Buôn đất tỉnh lẻ cũng “mắc cạn” như thường
Xưa nay, không ít người trong giới đầu tư bất động sản cho rằng, mua đất ở các tỉnh lẻ chỉ có lãi chứ không lỗ và chuyện “mắc cạn” dường như không bao giờ xảy ra.
Tuy nhiên, để có thể kiếm được lợi nhuận ở chốn đất khách quê người lại là chuyện không phải ai cũng làm được. Trong một lần khảo sát thị trường dọc các tỉnh ven biển miền Trung, người viết bài đã nghe được không ít câu chuyện dở khóc dở cười của giới đầu tư khi "đánh bắt xa bờ".
|
Phần lớn những căn biệt thự sang trọng dọc ven biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) thuộc về các nhà đầu tư Hà Nội. |
Phất lên cũng nhanh.
Trong khi thị trường bất động sản ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM chững lại, giao dịch hầu như đóng băng, không ít người trong giới đầu tư bất động sản lại kiếm được những khoản lợi nhuận từ chính các thị trường tại các tỉnh lẻ, các thành phố mới "nổi".
Và không ai bảo ai, trong vòng một vài năm trở lại đây, Đà Nẵng được các nhà đầu tư chọn là điểm đến trong chiến lược “đánh bắt xa bờ” của mình bởi đây là địa phương hội tụ khá nhiều điều kiện thuận lợi cho đầu tư bất động sản cũng như du lịch nghỉ dưỡng.
Trong câu chuyện với một nhà đầu tư địa ốc có tiếng ở Đà Nẵng, vị này cho hay, trong vòng vài năm trở lại đây, đất Đà Nẵng tăng giá chóng mặt. Giá trung bình các lô đất từ 20 triệu đồng/m2 hiện đã lên trên 40 – 50 triệu đồng/m2.
Không những thế, giới đầu tư là dân “thổ địa” cũng bỗng nhiên lép vế trước các nhà đầu tư đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An...
Hiện nay đất ở các khu vực, vị trí đẹp ở trung tâm thành phố hầu như không còn. Dọc bờ biển Mỹ Khê, phần lớn các lô biệt thự, nhà vườn hàng trăm m2 đều thuộc về các chủ đến từ Hà Nội.
Một nhà đầu tư tên Nguyệt cho hay, gia đình chị vừa mua được một mảnh đất hơn 100 m2 ở quận Sơn Trà với giá 500 triệu đồng, tháng 6 vừa qua, chị đã bán trao tay cho một chủ đầu tư ở Hà Nội với giá 1,2 tỷ đồng. Nhưng không bao lâu sau, lô đất của chị bán đã có người đến tha thiết mua với giá 1,7 tỷ đồng.
Chị Nguyệt chia sẻ, chị cùng gia đình từ Tp.HCM ra Đà Nẵng 3 năm trước với số vốn vỏn vẹn có 500 triệu đồng. Chỉ sau hai năm, bằng các vụ mua đi bán lại, chị đã tậu được một căn nhà rộng rãi ngay đường Hải Phòng cùng một xế hộp để phục vụ làm ăn, giao dịch.
Theo chị, với số vốn vài tỷ đồng hiện nay đầu tư đất cát ở Hà Nội, Tp.HCM cũng quá khó. Ngay cả khi có mua được thì cũng khó bán kiếm lãi vì thị trường đang chững lại. Còn với số tiền đó, những ai có ý định đầu tư đều có thể mua được 1 – 2 mảnh đất khá ưng ý ngay tại các trung tâm của tỉnh lẻ hoặc các thành phố như Đà Nẵng, Vũng Tàu...
Không chỉ buôn đất ở Đà Nẵng lãi to, một người quen của tác giả là một cán bộ viễn thông ở Hà Tĩnh cũng nhanh chóng phất lên nhờ mấy vụ đất cát.
Chỉ sau khi đường Phan Đình Phùng kéo dài được khánh thành, anh này đã mua liền hai lô đất với giá 1 tỷ đồng/lô vào trước Tết năm ngoái.
Ra tết, lô đất của anh đã bán được 3 tỷ đồng/2 lô, bỗng nhiên anh bỏ túi 1 tỷ đồng chỉ sau mấy ngày nghỉ Tết.
Anh cho biết, hiện nay cán bộ, công chức hoặc các gia đình có điều kiện ở Hà Tĩnh đều đang "ôm" từ 1 – 2 mảnh đất. Nhiều gia đình phất lên nhanh chóng nhờ mua bán trao tay các lô đất ở các tuyến đường mới mở hoặc khu lân cận thành phố.
Vỡ mộng cũng chóng
Tuy nhiên, chuyện buôn bán đất cát ở các tỉnh lẻ trên thực tế không phải ai cũng được xuôi chèo mát mái như đã kể trên. Một số người duy tâm còn cho rằng, đất cát nhiều khi còn phải có vận, có duyên, không phải ai cũng có thể phất lên nhờ đất, cho dù không thiếu vốn.
Điều đó cũng có thể đúng, song trong kinh doanh địa ốc, phần đa giới đầu tư vẫn xem chuyện đón đầu quy hoạch như một chiến lược lợi hại. Nếu may mắn, có người có thể kiếm tiền tỷ từ một vài nét vẽ hay ý định của cơ quan công quyền trong vấn đề mở rộng đô thị, địa giới hành chính của một địa phương, khu vực.
Đến nay, giới đầu tư bất động sản Hà Tĩnh vẫn chưa thể quên được những cú ngã đau sau lần tỉnh có ý định mở rộng thành phố Hà tĩnh về phía biển vài năm trước. Khi đó, từ cán bộ, công chức, doanh nhân trong tỉnh, ai ai hễ có tiền là lăm le kiếm một vài mảnh đất dọc các tuyến đường từ trung tâm thành phố đi về các xã ven biển.
Giá đất vào thời điểm đó ở Hà Tĩnh do cơn sốt đất lên cao, đỉnh điểm có nơi cách trung tâm thành phố cả chục km cũng được hét trên 10 triệu đồng/m2.
Ấy thế mà giới đầu tư bản địa lẫn từ Nghệ An, Thanh Hóa, rồi cả Hà Nội cũng đua nhau lao vào ôm, có người mua cả mấy nghìn m2 vứt đấy, hy vọng một thời gian sau giá tăng đẩy đi kiếm lời.
Thế nhưng, đùng một cái, Hội đồng nhân dân tỉnh họp phiên cuối năm, quyết định mở rộng thành phố Hà Tĩnh lên phía Tây, mà trước mắt là đầu tư ngay trục đường chính của tỉnh là đường Phan Đình Phùng kéo dài, nối thành phố Hà Tĩnh với các xã miền ngược như Thạch Đài, Thạch Tân, Thạch Xuân...
Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhà đầu tư, chuyện nghiệp có, nghiệp dư có ôm mộng đổi đời tư đất cát bỗng nhiên mặt buồn như “mất sổ gạo”. Giá đất các xã vùng biển từ chỗ hàng chục triệu đồng/m2, bỗng chốc giảm xuống chỉ còn 4 – 5 triệu đồng/m2 nhưng bán cũng chẳng mấy người mua.
Đáng nói hơn, trong số hàng trăm nhà đầu tư “mắc cạn” vì lướt sóng đất ở Hà Tĩnh vài năm trước có không ít là cán bộ, công chức trong tỉnh, thậm chí là cán bộ lập, duyệt quy hoạch hẳn hoi.
“Có người họ hàng tư vấn, khuyên nhủ, mấy năm trước tôi mua 500 m2 với giá 2,5 tỷ đồng trên trục đường đi xuống biển Thạch Hải vì cả tỉnh cứ đồn ầm lên là thành phố sẽ mở rộng về mạn ven biển. Thế nhưng giờ đất đấy có người chỉ trả 1,2 tỷ đồng là hết giá. Chán quá tôi cũng chẳng thèm bán để cho thuê mặt bằng làm kho bãi”, một nhà đầu tư Hà Nội mua đất tại Hà Tĩnh cho hay.
Nói về diễn biến thị trường bất động sản trên địa bàn, một cán bộ địa chính tỉnh Hà tĩnh cho biết, trong vài ba năm trở lại đây, giá đất tại hầu hết trên địa bàn đã tăng khá mạnh do nhu cầu xây dựng và đời sống của người dân trong tỉnh được nâng lên rõ rệt.
Còn chuyện một số nhà đầu tư “mắc cạn” do đón đầu quy hoạch cũng chỉ là rủi ro trong làm ăn, không riêng gì lĩnh vực bất động sản. Cơ quan quy hoạch hay chính quyền Hà Tĩnh không có lỗi gì trong việc khiến giá đất tại một số khu vực ven biển giảm xuống.
Bảo Anh
tbktvn
|