Thiếu công cụ để chống chuyển giá hiệu quả
Trong nhiều năm qua, gian lận thuế bằng hình thức chuyển giá nội bộ (chuyển lãi thành lỗ) của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) diễn ra khá phổ biến. Đến nay, theo lãnh đạo Cục Thuế TPHCM, chính các doanh nghiệp trong nước cũng sử dụng hình thức này để lách thuế . Tuy nhiên, việc điều tra để truy thu thuế không hề dễ dàng.
TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TPHCM về vấn đề này.
- TBKTSG Online: Thưa bà, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM từng cho biết, hiện nay, không chỉ các doanh nghiệp FDI chuyển giá, kê khai lỗ để lách thuế mà các doanh nghiệp trong nước cũng sử dụng hình thức này. Vậy, hình thức của các doanh nghiệp trong nước là gì?
- Bà Lê Thị Thu Hương: Về hình thức chuyển giá của các doanh nghiệp trong nước thì có một số dạng. Thứ nhất, là chuyển giá giữa 2 doanh nghiệp liên kết có góp vốn, bằng cách chuyển doanh thu của đơn vị , tạm gọi là A sang đơn vị B mà năm đó có nhu cầu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là trường hợp mà Cục Thuế TPHCM đã phát hiện.
Khi chúng tôi thanh tra thuế ở công ty A thì thấy rất vô lý, giá bán thấp hơn giá mua. Kiểm tra tiếp công ty mua thì thấy đơn vị này kê khai đủ, bán có lợi nhuận. Tìm hiểu ra mới biết công ty B này cần có hiệu quả để lên sàn chứng khoán, thu hút nhà đầu tư.
Hình thức thứ hai mà chúng tôi cũng chỉ mới nhận định thôi, chưa làm vụ việc cụ thể là các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là các doanh nghiệp có thành viên góp vốn lẫn nhau, chuyển thu nhập từ đơn vị hết ưu đãi, sang doanh nghiệp đang còn ưu đãi hoặc tận dụng chính sách ưu đãi thuế ở những vùng còn khó khăn của Chính phủ. Nghĩa là thay vì phải nộp ngân sách một khoản thuế thì doanh nghiệp chuyển sang đối tác liên kết đang trong thời gian miễn giảm thuế.
Có thể còn các hình thức khác nhưng chúng tôi chưa phát hiện ra. Nhưng nói chung là hình thức chuyển từ người này sang người kia, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp kia miễn sao có lợi nhất cho người nộp thuế, trong khi ngân sách nhà nước thì thất thu.
- Bà đánh giá như thế nào về mức độ tinh vi, số tiền thuế thất thoát của chuyển giá doanh nghiệp trong nước? Liệu có đáng lo ngại và lan nhanh, ngày càng tinh vi như đã và đang từng xảy ra ở khối doanh nghiệp FDI ?
Về mức độ tinh vi cũng như giá trị thuế bị thất thoát lớn hay nhỏ, cao hay thấp thì rất khó nhận định chung và có một so sánh với doanh nghiệp FDI vì còn tùy quy mô của doanh nghiệp.
Điều còn lại là các cơ quan thuế phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để có thể xử lý được các doanh nghiệp chuyển giá này.
- Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra để có thể xử lý các doanh nghiệp chuyển giá lại có vẻ không dễ dàng, bằng chứng là số doanh nghiệp bị xác định chỉ đếm trên đầu ngón tay dù có đến hàng ngàn đơn vị liên tục báo lỗ hàng năm trong khi vẫn cứ mở rộng quy mô đều đều, thưa bà?
Thực tế đúng là việc đấu tranh để có thể chứng minh được doanh nghiệp chuyển giá và xử lý họ không hề dễ dàng.
Trong năm 2010, Cục Thuế đã thanh tra 197 doanh nghiệp kê khai lỗ, điều chỉnh giảm lỗ 2.664 tỉ đồng, truy thu và phạt số tiền 272,861 tỉ đồng. Trong đó có 15 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, đã điều chỉnh kết quả kinh doanh của 4 doanh nghiệp theo phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, phương pháp giá vốn cộng lãi, so sánh tỷ suất lợi nhuận ngành, chức năng hoạt động...
Một số trường hợp khác do hạn chế thời gian thanh tra, các thông tin đối chiếu chưa đủ cơ sở điều chỉnh nên chưa xử lý, sau khi có kết quả sẽ tiếp tục xử lý. Có 2 hồ sơ chúng tôi đang đề nghị Tổng cục Thuế hỗ trợ xác minh giá giao dịch ở nước ngoài.
Chúng tôi đã từng trao đổi với ngành thuế của Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm của họ nhưng chính họ cũng thừa nhận, công tác này không đơn giản. Có những hồ sơ họ phải làm cả năm mới xong. Ví dụ, chuyên gia JICA Nhật nói 1 năm cơ quan thuế Nhật Bản thanh kiểm tra được 100.000 doanh nghiệp thì họ chỉ làm được 15 hồ sơ chống chuyển giá, chủ yếu là các doanh nghiệp đến từ Mỹ.
Như vậy, với số lượng 827 doanh nghiệp Cục Thuế đã thanh tra trong năm 2010, phát hiện có dấu hiệu chuyển giá là 15 và làm được chống chuyển giá là 4 doanh nghiệp thì tỷ lệ này không phải là nhỏ so với Nhật Bản.
Hiện tại, cơ sở để đấu tranh chống chuyển giá là Thông tư 66 ban hành năm 2010 của Bộ Tài chính, thay thế cho Thông tư 117 năm 2005. Thông tư mới có quy định về năm phương pháp tính để chống chuyển giá như phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập; giá bán lại; giá vốn cộng lãi; so sánh lợi nhuận; tách lợi nhuận…
Tuy nhiên, để làm được trong thực tế thì cán bộ thuế phải tốn nhiều công sức. Cách tính trên không quy định cho một đơn vị độc lập nào cung cấp dữ liệu để cơ quan thuế làm cơ sở đối chiếu, tham khảo. Muốn so sánh, cán bộ thuế phải tự đi khảo sát, kiểm tra, lấy số liệu từ thị trường và của các cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó lấy số trung vị. Nếu số liệu càng nhiều, tính số trung vị càng chính xác còn nếu không thì số này lại không hợp lý. Nhiều lúc chúng tôi phải chấp nhận số tương đối vì như vậy còn thu được thuế.
Bên cạnh đó, làm về chống chuyển giá với các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thì cần phải có sự hỗ trợ của cơ quan cấp trên để lấy thông tin từ cơ quan thuế của nước có doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, làm cơ sở đối chiếu.
Làm về công tác chống chuyển giá này, thực sự là cán bộ thuế chúng tôi cũng đang phải tự nghiên cứu hoặc từ kinh nghiệm công tác của mình. Cán bộ thuế chuyên trách về chuyển giá, được đào tạo bài bản và chuyên sâu hiện tại vẫn chưa có. Chủ yếu vẫn là từ kinh nghiệm hoặc đi tập huấn ở nước ngoài với thời gian ngắn.
Chúng tôi đang rất cố gắng để có thể thu đúng, thu đủ cho ngân sách Nhà nước.
- Vậy theo bà, để có thể hạn chế dần chuyện chuyển giá thì phải làm những gì?
Có thể khẳng định ngay là chuyển giá sẽ không bao giờ hết. Vì lúc nào cũng có những doanh nghiệp tìm cách lách luật, tìm kẽ hở để hưởng lợi. Ngay cả những nước phát triển cũng phải đương đầu với vấn đề này. Ví dụ Nhật bản cũng phải đối phó với sự chuyển giá của các nhà đầu tư từ nước Mỹ.
Do vậy, vấn đề là cơ quan thuế phải có đủ lực, đủ biện pháp để xử lý các đơn vị chuyển giá này cũng như các quy định, chế tài càng ngày càng chặt chẽ, nghiêm minh hơn.
Tôi trở lại câu chuyện của nhiều doanh nghiệp FDI: liên tục báo lỗ năm này qua năm khác nhưng cũng liên tục mở rộng quy mô. Với những đối tượng này, tốt nhất là phải có biện pháp mạnh. Ví dụ như quy định một mức thuế nhất định doanh nghiệp phải đóng sau 3 năm đầu kinh doanh chưa có lợi nhuận. Có thể là 2-3% nhưng ít nhất để xác định nghĩa vụ của họ với nước sở tại, hoặc quy định về thoả thuận giá trước đối với các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng cho doanh nghiệp. Một điều doanh nghiệp cần phải hiểu là Nhà nước tạo mọi điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng góp trở lại để phát triển cơ sở hạ tầng. Đất nước có phát triển thì thương hiệu của mình cũng mới phát triển theo và được thế giới ghi nhận, thêm nhiều giá trị gia tăng…
Qua giải quyết hồ sơ thanh tra, chúng tôi nhận thấy có những doanh nghiệp FDI đã tự điều chỉnh giá giao dịch liên kết để có sự đóng góp nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước Việt Nam. Chúng tôi rất mong có nhiều doanh nghiệp FDI như vậy. Ở đây, chúng tôi kêu gọi đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thêm nữa, công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế cần phải đẩy mạnh và hiệu quả hơn để có thể chấn chỉnh người nộp thuế chấp hành pháp luật thuế tốt hơn.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để ban hành luật riêng về chuyển giá để nâng cao tính pháp lý, tạo cơ sở cho cơ quan thuế xử lý đối với hành vi chuyển giá và giải quyết các tranh chấp có hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn bà!
Minh Tâm
TBKTSG
|