối đa là 22%. Vì thế các NHTM đã cân đối các nguồn vốn của mình để tham gia đầu tư vào thị trường TPCP. Thứ ba, đầu tư vào TPCP sẽ đảm bảo hỗ trợ thanh khoản của NHTM trong giai đoạn khó khăn vì TPCP có thể được dùng làm tài sản thế chấp để được tái cấp vốn và tham gia giao dịch trên thị trường mở của NHNN. Thứ tư, theo quy định tại Thông tư số 13/2010/TT-NHNN, tỷ lệ chi trả ngày hôm sau của các TCTD được xác định giữa tỷ lệ tài sản " Có" thanh toán ngay và tổng nợ phải trả phải đảm bảo tối thiểu 15%. Trong khi đó, TPCP được ghi nhận 100% giá trị sổ sách khi xác định tài sản có và được coi là tài sản có độ thanh khoản tương đương tiền mặt. Do vậy, so với việc đầu tư vào các giấy tờ có giá khác hoặc nắm giữ tiền mặt, đầu tư vào TPCP không chỉ hỗ trợ các TCTD vừa đảm bảo tuân thủ tỷ lệ chi trả vừa có khả năng sinh lời (với lãi suất trên 12%/năm). Đó là chưa kể trong bối cảnh Chính phủ ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thì việc đầu tư vào TPCP tại thời điểm hiện tại hứa hẹn khả năng sinh lời tốt (do lãi suất trong thời gian tới sẽ giảm và khi đó giá TPCP sẽ tăng).
Và bài toán lãi suất
Với phân tích trên, trong một văn bản trả lời phỏng vấn của phóng viên Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo của Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho rằng: "Việc nhận định các NHTM đang thừa vốn trong khi lãi suất cho vay cao cần phải được xem xét lại trên tổng thể. Các NHTM tham gia mua TPCP không đồng nghĩa với việc NHTM thừa vốn, không cho vay được nên đầu tư vào TPCP".
Theo thông lệ ở nhiều nước trên thế giới, các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, các NHTM là những nhà đầu tư cơ bản trên thị trường trái phiếu. Và đầu tư trái phiếu cũng là một trong các hoạt động kinh doanh của NHTM. Đối với Việt Nam, do thị trường tài chính còn đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, số lượng, quy mô, loại hình các tổ chức đầu tư chưa đa dạng nên NHTM vẫn là nhà đầu tư chủ chốt trên thị trường trái phiếu. Trong bối cảnh đó, đương nhiên, việc huy động vốn cho ngân sách Nhà nước thông qua phát hành TPCP phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của các NHTM. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến hết ngày 30/6/2011, lũy kế huy động TPCP đạt 42.000 tỷ đồng, trong đó các NHTM đã mua khoảng 32.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong những phiên đấu thầu TPCP diễn ra từ cuối tháng 7/2011 đến nay tỷ lệ trúng thầu TPCP so với tỷ lệ gọi thầu rất thấp. Tại phiên đấu thầu TPCP ngày 28/7, tỷ lệ trúng thầu là 22,5% nhưng đến phiên đấu thầu ngày 4/8 thì tỷ lệ này chỉ còn 7,5%.
Vì sao các NHTM lại nhanh chóng "quay lưng" với TPCP như vậy? Ông Trịnh Hoàng Giang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam đưa ra lý do: Đó là tháng 7 không phải là thời điểm có khối lượng trái phiếu lớn đến kỳ đáo hạn như tháng 5 và tháng 6. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây nhưng lãi suất trần trong các đợt đấu thầu vừa qua không tăng tương ứng. Còn theo Phó tổng giám đốc một NHTMCP, lạm phát tính theo năm tại thời điểm hiện nay đã lên tới trên 22% trong khi lãi suất huy động TPCP vẫn tiếp tục được khống chế ở mức khoảng 12,5% thì sức hấp dẫn của TPCP bị giảm đi là tất yếu. Ông Giang cho rằng: Tình hình lạm phát chưa được cải thiện rõ rệt đang khiến các nhà đầu tư TPCP trở nên thận trọng hơn. Và theo ông, trần lãi suất trong các đợt đấu thầu TPCP tới đây sẽ phải được nâng lên nếu Bộ Tài chính muốn lấy lại sự "hấp dẫn" cho TPCP.
Linh Linh
Thời báo ngân hàng
|