Thứ Tư, 24/08/2011 23:27

Sữa, gas đang bị “neo” giá

Một số mặt hàng thiết yếu như sữa, gas trên thị trường thế giới đang giảm mạnh nhưng giá trong nước vẫn cao chót vót.

Từ tháng 5 đến nay, giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới liên tục giảm dần và gần đây đã giảm mạnh hơn. Thế nhưng, sau nhiều đợt tăng giá bán lẻ từ hồi đầu năm, các hãng sữa hiện vẫn chưa có động thái gì để giảm giá bán trong nước. Giá gas cũng đang trong tình trạng tương tự.

Nguyên liệu giảm 30% vẫn… làm ngơ

Giá sữa nguyên liệu thế giới trong tháng 8 tiếp tục giảm sâu so với tháng trước. Loại sữa bột gầy (ít béo) hiện còn 3.350 USD/tấn (giảm 100 USD so với tháng 7); sữa bột nguyên kem (sữa bột béo) 3.700 USD/tấn (giảm 200 USD/tấn). Nếu so với đầu năm, mức giá sữa nguyên liệu trên thế giới đã giảm khoảng 30% (thời điểm tháng 2-2011, giá sữa nguyên liệu từ 4.500 - 4.958 USD/tấn)…

Trong khi đó, tại Việt Nam, những tháng đầu năm, các hãng sữa đã đua nhau tăng giá nhiều đợt với mức tăng tổng cộng khoảng 25%. Nay giá sữa nguyên liệu giảm mạnh thì các hãng sữa trong nước vẫn “án binh bất động”. Các đơn vị sản xuất, phân phối sữa trong nước đều cho rằng thời điểm này chưa thể giảm giá ngay mà còn phải chờ giá thế giới ổn định ở mức thấp mới tính tiếp. Một số hãng sữa còn đưa ra lý do hiện mới có giá nguyên liệu giảm, trong khi các chi phí khác vẫn còn cao… Thế nhưng trước đó, mỗi khi giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới tăng là họ “hè nhau” đẩy giá bán sản phẩm tăng theo…

Viện đủ lý do

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc đối ngoại Công ty Nutifood, giải thích: Tuy giá sữa nguyên liệu thế giới hiện đã giảm 10%- 15% nhưng chúng tôi vẫn còn phải tiếp tục theo dõi bởi thông thường, từ tháng 7 đến tháng 9, sức tiêu thụ trên thế giới thấp nên kéo giá giảm. Nhưng từ tháng 10 kéo dài đến cuối năm, giá nguyên liệu sữa thường tăng trở lại. Sắp tới, nếu giá sữa nguyên liệu giảm thêm mới có thể giảm giá bán trong nước được.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc đối ngoại Công ty FrieslandCampina Việt Nam (kinh doanh các loại sữa Dutch Lady, Friso, Yomost), cũng cho rằng tuy giá nguyên liệu sữa giảm nhưng so với các chi phí khác vẫn chưa thấm vào đâu. Chẳng hạn, trong năm qua, tỉ giá tăng 13%, giá các loại bao bì tăng 10% - 30%, lương công nhân sản xuất trực tiếp tăng 11%, lao động gián tiếp tăng 18%... Còn ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hanco, viện lý do chi phí nguyên liệu sữa chỉ chiếm 60% giá thành nên chưa thể điều chỉnh giá bán trong nước giảm ngay được…

Nhiều hãng sữa còn cho rằng nếu bây giờ giảm giá thì một - hai tháng nữa có thể phải tăng giá trở lại sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đăng ký giá với cơ quan quản lý Nhà nước.

Đặt vấn đề về công tác kiểm soát giá mặt hàng sữa, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết sở chỉ quản lý về nguồn hàng, lượng hàng, còn quản lý giá cả là do cơ quan tài chính.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá Sở Tài chính TPHCM, cho biết đến thời điểm này vẫn chưa thấy có doanh nghiệp nào đăng ký điều chỉnh giảm giá mặt hàng sữa theo hướng giảm của giá sữa nguyên liệu thế giới. Hiện sở vẫn đang theo dõi tình hình giá cả thế giới cũng như trong nước báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý, giải quyết khi cần thiết vì hiện nay chỉ những doanh nghiệp sữa có quy mô nhỏ và vừa mới đăng ký giá với sở, còn những hãng lớn thường đăng ký giá với Bộ Tài chính.

“Ăn” cả trăm ngàn đồng/bình gas

Đầu tháng 8 vừa qua, các công ty gas đua nhau tăng giá bán lẻ trong nước thêm 8.000 - 10.000 đồng/bình 12 kg với lý do giá thế giới tăng 25 USD/tấn. Tuy nhiên sau đó vài ngày, giá gas thế giới giảm mạnh đến 60 USD/tấn. Do giá thế giới giảm mạnh nên nhiều công ty kinh doanh gas đã tăng chiết khấu hoặc giảm giá trực tiếp cho đại lý thêm từ 10.000 - 15.000 đồng/bình 12 kg nhưng vẫn không giảm giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

Được biết, với giá gas thế giới hiện đang chào bán khoảng 800 USD/tấn, cộng với phí premium (cước tàu, bảo hiểm, chi phí lợi nhuận…) khoảng 70 USD/tấn, thuế nhập khẩu 3%, thuế GTGT 10%... thì giá thành khoảng 22.000 đồng/kg gas (tính theo tỉ giá 20.800 đồng/USD). Với giá gas bán lẻ hiện nay từ 30.000 - 33.000 đồng/kg (khoảng 360.000 đồng đến 396.000 đồng/bình 12 kg, tùy hãng), tức mỗi bình gas 12 kg có mức chênh lệch 96.000 - 130.000 đồng/bình. Phần này rơi vào tay các hãng gas và hệ thống đại lý.

Một số người am hiểu thị trường gas cho biết sở dĩ các công ty kinh doanh gas giảm giá cho đại lý là để tiêu thụ được hàng do các đại lý thấy giá gas đang trong xu hướng giảm  nên không vội lấy hàng. Hỗ trợ giá cho đại lý sẽ kích thích họ lấy nhiều hàng, giải quyết được hàng tồn kho, tránh được tình trạng hàng dồn vào tháng sau hãng gas sẽ “gánh nợ”.

NGUYỄN HẢI

Người lao động

Các tin tức khác

>   Mất cơ hội giảm giá xăng dầu (22/08/2011)

>   TKV kiến nghị lấy ngân sách làm đường chở bauxite (22/08/2011)

>   Việt Nam - Boliavia thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khí đốt (21/08/2011)

>   Vietsovpetro đảm bảo khai thác 7 triệu tấn dầu thô (21/08/2011)

>   Quảng Ngãi và PVN hợp tác phát triển xăng sinh học (19/08/2011)

>   Thế giới đang phát triển chi phối thị trường dầu mỏ (19/08/2011)

>   Giá xăng, dầu thế giới đua nhau “bốc hơi” mạnh (19/08/2011)

>   Cơ chế giá xăng thiệt thòi cho người tiêu dùng (17/08/2011)

>   Hàn Quốc thỏa thuận mua khí đốt với Shell và Total (17/08/2011)

>   Vietsovpetro hoàn thành chế tạo hai giàn khai khác dầu khí (13/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật