Miễn thuế đầu tư chứng khoán: Không dễ thống nhất
Đều bày tỏ quan điểm bằng thái độ mạnh mẽ với lý lẽ riêng, các ý kiến thảo luận tại nghị trường sáng 5/8 vẫn chưa thể thống nhất quan điểm về miễn giảm thuế theo đề nghị của Chính phủ, nhất là với nhà đầu tư chứng khoán.
Là người đầu tiên đăng đàn, đại biểu Trần Du Lịch đồng tình với nhiều nội dung trong đề xuất của Chính phủ, dù theo ông thì việc miễn, giảm thuế “mang tính tâm lý nhiều hơn”.
Riêng với đề nghị miễn thuế liên quan đến đầu tư chứng khoán, đại biểu Lịch cho rằng “cần phải ủng hộ” với phân tích, hiện nay thị trường này đã xuống đến đáy và các công ty chứng khoán thì lỗ nghiêm trọng
Hơn nữa với cách làm hiện nay cơ bản tính thuế theo 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng, cứ có giao dịch là phải nộp thuế nên “lỗ vẫn đánh thuế thu nhập thì không ổn tí nào cả”, ông Lịch nói.
Nhấn nút liền sau đó, đại biểu Trương Minh Hoàng nêu quan điểm trái ngược khi cho rằng nhà đầu tư chứng khoán là những người có thu nhập khá cao thì phải cân nhắc cho kỹ khi tham gia “cuộc chơi”. "Không vì lý do để cho thị trường chứng khoán phục hồi cho vui mà giảm thuế", ông này nêu quan điểm một cách đơn giản như vậy.
“Nên chăng chấp nhận sự nằm im của thị trường chứng khoán ở một thời gian nhất định”, ông Hoàng đặt vấn đề thêm.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cùng quan điểm “không cần thiết” miễn thuế liên quan đến đầu tư chứng khoán vì khó khăn hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến những người có thu nhập cao. Và nguyên tắc là có hoạt động chuyển nhượng là phải nộp thuế.
Có lẽ những quan điểm phản đối nói trên mới chỉ nhìn trực diện ở lợi ích của các cá nhân chịu thuế, mà chưa tập trung ở giá trị của chính sách đối với một thị trường có vai trò quan trọng trong tiếp vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ở hướng ngược lại, góp thêm “phiếu thuận” cho đề xuất của Chính phủ, doanh nhân Đặng Hoàng Yến phát biểu, cần hiểu rõ thị trường chứng khoán thực chất là kênh huy động vốn. Hiện nay một vấn đề đang được quan tâm là làm thế nào để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, thì miễn giảm thuế cũng là giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn.
“Thị trường chứng khoán hiện nay tê liệt nên không còn trở thành là kênh huy động vốn nữa” bà Yến nói.
Phát biểu cuối cùng, tân Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh rằng thị trường chứng khoán, là một kênh huy động vốn, dù so với các nước thì thị trường này ở Việt Nam chưa phát triển và quy mô còn nhỏ.
Lý do nữa được ông Ninh nhấn mạnh là hiện nay trái phiếu Chính phủ cũng huy động trên thị trường chứng khoán. Thông qua thị trường chứng khoán thì trái phiếu Chính phủ đã từng bước kéo lãi suất xuống.
"Việc phát triển thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, miễn thuế là để phục hồi sự phát triển và ổn định của thị trường và khuyến khích các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào chứng khoán. Thị trường này có một đặc điểm là đối với cá nhân thì có thể nó là vốn ngắn hạn, anh mua xong có thể anh bán ngay, nhưng trên thị trường nó lại là nguồn vốn dài hạn để cho các doanh nghiệp, Chính phủ huy động vốn thông qua đây", ông Ninh nói.
Đây cũng là nội dung đã được ông Ninh nhấn mạnh ngay từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất miễn giảm thuế của Chính phủ trước thềm kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13.
Cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội không tán thành miễn toàn bộ thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân (không thu thuế 20% trên thu nhập hoặc 0,1% trên tổng giá trị chuyển nhượng) từ 1/8 năm nay đến hết năm 2012 như đề nghị của Chính phủ. Với quan điểm, chuyển nhượng chứng khoán là hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận, hơn nữa lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán có giảm nhưng thuế đánh theo tỉ lệ phần trăm, nên cơ bản vẫn đảm bảo tính công bằng, hợp lý. Do vậy, việc miễn toàn bộ thuế là chưa công bằng với nhiều lĩnh vực khác.
Nghị quyết về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân sẽ được Quốc hội thông qua vào chiều mai, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất.
Nguyên Hà
tbktvn
|