Thứ Sáu, 12/08/2011 18:56

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành nhựa

Ngày 12/8, tại TP HCM, hơn 100 doanh nghiệp ngành nhựa đã tham dự hội thảo “Cùng ngành nhựa: Tận dụng cơ hội để bứt phá” do Hiệp hội nhựa Việt Nam tổ chức, nhằm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trên cơ sở nắm bắt cơ hội kinh doanh trong thời điểm kinh tế khó khăn, tận dụng tiềm lực vốn… để phát triển bền vững.

Đối mặt với nhiều thách thức

Ông Hồ Đức Lam, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) cho biết: Ngành nhựa là ngành có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 2.000 doanh nghiệp, sử dụng 118.925 lao động. Tuy nhiên, chỉ có 1.064 doanh nghiệp trong ngành có vốn từ 0,5 tỉ đồng trở lên, còn lại hầu hết là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh doanh theo kiểu hộ gia đình, thiếu vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu… Các doanh nghiệp trong ngành nhựa thiếu sự liên kết hoặc chuyên môn hóa trong sản xuất dẫn đến đầu tư nhiều mặt hàng nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Trong tình hình lãi suất ngân hàng cao (các doanh nghiệp lớn thường vay với mức lãi suất 19 – 19,5%, các doanh nghiệp nhỏ vay với mức lãi suất từ 20 – 22%). Với mức lãi suất này doanh nghiệp phải bán sản phẩm lãi trên 30% mới có thể thu được lợi nhuận. Đây là vấn đề khó khăn, ảnh hưởng lớn đến lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp. Nếu không có chính sách hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp rất dễ bị đào thải.

Hiện nay, ngành nhựa bị mất cân đối nghiêm trọng trong xuất nhập khẩu, giá trị nhập khẩu là 4 tỉ USD, nhưng xuất khẩu chỉ 1,5 tỉ USD. Việc giá trị nhập khẩu cao do nguyên liệu và phụ gia dùng trong ngành nhựa ở nước ta hầu hết phải nhập khẩu chiếm từ 80 – 85%. Do đó, không chủ động được nguồn nguyên liệu. Trong năm 2010, các doanh nghiệp ngành nhựa phải gồng mình gánh nhiều đợt tăng giá nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thậm chí chấp nhận lỗ để cạnh tranh về giá cả.

Bên cạnh đó, ngành nhựa cũng đối mặt với việc thiếu nguồn lao động được đào tạo chuyên sâu. Ở nước ta chưa có một trường nào đào tạo lao động chuyên ngành nhựa. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu lao động có tay nghề, kỹ thuật, tạo ra một thị trường lao động cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp giành giật lao động lẫn nhau…

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành nhựa của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Đức, Mỹ, Nhật… nhưng hiện nay xuất khẩu sang Mỹ giảm đáng kể. Từ tháng 8/2009, Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm túi nhựa, túi xốp Việt Nam với mức thuế lên đến 76,11%, với mức thuế này dường như chúng ta không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ, việc này kéo dài từ năm 2009 và tác động cho đến nay.

Tận dụng lợi thế – vượt qua khó khăn

Ông Nguyễn Như Khuê -Tổng Giám đốc Công ty TNHH RKW LOTUS nhận định: Bên cạnh những khó khăn về nguồn nguyên liệu và nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô khác dẫn đến khả năng cạnh tranh của ngành nhựa Việt Nam còn hạn chế so với nhiều nước. Tuy nhiên, chúng ta có một lợi thế lớn là thương hiệu Việt Nam đã tạo được uy tín trên thị trường thế giới. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong “làm ăn” ở thị trường châu Âu. Đối với thị trường này, giá cả không phải là vấn đề quyết định nhất mà vấn đề quan trọng hàng đầu là uy tín (giao hàng đúng hẹn, đúng thỏa thuận), chất lượng (chất lượng sản phẩm và dịch vụ). Do đó, bên cạnh các biện pháp tiết kiệm, tinh gọn bộ máy sản xuất, cần chú ý tận dụng nguồn lợi thế của mình để phát triển xuất khẩu.

Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp nên thực hiện kêu gọi góp vốn chuyển thành công ty cổ phần, bán một số tài sản để huy động vốn, tránh vay tín dụng với lãi suất cao hơn lợi nhuận. Duy trì quan hệ kinh doanh với các khách hàng truyền thống, chuẩn  bị phương án cho tương lai, chú ý các thị trường tiềm năng như Campuchia, Myanma. Tình hình khó khăn cũng là cơ hội để cải cách, tái cơ cấu lại doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và vận dụng cơ hội mới. Nhất định không bỏ cuộc, nên thực hiện “đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc, thắng chắc” trong khi vẫn duy trì theo đuổi chiến lược lâu dài. Điều chỉnh sản phẩm, thị trường phụ hợp với điều kiện mới, tiết kiệm chi phí sản xuất bằng các hình thức liên kết, liên doanh để tận dụng trang thiết bị máy móc, kho bãi…

Mặc dù, còn có nhiều hạn chế trong hoạt động nhưng ngành nhựa Việt Nam vẫn từng bước khẳng định vị trí của mình trong nền kinh tế. Sản phẩm nhựa Việt Nam không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa mà từng bước xuất khẩu và chiếm được thị trường ở nhiều nước. Với chiến lược phù hợp, các doanh nghiệp ngành nhựa sẽ vượt qua được thời điểm kinh tế khó khăn, phát triển bền vững và trở thành một trong những ngành kinh tế mạnh của đất nước.

Mai Phương

PetroTimes

Các tin tức khác

>   10 loại hàng hóa “nóng” nhất năm nay (09/08/2011)

>   Quỹ đầu tư lạc quan hơn về thị trường hàng hóa (01/08/2011)

>   175.530 tỷ đồng vốn đầu tư cho ngành nhựa đến năm 2020 (17/07/2011)

>   UBS: Giá hàng hóa có xu hướng giảm đến 20% (29/06/2011)

>   Hàng hóa: Quỹ đầu tư bớt lạc quan do nỗi lo tăng trưởng toàn cầu (20/06/2011)

>   Giá phân bón thế giới sẽ vẫn ở mức cao (16/06/2011)

>   Nguyên nhân làm tăng giá hàng hóa trên toàn cầu (07/06/2011)

>   BIS: Nhà đầu tư dự báo một số hàng hóa tiếp tục sụt giá mạnh (06/06/2011)

>   Trung Quốc sẽ thành thị trường hóa chất lớn nhất (19/05/2011)

>   Cơ hội đầu tư hàng hóa vẫn lớn (16/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật