Mặt bằng giá lúa bị đẩy lên quá cao?
Vấn đề nóng nhất hiện nay đối với các nhà xuất khẩu gạo là giá nguyên liệu tăng cao. Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 vụ hè thu đã đi được gần hai phần ba quãng đường nhưng giá không hề giảm.
Thậm chí ngay cả khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tuyên bố ngưng mua tạm trữ, giá lúa vẫn không hạ nhiệt mà còn tiếp tục nóng. Các kỳ vọng về giá gạo Thái Lan sẽ đi lên trong tương lai và nhu cầu cho các đơn hàng mới, đặc biệt là hợp đồng cho Indonesia đang thúc đẩy lượng mua vào tăng lên. Thời điểm này lúa thu hoạch đến đâu hết hàng đến đó. Ký được hợp đồng xuất khẩu đã khó, gom được nguyên liệu còn khó hơn.
Giá lúa và giá gạo nguyên liệu đã không đi theo quy luật sụt giảm mạnh ở thời điểm vào vụ thu hoạch như mọi năm. Trong khoảng thời gian hai vụ đông xuân 2010-2011 và hè thu 2011, giá lúa chỉ có những khoảng trồi sụt nhẹ, còn lại là xu hướng tăng và giữ ở mức cao. Nếu so sánh với vụ hè thu cùng kỳ năm 2010, giá lúa vụ hè thu 2011 hiện đang cao hơn 50%.
Còn so với giá lúa vụ đông xuân 2010-2011 thì giá lúa vụ hè thu 2011 cao hơn 20% ở thời điểm chính vụ đông xuân, và gần tương đương ở những thời điểm giá đỉnh của vụ đông xuân 2010-2011 dù chất lượng gạo vụ hè thu không thể so sánh được so với chất lượng gạo vụ đông xuân. Mức giá lúa hiện nay đang đẩy giá gạo xô lên 8.500-8.600 đồng/ki lô gam và đẩy mức chào giá gạo xuất khẩu 5% lên mức 530-540 đô la Mỹ/tấn. Các thương nhân cho biết các nhà nhập khẩu chưa chấp nhận mức giá này mà chỉ chấp nhận mức giá cao nhất là 510 đô la Mỹ/tấn.
|
Nhìn vào chuỗi giá lúa theo tuần từ năm 2010 đến nay có thể thấy xu hướng giá đi lên. Dường như vào thời điểm đầu năm 2011, một mặt bằng giá lúa trên 5.000 đồng/ki lô gam đã được thiết lập! Mặt bằng giá cao chỉ được thiết lập khi: 1. giá gạo xuất khẩu được đẩy lên cao, tác động từ thị trường thế giới; 2. các chi phí đầu vào tăng làm cho giá thành sản xuất lúa bị đội lên. Trong khi đó, nhìn vào chi phí đầu vào, đặc biệt là giá phân bón, đã tăng rất mạnh trong hơn một năm qua. Nếu quy về một mặt bằng so sánh giá phân bón urê và lúa bằng cách lấy giá lúa và phân bón tại thời điểm đầu năm 2010 bằng 100% thì đến thời điểm này giá lúa tăng 12%, còn giá phân urê tăng tới 60%.
Từ việc giá lúa đang tăng cao có thể đưa ra mấy nhận định như sau:
- Mặt bằng giá lúa cao như hiện nay đã được thiết lập vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011. Giá nguyên liệu hiện nay đúng là quá cao so với mặt bằng giá xuất khẩu trong hiện tại. Nó có thể sẽ không còn cao trong mặt bằng chung tương lai nếu các nhà nhập khẩu chấp nhận mức giá xuất khẩu Việt Nam cao hơn và giá xuất khẩu tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm nếu Chính phủ Thái Lan áp dụng chính sách thu mua lúa giá cao, đẩy giá gạo Thái Lan tăng vọt. Song, một sự sụt giảm giá mạnh và quay trở lại mức đáy như năm 2010 sẽ khó xảy ra trừ khi xuất khẩu rơi vào trạng thái bế tắc.
- Đến thời điểm này, thị trường xuất khẩu không phải không xuất được gạo mà là với mức giá nào. Mức giá do nhu cầu bên ngoài nhưng cũng do chính doanh nghiệp Việt Nam chào bán. Doanh nghiệp tính mức giá xuất khẩu sẽ cần phải cân nhắc mặt bằng giá nguyên liệu đã được đẩy lên chứ không còn trồi sụt và giảm thấp như trước đây khi vào chính vụ.
- Nếu các doanh nghiệp chỉ nhắm đến ký hợp đồng xuất khẩu nhiều, hàng trong kho ít và kỳ vọng giá giảm vào vụ mùa sẽ gặp rủi ro thua lỗ. Khi rất nhiều doanh nghiệp chỉ nhắm đến ký hợp đồng thì giá xuất khẩu Việt Nam sẽ giảm xuống, càng làm cho thế mặc cả của doanh nghiệp nước ngoài mạnh lên và càng đẩy giá nguyên liệu lên cao quá mức cần thiết khi phải gom hàng gấp phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu. Các thời điểm đầu vụ đông xuân và đầu vụ hè thu đã có rất nhiều hợp đồng giá rẻ được ký và rủi ro không lường được khi đối mặt với giá nguyên liệu dâng cao.
Phạm Quang Diệu
tbktsg
|