Thứ Ba, 09/08/2011 15:28

Mỹ: tụt hạng tín dụng ít tác động đến đầu tư trái phiếu

Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế S&P ngày 5-8 hạ xếp hạng tín dụng AAA duy trì trong gần một thế kỷ qua của Mỹ xuống mức AA+, cảnh báo các nhà đầu tư trái phiếu rằng nguy cơ không thu hồi được số tiền cho vay sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nguy cơ này rất nhỏ vì AA+ vẫn là một trong những mức xếp hạng tốt nhất hiện nay, theo các nhà phân tích.

Các chuyên gia nhận định trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn là khoản đầu tư an toàn nhất hiện nay.

Mức tín dụng trên chỉ áp dụng cho trái phiếu dài hạn từ 2-30 năm. Trong số 9.400 tỉ đô la Mỹ mà chính phủ Mỹ đang nợ có đến 72% là trái phiếu dài hạn.

Tụt hạng tín dụng sẽ khiến nhà phát hành (trong trường hợp này là chính phủ Mỹ) chịu mức chi phí vay mượn cao hơn do nhà đầu tư muốn tăng lãi suất khi mức chấp nhận rủi ro cao hơn. Trái phiếu chính phủ được xem là chỉ báo nền tảng cho tất cả các loại hình lãi suất khác, vì vậy, lãi suất trái phiếu chính phủ tăng cao có thể làm tăng các chi phí vay mượn khác - từ vay thế chấp nhà đến vay mua xe. Điều này cũng đồng nghĩa các chính quyền địa phương và các bang, công ty và người tiêu dùng ở Mỹ phải thêm gánh nặng chi phí khi vay tiền.

Việc S&P hạ xếp hạng tín dụng tác động thế nào đến lãi suất trên thị trường tài chính vẫn còn là dấu chấm hỏi. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy mức tác động sẽ không đáng kể. Trái phiếu chính phủ là trụ cột trong hệ thống tài chính Mỹ và vẫn còn được xem là một trong những lựa chọn đầu tư an toàn nhất thế giới. Khi thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới liên tục giảm sâu trong hai tuần qua thì giá trái phiếu chính phủ tăng vọt vì lực cầu tăng cao, thậm chí dù nhà đầu tư đoán được Mỹ sẽ bị tụt hạng tín dụng.

Lịch sử cũng cho thấy việc tụt hạng tín dụng AAA ở nhiều nước không gây ra tác động đáng kể. Tháng 5-1998, S&P hạ bậc tín dụng của Bỉ, Ý và Tây Ban Nha từ mức AAA xuống AA. Một tuần sau đó, mức lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở các nước này hầu như không thay đổi. Thậm chí, lãi suất trái phiếu còn giảm trong một số trường hợp như vào tháng 3-2009, S&P hạ bậc tín dụng AAA của Ireland thì một tuần sau đó lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này giảm 0,18%.

Nhật cũng từng bị tụt hạng tín dụng hai lần trong thập kỷ qua, hiện ở mức AA và có tỷ lệ nợ chiếm hơn 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhưng vẫn chỉ phải trả mức lãi suất trái phiếu chính phủ thấp.

Giám đốc chiến lược toàn cầu của công ty môi giới BTIG ở New York (Mỹ) Dan Greenhaus nói: “Tôi nghĩ dù có chuyện gì xảy ra, trái phiếu chính phủ vẫn là nơi trú ngụ an toàn”.

Trái phiếu chính phủ Mỹ là khoản đầu tư được ưa chuộng của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Ngân hàng trung ương Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, đang nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá 1.160 tỉ đô la Mỹ.

Hãng xếp hạng tín dụng Fitch cho rằng sức mạnh của đô la Mỹ và tầm cỡ quá lớn của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ là những lý do khiến nhà đầu tư không vội vàng từ bỏ hình thức đầu tư này.

Ông Rick Rieder, Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý đầu tư BlackRock Inc (New York, Mỹ) nhận định: “Dù Mỹ bị tụt hạng tín dụng, thị trường vẫn coi tài sản đầu tư an toàn nhất trong danh mục đầu tư là trái phiếu chính phủ”.

Chuyên gia phân tích tài chính Tim Worstall của tạp chí Forbes cũng tiên đoán thị trường trái phiếu sẽ không phản ứng sau khi Mỹ bị tụt hạng tín dụng. Ông nói: “Động thái đánh tụt hạng tín dụng của Mỹ đơn giản chỉ là xác nhận những gì mà thị trường đã tin tưởng”.

Tuy nhiên, điều mà các nhà kinh tế lo ngại là quyết định hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ được S&P đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn còn u ám sẽ giáng một đòn mạnh vào niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Chánh Tài (Theo AP, Ibtimes. Huffingtonpost)

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Các nước vẫn lạc quan với trái phiếu chính phủ Mỹ (09/08/2011)

>   Chứng khoán châu Á đảo chiều, All Ordinaries bật xanh (09/08/2011)

>   Phiên giảm điểm mạnh thứ 6 trong lịch sử Dow Jones (09/08/2011)

>   Tụt dốc 7.1%, chứng khoán Hàn Quốc ngừng giao dịch 5 phút (08/08/2011)

>   Chứng khoán châu Á tiếp tục rơi sau động thái của S&P (08/08/2011)

>   Vàng lên kỷ lục sát 1,700 USD/oz, chứng khoán và dầu giảm sâu (08/08/2011)

>   10 phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử Dow Jones (07/08/2011)

>   Tuần qua, chứng khoán toàn cầu mất sạch hơn 2.5 ngàn tỷ USD (06/08/2011)

>   Chứng khoán Mỹ khép tuần bằng phiên biến động điên dại (06/08/2011)

>   Chứng khoán Mỹ rơi tự do, Dow Jones “bốc hơi” hơn 500 điểm (05/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật