Thị trường cà phê đầu tuần: "Họa vô đơn chí"
Sau một tuần thị trường cà phê chịu sức ép giảm giá từ tứ phía, hôm nay ngày đầu tuần giao dịch trên thị trường thế giới (thị trường kỳ hạn Liffe giao dịch vào tối và khuya hôm qua theo giờ Việt Nam), vẫn chưa hết họa.
|
Giá cà phê nội địa và cà phê thế giới tiếp tục giảm sâu |
Nhiều tin bất lợi đến dồn dập, không chỉ cho thị trường cà phê, mà cho hầu hết các thị trường tài chính gồm hàng hóa và chứng khoán. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ bị S&P hạ mức xếp hạng tín dụng dài hạn từ mức AAA xuống AA+, làm thị trường nghi ngờ khả năng cứu vãn nền kinh tế thế giới và chính của bản thân nước Mỹ của Mỹ.
Chưa hết, các nhà lãnh đạo tài chính nhóm các nước công nghiệp lớn G7 cuối tuần bận rộn thêm với chuyện Italia và Tây Ban Nha. Hai nước lớn thứ 3 và 4 của châu Âu cũng đang bên bờ vực vỡ nợ. Các vị lãnh đạo G7 phải đồng lên tiếng cam kết sẽ ra tay khi Italia và Tây ban Nha “có vấn đề”.
Thế là giới đầu tư, đầu cơ tham gia các thị trường chứng khoán và hàng hóa đua nhau bán tháo, giá nhiều nơi sụp đổ. Nghe rằng, tính đến ngày 2/8/2011, các quỹ đầu cơ đã rút tiền chừng 2,6 tỉ đô la Mỹ từ các nơi về để đổ vào thị trường vàng làm nơi trú ẩn an toàn tạm thời cho vốn liếng của họ.
Giá vàng đến hôm nay trên các thị trường kỳ hạn tăng mạnh lên mức kỷ lục trong lịch sử ngành hàng này, gần chạm mức 1.750 đô la Mỹ/ounce. Thị trường tài chính vốn là một bình thông nhau nên khi lượng tiền bị đầy qua thị trường vàng, các thị trường khác đương nhiên bị rút khô.
Hệ quả, cà phê và nhiều thị trường kỳ hạn (TTKH) hàng hóa khác trở thành con vật tế thần, đầu cơ bán tháo thoát thân, đưa tiền vào TTKH vàng kiếm chỗ an toàn.
Giá cà phê trên các TTKH arabica Ice New York và robusta Liffe lại có một phiên giao động khá mạnh. Giá đóng cửa cơ sở tháng 9/2011 khuya hôm qua 8/8, tức rạng sáng 9/8/2011 giờ Việt Nam robusta Liffe âm 12 đô la còn 2.050 đô la/tấn và arabica Ice giảm 3,8 cts/lb hay 84 đô la/tấn chốt mức 234,2 cts/lb sau khi giao động mạnh trong phiên giao dịch.
Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu robusta số một thế giới. Đến nay, sau 10 tháng của niên vụ 2010/11, ước tính Việt Nam xuất khẩu xuống tàu chừng 950.000 tấn, tức bình quân mỗi tháng 95.000 tấn và xuấn bán vào các kho ngoại quan của khách mua nước ngoài chừng 150.000 tấn. |
Chịu ảnh hưởng giá TTKH, giá cà phê nhân xô nội địa sáng nay tại các tỉnh Tây Nguyên mất 200 đồng so với giá cuối tuần, chỉ còn vỏn vẹn 45.000 đồng/kg.
Song, mức này vẫn còn cao hơn giá đóng cửa Liffe chừng 140 đô la/tấn. Trong điều kiện giá cà phê bốn bề đi xuống như thế này, thị trường nội địa khó mà sôi động: người mua ngán mua và người bán chẳng muốn bán.
Nhiều nguồn tin trích lời ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) nói rằng Việt Nam dự định thực hiện tạm trữ 300.000 tấn cà phê ngay từ đầu tháng 10/2011 của niên vụ 2011/12. Song, ông chưa cho biết ở mức giá nào thì VICOFA đề nghị các cấp thẩm quyền bật đèn xanh cho phép thực hiện.
Dù sao, đây cũng là một dấu hiệu tốt không chỉ cho thị trường cà phê Việt Nam mà cả thế giới vì ở những thời điểm đầu vụ, ảnh hưởng của cà phê Việt Nam trên các thị trường từ kỳ hạn đến giao sau là rất rõ, và đặc biệt tại các niên vụ có dự báo được mùa.
Nguyễn Quang Bình
tbktsg
|