Dòng tiền vẫn luôn chờ chực đổ vào chứng khoán
Dù đã quá nhiều người mệt mỏi với CK, nhưng dòng tiền thì không hề cạn kiệt, vẫn luôn đứng bên ngoài, quan sát những tín hiệu tốt hơn. Nếu thị trường vàng được kiểm soát và các yếu tố vĩ mô lạc quan hơn, thì cơ hội dòng tiền đổ vào CK là hiện hữu.
Cơn sốt vàng bắt đầu gần 2 tháng qua đã đẩy giá vàng lên cao chưa từng có: 49,3 triệu đồng/lượng, cao hơn 1,4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Động lực của cơn sốt này ngoài yếu tố chính là kỷ lục tăng trên thị trường thế giới, còn có sự "quá đà" của giới đầu cơ.
Chính nhu cầu mua quá đà đã tạo nên những cơn sốt giá bất thường, đến mức tại cuộc họp giao ban báo chí sáng 23/08, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã lên tiếng rằng, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng/lượng là không ổn, có hiện tượng đầu cơ, làm giá. Nhưng cơn sốt giá vàng có dịu lại hay không, sẽ không chỉ phụ thuộc vào khả năng ứng phó của NHNN, mà còn phụ thuộc vào lợi nhuận kỳ vọng của giới đầu cơ. Nếu lợi nhuận kỳ vọng còn cao thì cơn sốt vàng sẽ còn tiếp diễn.
Cùng là hàng hóa, nhưng so với chứng khoán, vàng tự thân nó mang giá trị, còn chứng khoán tự thân không có giá trị, mà là sự ghi nhận một giá trị góp vốn. Thời chứng khoán quá nguội lạnh trước đây, dư luận từng kêu gọi Nhà nước phải có biện pháp ứng cứu và thực tế, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thực hiện một phần trách nhiệm bình ổn thị trường. Tuy nhiên, hành động mua vào của SCIC được thực hiện một cách âm thầm, như một sự đặc cách, vì về pháp lý, hoạt động mua này vướng vào một số quy định, nên SCIC đã không công bố bất kỳ thông tin gì về quá trình can thiệp thị trường.
Nay, trước hiện tượng giá vàng tăng cao bất thường, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN sẽ tham gia bình ổn thị trường vàng, sẽ xây dựng cơ chế huy động vàng trong dân thông qua hệ thống đại lý là các tổ chức tín dụng. Theo tính toán của Thống đốc, lượng vàng có thể huy động trong dân ít nhất là 130 tấn, khoảng 10 tỷ USD. Nếu số vàng này được huy động thì không những làm tăng nguồn lực quốc gia, mà còn giúp NHNN đủ sức can thiệp, bình ổn thị trường vàng.
Nhưng vàng thì có thể tích trữ và bình ổn giá, còn chứng khoán thì sao? Ý tưởng lập quỹ bình ổn giá chứng khoán (mua khi quá giảm, bán khi quá tăng) mà nhà đầu tư đưa ra từng được cơ quan quản lý bàn luận nhiều, nhưng đã không thành hiện thực. Một trong những lý do là TTCK mang biểu trưng của nền kinh tế thị trường, mọi biện pháp can thiệp trực tiếp đến giá đều không hợp lý để thực thi.
2 tháng qua, cơn sốt vàng len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống. Với mức tăng 30%, những ai còn nắm vàng hay kịp mua vàng ở mức giá thấp trước đó đang lãi lớn. TTCK cũng đã từng có những giai đoạn sốt như vàng, thậm chí hơn vàng khi giá chứng khoán tăng liên tục, mỗi ngày 5-7%. Chính sự tăng giá quá nóng này đã để lại những hậu quả nặng nề cho nhiều thành viên thị trường khi xu hướng tăng đứt đoạn.
Dù đã quá nhiều người mệt mỏi với chứng khoán, nhưng dòng tiền thì không hề cạn kiệt, vẫn luôn đứng bên ngoài, quan sát những tín hiệu tốt hơn. Nếu thị trường vàng được kiểm soát, nếu các yếu tố vĩ mô (CPI, lãi suất, GDP) lạc quan hơn, thì cơ hội dòng tiền đổ vào chứng khoán là hiện hữu. Nhưng dòng tiền này, nếu đến, cũng sẽ chỉ là dòng tiền đầu cơ ngắn hạn.
Vì không thể trông chờ vào khả năng cơ quan quản lý sẽ tham gia điều tiết TTCK như vàng, nên vấn đề của TTCK là phải tìm ra cách thu hút và giữ chân những nhà đầu tư dài hạn, như thế mới mong thị trường hoạt động bền vững và giảm thiểu tình trạng "lên bổng, xuống trầm" như đã từng xảy ra.
Tường Vi
đầu tư chứng khoán
|