Đặc cách thuế cho Ford và sự mủi lòng của các Bộ
Hãng xe Ford Việt Nam sẽ được "miễn" hàng tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng nhờ vào sự thông thoáng của các Bộ Công Thương - Tài chính. Trong khi mới tháng 4, hãng này bị ấn định thuế phải nộp thêm hơn 17,9 tỷ đồng.
Từ chuyện nộp thiếu 17,9 tỷ đồng tiền thuế
Tin từ cơ quan hải quan cho biết, lý do hãng Ford bị ấn định thuế vừa qua là bởi, các lô hàng linh kiện, phụ tùng của hãng này nhập về không đủ điều kiện về mức độ rời rạc để tính thuế cho từng linh kiện chi tiết. Chiểu theo đúng Thông tư 184/2010 của Bộ Tài chính, chỉ cần 1 linh kiện phụ tùng không đảm bảo mức độ rời rạc theo Quyết định 05 của Bộ KHCN thì sẽ phải áp thuế theo thuế suất xe nguyên chiếc. Trong khi thuế nhập khẩu cho linh kiện, chi tiết ôtô chỉ từ 0-27% thì thuế nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc lên tới 82%.
Vướng vào quy định này, Ford Việt Nam đã phải chịu ấn định thuế một khoản tiền rất lớn, lên tới 17,9 tỷ đồng cho chỉ 4 lô hàng nhập khẩu hồi tháng 4.
Cụ thể, theo quyết định của Cục Hải quan Hải Phòng hôm 6/4, đối với lô hàng nhập khẩu ở tờ khai số 727, hãng Ford bị ấn định phải nộp thêm số thuế lên tới 10,408 tỷ đồng. Nếu áp như công ty khai báo, số tiền thuế chỉ hơn 2,18 tỷ đồng, nghĩa là giảm đi mất gần 6 lần so với tổng số thuế phải nộp là hơn 12 tỷ đồng.
Cũng trong ngày này, lô hàng nhập khẩu thuộc tờ khai số 767 của Ford ban đầu chỉ nộp hơn 694 triệu đồng, sau khi kiểm tra cũng nhận được quyết định phải nộp thêm 2,61 tỷ đồng trên tổng số 3,305 tỷ đồng số thuế phải nộp.
Ngày 7/4, Ford tiếp tục bị ấn định số thuế nộp thêm là 1,1 tỷ đồng, gấp gần 3 lần số thuế mà Ford kê khai đối với lô hàng theo tờ khai 763. Ở tờ khai số 420, hãng Ford phải nộp thêm 3,825 tỷ đồng cho tổng giá trị thuế phải nộp là hơn 5,3 tỷ đồng.
Khoản chêch lệch giữa số thuế phải nộp theo quy định và số thuế công ty tự kê khai gấp từ 3,4 đến 5,7 lần.
Trao đổi với PV Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet, đại diện công ty Ford Việt Nam chỉ cho hay: "Chúng tôi đang thảo luận với các cơ quan Nhà nước có liên quan để hiểu rõ hơn các quy định của Quyết định 05 và Thông tư 184 về mức độ rời rạc của linh kiện ôtô. Các cuộc thảo luận này đang diễn ra theo chiều hướng tích cực, mang tính xây dựng và chúng tôi đang mong đợi một giải pháp công bằng và hợp lý".
Công ty còn nhấn mạnh rằng: "Trong khi các cuộc thảo luận đang diễn ra và với sự cho phép rõ ràng của Bộ Tài chính và cơ quan Hải quan, Ford Việt Nam đang tiếp tục hoạt động sản xụất kinh doanh bình thường. Tập đoàn Ford Motor hoạt động trong khuôn khổ đạo đức kinh doanh chặt chẽ trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam và chúng tôi có thể tự tin nói rằng công ty Ford Việt Nam tuân thủ luật pháp hiện hành của Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ và yêu cầu liên quan của một doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam".
Liên quan đến vấn đề này, hôm 1/6, Bộ Tài chính còn ban hành văn bản 7116 thể hiện quan điểm rất cứng rắn: yêu cầu cơ quan hải quan phải kiểm tra tất cả các lô hàng nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô để áp thuế đúng qui định, nếu doanh nghiệp khai báo sai, sẽ phải chịu ấn định thuế, truy thu thuế và cưỡng chế thuế.
