Sốc với giá thuê đất
Khi chưa có thông tư hướng dẫn, DN vẫn bị phạt nếu không nộp thuế. Cùng trên trục đường nhưng giá thuê đất của DN liên doanh ổn định tới 50 năm với giá 1,6 USD/m2 còn DN trong nước lại điều chỉnh sau năm năm.
Nhiều doanh nghiệp (DN) rất sốc khi nhận được thông báo về giá tiền thuế đất năm nay tăng gấp nhiều lần so với năm trước. Đó là bức xúc của hơn 400 DN tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN về tình hình thuê đất và vấn đề liên quan đến thuế, do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức ngày 12-7, ở Hà Nội.
Thuế đất tăng 26 lần
Ông Tô Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị Hồng An (Hải Phòng), cho hay rất ngạc nhiên về số tiền thuế phải nộp năm 2011 tăng gấp trên 18 lần số tiền thuế năm 2010, từ 25 triệu đồng tăng lên hơn 400 triệu đồng.
Ông Trịnh Xuân Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Tiên Sơn (Thanh Hóa), cho hay so với năm 2010, tiền thuê đất năm 2011 tăng từ tám đến 26 lần. Giá đất sản xuất công nghiệp lại tính theo khung giá đất giao dịch trên thị trường là điều quá bất hợp lý. Với mức tăng như vậy, nhiều DN đang rất bất lực.
“Dù là đất ở ngoài mặt đường nhưng DN chỉ sản xuất kinh doanh đơn thuần. Vậy nên, lợi thế thương mại dường như là không có mà lại lấy cơ sở giá đất 12 triệu đồng/m2 để tính thuế thì DN sẽ rất khó khăn trong việc trả tiền thuê đất” - ông Lâm nhấn mạnh.
Ông Thạch cũng đồng tình và cho rằng với chính sách thuê đất cần được điều chỉnh nhưng phải có lộ trình phù hợp với sự tăng trưởng của đất nước và đặc biệt phải bình đẳng với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế, DN của ông Thạch đang phải đóng tiền thuê đất cao hơn gấp 215% so với một DN cáp điện liên doanh với Hàn Quốc. Cùng nằm trên trục đường nhưng giá thuê đất của DN liên doanh thì ổn định tới 50 năm với giá 1,6 USD/m2, còn DN sản xuất trong nước lại điều chỉnh sau năm năm. Đây là điều không bình đẳng gây bất lợi cho DN trong nước.
Tăng chưa đúng thời điểm
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiền, Tổng Thư ký Hiệp hội Văn hóa du lịch công đoàn, dù quy định hiện hành là sau năm năm điều chỉnh nhưng chính sách cần cân nhắc tính thời điểm. Bởi lẽ, năm nay bối cảnh lạm phát cao và suy thoái, nhiều DN đang rất khó khăn. Hiện nay, DN đang bế tắc, tồn tại đã là việc rất khó chứ chưa nói gì đến chuyện nộp tiền thuế đất cho Nhà nước.
Chia sẻ ý kiến trên, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng thời điểm triển khai thực hiện Nghị định 121 mang tính bất lợi, kìm hãm sự phát triển vì năm nay DN gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần có giải pháp cho phù hợp. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với VCCI và Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc và đề xuất hướng sửa đổi.
Theo ông Tuấn, việc Nghị định 121 quy định giá thuê đất cần sát với giá thị trường là thiếu tính khả thi. Thực tế, giá mua bán trên thị trường chỉ đúng đối với đất ở và đất thương mại, dịch vụ còn chưa có giá thị trường với đất công nghiệp. “Đặc biệt không thể đánh đồng giá thuê đất sản xuất công nghiệp với giá thuê đất khu vực kinh doanh thương mại, dịch vụ. Để giải quyết những vướng mắc hiện tại, khung giá đất do UBND tỉnh, thành phố ban hành sẽ làm căn cứ tính thuế, thay cho giá thị trường” - ông Tuấn đề xuất.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng quy định giá thuê đất sẽ được điều chỉnh sau năm năm đang gây bất lợi cho DN trong nước. Bởi đối với các DN nước ngoài, giá thuê đất thì lại ổn định trong suốt thời gian thuê. Do đó, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ xem xét quy định này nhằm nâng cao tính cạnh tranh của DN trong nước.
Đề xuất giảm 30%-50% tiền thuế đất
Hiện tỉ lệ giá cho thuê đất do UBND tỉnh quyết định trên khung Nghị định 121. Bản thân Nghị định 121 quy định tỉ lệ giá thuê đất bằng 0,75%-3% giá đất nhưng với DN vừa và nhỏ, mức này gây khó khăn. Do vậy, DN nên kiến nghị Chính phủ giảm 30%-50% số thuế đất phải nộp năm 2011.
Trong khi chờ Thủ tướng chỉ đạo, cơ quan thuế và UBND tỉnh, thành phố không nên phạt DN chậm nộp thuế tiền thuê đất. Đối với những DN nộp rồi thì có thể hoàn lại hoặc trừ vào lần nộp sau khi có hướng dẫn cụ thể. Hiện tại Bộ Tài chính cũng đang hoàn tất thông tư hướng dẫn Nghị định 121
Ông ĐỖ HOÀNG ANH TUẤN, Thứ trưởng Bộ Tài chính |
Lê Thanh
pháp luật tphcm
|