Thất thu thuế: Tính bao nhiêu cho đủ?
Chỉ một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp được kiểm toán nhưng số thất thu thuế đã lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nếu phần lớn trong tổng số 500.000 doanh nghiệp được kiểm toán thì không biết con số thất thu thuế nhà nước sẽ là bao nhiêu?!
Tại hội thảo về “Kiểm toán thuế trong chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước”, tổ chức ngày 8/7 tại Hà Nội, rất nhiều các ý kiến và con số thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp được kiểm toán thuế là quá ít và số thất thu thuế hiện tại cũng như "tiềm năng" là quá nhiều.
Tỷ lệ kiểm toán nhỏ, thất thu lớn!
Thuế và phí hiện đang là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, chiếm tỷ trọng trên 95% tổng nguồn thu. Tốc độ tăng trưởng thu ngân sách nhà nước bình quân trong giai đoạn 2006 - 2010 là 16,5%, trong đó doanh nghiệp nhà nước tăng trưởng 22,6%.
Theo số liệu của Hội Tư vấn thuế Việt Nam, số lượng doanh nghiệp nhà nước không nhiều, chỉ khoảng 7.500/500.000 doanh nghiệp nhưng số thu ngân sách lại cao nhất trong tổng số các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do việc quản lý tài chính chưa tốt và hiệu quả kinh doanh chưa cao nên tình trạng nợ đọng, thất thu thuế của doanh nghiệp nhà nước đã không còn là hiện tượng cá biệt.
Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế dẫn chứng, riêng trong năm 2009, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiếm toán báo cáo quyết toán 183/242 doanh nghiệp hoạch toán độc lập thuộc 20 tổng công ty nhà nước. Qua kiểm toán cho thấy, việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước ở khối tổng công ty nhà nước còn nhiều vấn đề cần quan tâm, làm rõ.
Từ số liệu kiểm toán, hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều kê khai thiếu thuế và các khoản phải nộp về ngân sách nhà nước, việc hạch toán kế toán tại những doanh nghiệp này còn nhiều thiếu sót. Vì thế, sau kiểm toán đã làm tăng lợi nhuận trước thuế của số doanh nghiệp được kiểm toán lên tới 805,6 tỷ đồng, tăng thuế và các khoản thu phải nộp vào ngân sách nhà nước là 536 tỷ đồng. “Con số tăng thu qua kiểm toán nhà nước trên đã tương đương với tổng thu ngân sách trên địa bàn của vài tỉnh nhỏ”, bà Cúc so sánh.
Qua những kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước hoặc kiểm toán độc lâp, hầu hết các doanh nghiệp dù ít dù nhiều đều phải điều chỉnh kết quả tài chính, xuất toán các khoản chi sai, tăng thêm doanh thu, giảm tiền thuế được khấu trừ.
Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, việc phát hiện gian lận trong kiểm toán thuế không dễ dàng vì gian lận này thường là có chủ định rõ rệt và bằng những thủ đoạn nghiệp vụ rất tinh vi như mua bán hóa đơn, hợp thức hóa các khoản chi phí không có thật, thông đồng giấu diếm doanh thu, thu nhập ngay trên hóa đơn chứng từ, hoặc không lập hóa đơn bán hàng hay lập hóa đơn bán hàng khống, cố ý kê khai hàng hóa nhập khẩu không đúng quy cách, xuất xử hoặc chia lẻ các sản phẩm hoàn chỉnh.
Ông Đinh Trọng Hanh, Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước) đưa ra từ số liệu thống kê của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian từ 2006 – 2008, số doanh nghiệp nhà nước được kiểm toán chỉ đạt trung bình 12%, số doanh nghiệp ngoài nhà nước được kiểm toán trung bình khoảng 0,34%, bình quân chung, số doanh nghiệp được kiểm toán chỉ khoảng… 0,6%.
Đó là một tỷ lệ ít tới mức không thể ít hơn được nữa!
Bản thân ông Đinh Trọng Hanh cũng cho rằng, qui mô doanh nghiệp được kiểm toán có tỷ lệ quá thấp (khoảng 0,6%) nên chưa thể đánh giá một cách trung thực về tổng thể việc tuân thủ chính sách thuế trong tổ chức thu của cơ quan thuế và trong thực hiện nộp của doanh nghiệp. Mặc dù, số doanh nghiệp nhà nước được kiểm toán có tỷ lệ cao hơn mức trung bình, là 12%, nhưng cũng khó phản ánh trung thực việc chấp hành pháp luật về thuế tại các doanh nghiệp này do việc kiểm toán thuế tại các doanh nghiệp chưa được thực hiện trên đánh giá rủi ro thuế và xác định quy mô mẫu hợp lý.
Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ doanh nghiệp được kiểm toán thuế đã tăng, tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Cúc, tổng số doanh nghiệp được kiểm toán thuế cũng chỉ đạt khoảng 10%. Làm phép tính đơn giản, chỉ với số doanh nghiệp nhỏ nhoi trên được kiểm toán mà thuế thất thu đã lớn như vậy, giả sử 50% doanh nghiệp hoặc nhiều hơn thế nữa trong tổng số 500.000 doanh nghiệp được kiểm toán thì không biết số thất thu thuế sẽ là bao nhiêu?!
Chọn doanh nghiệp nào?
Câu hỏi đặt ra, tại sao trên thực tế, tổng số doanh nghiệp rất lớn nhưng số lượng doanh nghiệp được kiểm toán lại rất nhỏ?
Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Cúc phân tích, nhân lực của đội ngũ kiểm toán còn quá mỏng, đồng thời, việc trùng lắp của các đơn vị thực thi và nhất là sự “đồ sộ” của những chính sách pháp luật liên quan cũng là những vướng mắc khi thực hiện việc kiểm toán thuế.
Hiện các doanh nghiệp nói chung chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật thuế bao gôm 10 luật và pháp lệnh, trong đó có 8 luật chính sách thuế, một pháp lệnh phí – lệ phí và Luật Quản lý thuế, chưa kể hàng nghìn các thông tư, hướng dẫn... “Đến tôi đây, 37 năm công tác trong ngành thuế mà vẫn chưa nắm hết được các quy định, các điều khoản”, bà Cúc minh chứng về sự “đồ sộ” của các chính sách thuế khiến việc hướng dẫn các đơn vị liên quan, kiểm tra kiểm toán, cả các doanh nghiệp thực hiện cũng gặp không ít những khó khăn.
Ngoài ra, một trong những lý do cơ bản là quy mô kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với các doanh nghiệp còn quá nhỏ so với yêu cầu, nguồn lực của Kiểm toán Nhà nước cũng tỷ lệ nghịch với nhu cầu kiểm toán thuế so với số lượng doanh nghiệp, vì thế quy mô chưa đủ để đại diện cho tổng thể để có thể kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ pháp luật thuế tại các doanh nghiệp.
Theo nhiều chuyên gia, trong lúc số lượng doanh nghiệp quá lớn, kiểm toán viên lại có hạn thì trước mắt cần phải lựa chọn đối tượng kiểm toán, trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp có độ “rủi ro” cao như dễ có khả năng kê khai, nộp thuế không đầy đủ, doanh nghiệp có số thu nộp ngân sách nhà nước lớn, hoạt động trên địa bàn rộng, đa dạng, phức tạp và phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Đơn cử, đối với các đơn vị có số thuế hoàn lớn, hoặc có tiền thuế được hoàn nhưng không làm thủ tục hoàn thuế thường có sai sót trong xác định tiền thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, hoàn; đơn vị có nghi vấn trong chuyển giá, giao dịch không đúng giá thị trường, chi phí không tương ứng với doanh thu hoặc doanh thu lớn nhưng kết quả kinh doanh luôn thua lỗ… thường dạng tránh thu thuế doanh nghiệp.
Một dẫn chứng khác là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc kinh doanh hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì giá tính thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt; doanh thu làm cơ sở xác định tính thuế thu nhập doanh nghiệp mới là điều đáng quan tâm.
Trên thực tế, bản thân đối với các doanh nghiệp mà người lao động có thu nhập cao, hoặc doanh nghiệp thường chi trả các khoản chi hoa hồng, môi giới, chi trả cho khách vãng lai… thì phải chú trọng đến thuế thu nhập cá nhân, vì do thuế thu nhập cá nhân thường chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số tiền thuế phát hiện tăng thu.
Ông Đặng Văn Thanh cho rằng, trong không ít các trường hợp, như kiểm toán thuế nhập khẩu hay thuế giá trị gia tăng, kiểm toán không chỉ thu thập bằng chứng kiểm toán là hóa đơn, chứng từ, tài liệu trong doanh nghiệp mà cần dựa vào kinh nghiệm nhận biết và xem xét từ bên ngoài, xác định các bất hợp lý trong mối quan hệ kinh tế.
Dù các đề xuất trên có tính chất lựa chọn, tích cực và không ít giải pháp, chính sách cũng được đưa ra để khắc phục những tồn tại, tuy nhiên, bài toán kiểm toán thuế để thu đúng, thu đủ và không làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước thì vẫn còn là một… tương lai xa!
Mạnh Chung
tbktvn
|