Các Bộ "xúm tay" giúp Ford
Nhận định đầy xót xa "tiếng kêu khó khăn của doanh nghiệp đang làm động lòng các nhà hoạch định chính sách, khiến họ run rẩy... " của TS. Võ Trí Thành tại cuộc hội thảo về bất ổn vĩ mô mới đây nhằm ám chỉ đến những tư tưởng vì lợi ích nhóm, muốn nới lỏng chính sách tiền tệ và rót vốn đầu tư công của một vài bộ ngành khi lạm phát còn cao.
Song, dường như vô tình, câu nói này đang rất đúng với các động thái gần đây của Bộ Công Thương khi xử lý trường hợp trên của Ford. Nó cũng đúng với sự quay ngoắt 180 độ, từ siết chặt đúng qui định sang nới lỏng chính sách thuế đầy bất ngờ của bộ Tài chính đối với việc nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô.
Sau vụ bị ấn định khoản thuế hàng tỷ đồng trên, công ty Ford Việt Nam đã có ít nhất 2 văn bản kêu cứu tới Bộ Công Thương ngày 3 và ngày 13/6. Ford giải trình cũng đã thừa nhận rằng, các bộ linh kiện của công ty nhập về để phục vụ sản xuất trong nước không đáp ứng qui định về mức độ rời rạc.
Song, vì lẽ đó, công ty đã phải tạm ngưng sản xuất một thời gian do không thể mở tờ khai hải quan mới. Vì nếu Ford mở tiếp tờ khai hải quan, tất cả các bộ linh kiện sẽ phải áp thuế suất theo xe nguyên chiếc tới 82%.
Mủi lòng trước khó khăn này, hôm 20/6, Bộ Công Thương gửi văn bản sang Bộ Tài chính, Bộ KH-CN xin cơ chế đặc biệt cho hãng Ford. Công văn có đoạn viết: "Bộ Công Thương cho rằng, trường hợp bộ linh kiện của Ford Việt Nam nhập khẩu có một hoặc một số linh kiện không đáp ứng mức độ rời rạc theo Quyết định 05 của bộ KHCN có thể thu thuế theo mức thuế suất của chính sản phẩm nguyên chiếc đối với linh kiện hoặc một số linh kiện đó, đồng thời, yêu cầu Ford Việt Nam làm việc với Bộ KH-CN để đánh giá lại các linh kiện nhập khẩu của mình có đạt mức độ rời rạc hay không?".
Ngay ngày hôm sau, 21/6, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản 8118, lại cho phép các doanh nghiệp được tạm thời tính thuế theo từng linh kiện, phụ tùng thay vì nộp thuế suất của xe nguyên chiếc. Thậm chí, Bộ còn cho phép tạm hoãn lại việc cưỡng chế nộp thuế đối với các trường hợp đã bị ấn định thuế.
Công văn này là chỉ đạo chung áp dụng cho mọi doanh nghiệp nhưng rõ ràng, có lợi đầu tiên cho hãng Ford Việt Nam thoát nguy cơ bị cưỡng chế thuế và cũng giảm được hàng chục tỷ đồng không phải nộp thuế cho các lô hàng linh kiện phụ tùng về sau.
Đã có không ít câu hỏi đặt ra, vì sao Bộ Công Thương lại xin đặc cách như vậy cho hãng Ford rồi lại ngó lơ trước hàng loại đơn kiến nghị của các nhà nhập khẩu đang bị "kẹt cứng" hàng tỷ đồng "hậu" Thông tư 20? Vì sao chỉ trong 20 ngày, Bộ Tài chính lại thay đổi 108 độ từ tăng cường kiểm soát chặt đúng qui định phân loại thuế sang ưu đãi cho doanh nghiệp?
Như nhiều hãng ôtô khác vào Việt Nam, xe Ford hiện mới chỉ đạt 2% tỷ lệ nội địa hóa. Chính sách thuế ôtô cần phải khuyến khích theo hướng thúc đẩy các nhà sản xuất trong nước thực hiện nội địa hóa thay vì kéo dài sự bảo hộ bằng mọi giá.
Phạm Huyền
diễn đàn kinh tế việt nam
|