Thứ Hai, 22/08/2011 06:38

Mất cơ hội giảm giá xăng dầu

Nhiều chuyên gia cho rằng với quy định tính giá cơ sở dựa trên giá nhập khẩu bình quân 30 ngày là điều lạc hậu so với sự biến động của thị trường hiện nay. Bằng chứng là hai cơ hội giảm giá trong tháng 6 và đầu tháng 8 đã trôi qua.

Cuối tuần qua, giá dầu thô lại đang giảm nhưng khó tạo ra cơ hội giảm giá xăng dầu với cách tính giá hiện nay.

Do áp dụng cách tính lạc hậu nên người tiêu dùng đã mất cơ hội hưởng giá xăng dầu giảm trong thời gian qua

30 ngày không thực tế

Công thức tính dựa vào giá nhập khẩu bình quân 30 ngày xem ra không hợp lý, bởi 30 ngày là khoảng thời gian dài nên điều chỉnh trong nước thường không theo kịp thế giới. Chẳng hạn như trong tháng 6 lẽ ra đã có thể giảm giá trong nước nhưng sau một thời gian chần chừ, giá thế giới tăng trở lại, cơ hội của người tiêu dùng bị trôi qua.

Đành rằng cần phải có quy định bắt buộc dự trữ lưu thông nhưng nên uyển chuyển thay vì thụ động như hiện nay. Hơn nữa, gần như việc giám sát và chế tài các doanh nghiệp đầu mối trong công tác dự trữ lưu thông này bị bỏ lơ. Điển hình là trong đợt giá xăng dầu thế giới tăng cao hồi tháng 2, tháng 3, nhưng giá trong nước bị kềm giữ, nhiều đầu mối đã không nhập hàng gây nên hiện tượng khan hiếm khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Bắc.

Vừa rồi chính Bộ Công thương cũng thừa nhận một số đầu mối không tuân thủ hạn ngạch nhập khẩu xăng dầu, nhưng rồi cũng chẳng có biện pháp chế tài nào đưa ra. Lâu nay các đầu mối lớn vẫn kêu rằng một số đơn vị chỉ nhập hàng về bán khi thấy có lợi, còn khi tính toán lỗ thì không nhập.

Như vậy, quy định về dự trữ lưu thông có mang tính hình thức và dẫn đến sự méo mó về giá khi so sánh giữa thế giới và trong nước? Bất hợp lý này không chỉ xảy ra khi giá thế giới giảm mà cả khi giá thế giới tăng, trong nước cũng không điều chỉnh theo kịp, nhiều lần để khoản chênh lệch quá xa nên khi điều chỉnh tăng ở biên độ lớn đã tạo ra cú sốc cho người tiêu dùng, không chỉ gây xáo trộn thị trường mà còn là tiền đề làm lạm phát tăng cao.

Rối rắm cách tính

Câu hỏi đặt ra là so sánh giữa giá cơ sở được tính này với giá bán lẻ có thể kết luận doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lỗ hay chưa? Câu trả lời là chưa. Điều này cũng được một số doanh nghiệp xác nhận với Tuổi Trẻ. Chẳng hạn, ngày 12-8 khi liên bộ Tài chính - Công thương công bố mức chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ hiện tại của mặt hàng xăng A92 là 400 đồng thì có doanh nghiệp tính toán chỉ chênh lệch 100 đồng hoặc hòa vốn.

Công thức tính giá cơ sở này không thể là mẫu số chung cho tất cả doanh nghiệp bởi mỗi nơi có cách điều hành và chi phí quản lý khác nhau. Lãnh đạo Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) cũng như lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) trong lần trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ trước đây đều thừa nhận việc này.

Công thức được Bộ Tài chính đưa ra nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng hiểu giá xăng dầu được hình thành ra sao, nhưng có nhiều dữ liệu khiến người đọc càng băn khoăn. Rất khó hiểu nếu chi phí định mức quy định là 600 đồng, nhưng doanh nghiệp lại chi hoa hồng cho đại lý đến 800 đồng, có lúc đến 1.200 đồng. Lợi nhuận định mức quy định là 300 đồng, vậy có thể hiểu trong bất kỳ tình huống nào doanh nghiệp cũng lãi tối thiểu 300 đồng/lít xăng?

Mà nếu đã quy định cả mức lãi tối thiểu thì mức tối đa nào là hợp lý? Liệu cách tính này có mang tính hình thức không, có bỏ lọt khoản nào không khi mà trước đây các doanh nghiệp kêu lỗ, nhưng sau đó lại có lãi hàng nghìn tỉ đồng? Còn bảo hiểm và chi phí vận chuyển là những thứ doanh nghiệp có quyền đàm phán một cách linh động tùy thời điểm, tùy hợp đồng lớn nhỏ và cũng tùy hình thức mua hàng theo chuyến hay mua kỳ hạn... sao lại cố định?

Nếu hiểu rằng công thức tính giá cơ sở này dùng để tham chiếu mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu thì nó phải sát với thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả tính toán dựa theo công thức do cơ quan quản lý nhà nước đưa ra không trùng khớp với cách tính của doanh nghiệp thì sự tồn tại của nó có ý nghĩa gì?

Người tiêu dùng sẽ không còn thắc mắc vì sao giá thế giới giảm mà trong nước vẫn đứng yên một khi việc điều hành mặt hàng chiến lược này được minh bạch và trước sau như một. Cách điều hành giá xăng dầu hiện nay dù cố gắng chứng minh đã theo cơ chế thị trường nhưng rõ ràng sự can thiệp mang tính hành chính vẫn ảnh hưởng phần lớn hoạt động kinh doanh. Có cách giải thích rằng trong những lúc giá thế giới biến động thì Nhà nước phải can thiệp. Nhưng thử hỏi bao lâu nay thị trường xăng dầu có lúc nào yên tĩnh? Hiểu được giới hạn của từ “biến động” quả thật khó như mò kim đáy bể.

Ở các nước khác, nhà nước cũng can thiệp thị trường nhưng tín hiệu rõ ràng, khi nào bắt đầu và khi nào chấm dứt can thiệp. Vì cơ chế vận hành xăng dầu hiện không rõ ràng nên những lúc có lợi chẳng thấy doanh nghiệp nào chủ động đề xuất giảm giá và đá trái bóng sang cho Nhà nước. Nói là vận hành theo nghị định 84 cũng đúng mà cũng không chính xác.

Các doanh nghiệp đầu mối hiện nay đều là doanh nghiệp nhà nước, dù phải thực thi nhiệm vụ như một cánh tay nối dài của Nhà nước nhưng họ vẫn phải kinh doanh có lãi để tồn tại và phát triển. Một khi việc phân vai này chưa rõ ràng thì sự minh bạch vẫn chỉ là giấc mơ và việc vận hành theo cơ chế thị trường cũng chỉ là nói suông. Và phần thiệt vẫn luôn đổ về phía người tiêu dùng.

Giá xăng A92 nhập khẩu giảm 5,17%

Theo thông tin do Petrolimex công bố, trong nửa đầu tháng 8-2011 giá xăng A92 nhập khẩu tại Singapore - thị trường cung cấp xăng dầu thành phẩm chính cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu VN - đã giảm xuống còn mức trung bình 118,8 USD/thùng, giảm 3,11% so với nửa đầu tháng 7-2011 và giảm khoảng 5,17% so với nửa cuối tháng 7 (theo số liệu do Bộ Tài chính cung cấp). Nguyên nhân giảm giá là do giá dầu thô thế giới giảm mạnh. Trong các phiên giao dịch nửa đầu tháng 8, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 9,93% và dầu thô Brent của Anh giảm 5,78% so với nửa đầu tháng 7.

Mặc dù giá nhập khẩu xăng dầu thành phẩm đã giảm mạnh nhưng vì thực hiện theo các quy định tại nghị định 84 trong kinh doanh xăng dầu nên liên bộ Tài chính - Công thương quyết định chưa giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu lại có thể điều chỉnh chiết khấu cho đại lý hằng tuần theo biến động giá xăng dầu tại Singapore.

B.Hoàn

Lê Nguyên Minh

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   TKV kiến nghị lấy ngân sách làm đường chở bauxite (22/08/2011)

>   Việt Nam - Boliavia thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khí đốt (21/08/2011)

>   Vietsovpetro đảm bảo khai thác 7 triệu tấn dầu thô (21/08/2011)

>   Quảng Ngãi và PVN hợp tác phát triển xăng sinh học (19/08/2011)

>   Thế giới đang phát triển chi phối thị trường dầu mỏ (19/08/2011)

>   Giá xăng, dầu thế giới đua nhau “bốc hơi” mạnh (19/08/2011)

>   Cơ chế giá xăng thiệt thòi cho người tiêu dùng (17/08/2011)

>   Hàn Quốc thỏa thuận mua khí đốt với Shell và Total (17/08/2011)

>   Vietsovpetro hoàn thành chế tạo hai giàn khai khác dầu khí (13/08/2011)

>   Vì sao vàng loạn giá còn xăng dầu lại trơ ì đứng giá cao? (13/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật