Vẫn chưa hết lo chuyện tỷ giá
Mặc dù tỷ giá tiền đồng và đô la Mỹ vẫn ổn định trong khoảng 2 tháng qua dưới tác động của các chính sách tiền tệ đưa ra bởi Ngân hàng Nhà nước, nhiều chuyên gia vẫn quan ngại về tương lai của đồng Việt Nam trong vài tháng tới.
HSBC trong báo cáo về kinh tế châu Á quí 3-2011 cho rằng thâm hụt thương mại lâu năm là một trong những mối quan ngại của kinh tế Việt Nam, với mức thâm hụt 5 tháng đầu năm cao hơn 19% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đồng Việt Nam đã ổn định trong những tháng gần đây khi niềm tin của người dân được cải thiện nhờ vào các chính sách của Chính phủ, vẫn cần những kết quả tốt hơn từ kinh tế vĩ mô để duy trì niềm tin và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia của ngân hàng này nhận định.
HSBC dự báo tỷ giá cuối năm sẽ vào khoảng 21.500 đồng so với mức 20.620 đồng niêm yết tại các ngân hàng hiện nay.
Trong khi đó, báo cáo chiến lược vừa phát hành tuần trước của Công ty chứng khoán Bản Việt nhận xét "Trong trung và dài hạn, chúng tôi vẫn e ngại về rủi ro đồng Việt Nam giảm giá do thâm hụt thương mại kéo dài của Việt Nam, vốn đầu tư nước ngoài ít, và dự trữ ngoại hối thấp. Từ cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào ngoại tệ để nâng dự trữ ngoại hối nhưng mức hiện nay vẫn là rất thấp".
Công ty này dự báo rằng chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ giúp làm giảm nhu cầu và giúp nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, trong vòng 2 tháng tới, Việt Nam cần phải nhập một lượng lớn dầu so với các tháng trước do nhà máy lọc dầu Dung Quất cần phải bảo trì cho đến giữa tháng 9, điều này sẽ làm tăng nhập khẩu. Theo các chuyên gia của Chứng khoán Bản Việt, tỷ giá ổn định thời điểm hiện nay là do 4 nguyên nhân.
Thứ nhất là thị trường kỳ vọng nguồn cung đô la Mỹ sẽ dồi dào khi các tập đoàn và tổng công ty nhà nước buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng từ đầu tháng 7 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo số liệu mà Ngân hàng Nhà nước công bố cuối tháng 3, tổng tiền gửi bằng ngoại tệ của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước vào khoảng 1,6 tỉ đô la Mỹ, trong đó tiền gửi có kỳ hạn vào khoảng 376 triệu đô la.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp vay đô la Mỹ do lãi suất thấp hơn rất nhiều so với vay tiền đồng, rồi bán đi lấy tiền đồng để kinh doanh, là một nguyên nhân làm tăng nguồn cung ngoại tệ thời điểm hiện nay và sắp tới, tuy nhiên sẽ tạo áp lực lên tỷ giá trong tương lai gần khi các khoản nợ trên đáo hạn, doanh nghiệp phải mua lại đô la Mỹ để trả cho ngân hàng. Tính đến ngày 20-6, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ là 2,4% so với tháng trước đó trong khi tăng trưởng tiền đồng giảm 0,43%. Tính đến thời điểm trên, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ so với cuối năm 2010 là 23,5% trong khi tiền đồng chỉ tăng 2,43%.
Thứ ba, người dân đang có xu hướng bán ngoại tệ chuyển sang nắm giữ tiền đồng khi chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền lên đến 13-15 điểm phần trăm, cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguồn cung ngoại tệ. Trong tháng 6, tiền gửi ngoại tệ giảm 3,62% trong khi tiền gửi bằng đồng Việt Nam tăng 2,23%. Và cuối cùng, một trong những nguyên nhân góp phần vào sự ổn định của tỷ giá hiện nay là cho tới nay, Chính phủ kiên quyết đặt mục tiêu giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô làm ưu tiên và không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong năm nay.
Bản Việt cũng như nhiều chuyên gia đều cho rằng rủi ro giảm giá của đồng Việt Nam thời gian tới là vẫn còn khi thâm hụt thương mại vẫn cao, vốn đầu tư nước ngoài vào chậm và nguy cơ các khoản nợ bằng ngoại tệ đáo hạn. Thêm vào đó, nếu Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất tiền đồng trong thời gian tới, sự ổn định của tỷ giá chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Thủy Triều
tbktsg
|