Thứ Năm, 25/08/2011 09:56

DATC: Biết hàng khó bán, vẫn ra yêu sách

Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) đang rao bán số cổ phần và nợ phải thu của mình tại công ty cổ phần nhôm Khánh Hoà (CSC). Trong khi thị trường chứng khoán đang lao dốc và các công ty đỏ mắt tìm người đầu tư, thì đây là lần đầu tiên trên thị trường xuất hiện gói bán nợ kèm cổ phiếu, mà người chủ nợ cũng biết trước là khó tìm được người mua.

Rao bán tại công ty chứng khoán Sao Việt (SVS) từ 17.8 đến nay, vẫn chưa có ai đăng ký mua gói hàng này.

Bán nợ kèm cổ phiếu

DATC, đơn vị có chức năng mua bán nợ và xử lý nợ tồn đọng của doanh nghiệp của bộ Tài chính, hiện nắm giữ 2,55 triệu cổ phần, tương ứng với 73,91% tổng số cổ phần đang lưu hành của Nhôm Khánh Hoà. Đơn vị này đang rao bán toàn bộ số cổ phần kèm theo hơn 25 tỉ đồng CSC nợ DATC (tính đến 9.8.2011). Số cổ phiếu và nợ phải thu này được chia ra thành ba gói bằng nhau, mỗi gói gồm 850.000 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) và khoảng 8,393 tỉ đồng tiền nợ (gồm hơn 4,688 tỉ đồng nợ gốc và hơn 3,7 tỉ đồng nợ lãi), chia thành ba đợt đấu giá thông qua ba công ty chứng khoán: Sao Việt, Sài Gòn – Hà Nội, Navibank. Giá khởi điểm là 9,34 tỉ đồng/gói, khoảng bằng một nửa giá trị cổ phiếu và nợ phải thu.

Đây là lần đầu tiên thị trường thấy nợ nần được bán kèm theo cổ phiếu. Thông thường, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp được bán kèm theo “mồi” là cổ tức, dự án đầu tư, quyền chuyển đổi… để thu hút nhà đầu tư, chứ không ai muốn vác thêm một khoản nợ (mà phải trả bằng tiền mặt) khi đi mua cổ phiếu.

Đó là chưa kể điều kiện để tham gia đấu giá. Thứ nhất, nhà đầu tư cho vay vốn lưu động hoặc cam kết bảo lãnh cho CSC vay vốn lưu động, vì CSC chưa thể tự thực hiện các giao dịch tín dụng do mất khả năng trả nợ, hiện DATC đang hỗ trợ CSC xác lập hạn mức tín dụng 35 tỉ đồng tại ngân hàng để vay vốn lưu động. Thứ hai, nhà đầu tư (nếu trúng thầu) phải chỉ đạo để CSC trả ngân hàng Habubank khoản nợ vay 2,7 tỉ đồng để Habubank giải chấp 400.000 cổ phần thuỷ điện Sông Ông mà DATC đã cấn trừ nợ với CSC để DATC làm thủ tục xác lập sở hữu số cổ phần này. Cuối cùng, nhà đầu tư cam kết duy trì ổn định và phát triển doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Mạnh Thường, phó tổng giám đốc DATC kiêm chủ tịch HĐQT CSC, CSC đã nằm trong kế hoạch thoái vốn doanh nghiệp, nên dù thị trường khó khăn DATC vẫn phải tiến hành. “Tôi biết gói hàng bán ít người quan tâm, nhưng vì chúng tôi muốn tìm một nhà đầu tư chiến lược, có trách nhiệm với doanh nghiệp sau khi chúng tôi đi, nên điều kiện đưa ra khá khắt khe”, ông nói.

Không thành công thì... hạ giá

Ba năm nay cổ đông Nhôm Khánh Hoà không có cổ tức vì công ty hoạt động thua lỗ. Đến nay lỗ luỹ kế là 25,507 tỉ đồng. Theo công ty chứng khoán Sao Việt, CSC thiếu vốn lưu động, dẫn đến thiếu nguyên vật liệu, sản xuất bị gián đoạn, hệ thống máy móc thường xuyên phải khởi động lại gây phát sinh chi phí lớn. Giá vốn hàng bán lên tới 99 – 106% tổng doanh thu thuần.

Cơ cấu nguồn vốn của công ty tính đến thời điểm 30.6.2011 mất cân đối với nợ phải trả chiếm hơn 90% tổng nguồn vốn, trong đó nợ vay là hơn 47,77 tỉ đồng, lớn hơn mức vốn thực góp 34,5 tỉ đồng.

Bà Hoàng Thị Hoa, trưởng phòng phân tích của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, không nhà đầu tư nào muốn mua gói hàng này. Chưa kể thời điểm thị trường èo uột, những cổ phiếu hấp dẫn hơn còn ế hàng, thông thường nợ của một công ty thì toàn bộ cổ đông gánh, nay nhà đầu tư mua gói hàng từ DATC thì hầu như một mình phải gánh nợ cho CSC. Hơn nữa, tài sản đảm bảo nợ là máy móc thiết bị, mà hệ thống máy móc này từ năm 2008 đã xuống cấp nghiêm trọng.

Người mua tiềm năng được nhắm đến là các đối tác cùng ngành nghề với CSC. Một tư vấn viên của một trong ba công ty chứng khoán thừa nhận, dù biết gói sản phẩm nhiều khả năng đấu giá không thành công, nhưng vì nằm trong kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp của DATC nên được thiết kế theo yêu cầu của DATC. Theo ông Thường, nếu để nguyên một gói lớn thì khó bán, nên phải chia ra thành ba gói hàng. “Nếu lần này không thành công thì có thể hạ giá bán lần hai, lần ba”, ông nói.

Việc đưa ra một gói hàng chất lượng kém, mẫu mã xù xì mà đòi giá cao, DATC đã cố gắng tối ưu hoá giá bán cho những tài sản mình được Nhà nước giao cho quản lý. Nhưng với kiểu xử lý nợ như vậy, tài sản chờ xử lý trong tay DATC sẽ còn mất nhiều thời gian để “phát huy tác dụng” như DATC mong muốn.

Hồng Sương

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Đội lái thời… mất lái (24/08/2011)

>   25/08: Bản tin 20 giờ qua (25/08/2011)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ 0,01 điểm  (24/08/2011)

>   Ngày 24/08: Khối ngoại lại "tháo chạy" khỏi VIC, gom SSI (24/08/2011)

>   Chứng khoán Việt Nam thực sự có bán khống? (24/08/2011)

>   Dòng tiền vẫn luôn chờ chực đổ vào chứng khoán (24/08/2011)

>   TTCK Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng (24/08/2011)

>   24/08: Bản tin 20 giờ qua (24/08/2011)

>   Thị trường chứng khoán chỉ còn những nhà đầu cơ (23/08/2011)

>   UPCoM-Index lập đáy mới 30,76 điểm (23/08/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật