Sẽ kiểm tra 100% hàng nhập khẩu nếu vi phạm
Từ ngày 1-7, mọi hàng hóa có nguồn gốc thực vật nằm trong danh mục đi kèm với Thông tư 13 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đều phải kiểm tra an toàn thực phẩm. TBKTSG Online đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Ngã, Chi cục trưởng Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 2, Cục Bảo vệ thực vật phụ trách nhiều tỉnh thành phía Nam, trong đó có TPHCM, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu…, xung quanh việc triển khai sau 11 ngày kể từ khi thông tư có hiệu lực.
Để đáp ứng các quy định trong Thông tư 13, các doanh nghiệp nhập khẩu phải làm gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Ngã: Những mặt hàng thuộc diện kiểm dịch thực vật theo phụ lục 1 đi kèm với Thông tư 13 phải đăng ký kiểm dịch trước khi hàng cập cảng. Cụ thể doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp giấy kê khai cho hải quan, chi cục kiểm dịch thực vật vùng và một bản đối chiếu do chính doanh nghiệp giữ.
Sau đó, bản kê khai sẽ được doanh nghiệp mang đến chi cục kiểm dịch thực vật, đi kèm với hợp đồng mua bán, vận đơn, giấy kiểm dịch lô hàng từ nước xuất khẩu. Sau khi được đóng dấu, làm thủ tục kiểm dịch, các doanh nghiệp sẽ đến các chi cục hải quan mở tờ khai, và cơ quan kiểm dịch mới lấy mẫu. Mẫu này sẽ vừa phục vụ cho công tác kiểm dịch thực vật, vừa phải đáp ứng các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng có nguồn gốc thực vật nhập khẩu dùng làm thực phẩm.
Hiện nay toàn bộ quy trình giám định mất từ 5 đến 7 ngày, tập trung tại chi cục kiểm dịch thực vật vùng.
Do vậy, để tránh tình trạng hàng hóa bị tắc nghẽn tại các khu vực cửa khẩu do quy trình giám định kéo dài, chúng tôi sẽ cấp giấy để thông quan cho các lô hàng trước khi có kết quả. Sau khi có kết quả giám định, nếu lô hàng không đạt sẽ nâng tần suất kiểm tra ở các lần nhập sau với mức độ nghiêm ngặt hơn.
Cụ thể, nếu việc lấy mẫu phát hiện lô hàng có chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao qua mức quy định thì chúng tôi sẽ nâng tần suất lấy mẫu lên 30%, tức 10 lần nhập khẩu sẽ lấy mẫu 3 lần. Nếu tiếp tục vi phạm ở lần thứ 2, thứ 3 thì sẽ nâng lên mức kiểm tra 100% lô hàng nhập về.
Kể từ khi thông tư 13 có hiệu lực cho đến nay có lô hàng nào bị ách tắc do thiếu giấy tờ hợp lệ không?
Đến nay chưa có trường hợp nào đáng kể ngoài trường hợp 400 container điều thô do Hiệp hội điều Việt Nam và một số doanh nghiệp nhập khẩu, đã lỡ ký hợp đồng trước ngày 1-7 nên đề nghị gia hạn thời hạn áp dụng thông tư. Riêng đối với trường hợp này, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã cho phép nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoàn tất hồ sơ đăng ký theo quy định của Thông tư 13.
Liệu người tiêu dùng từ nay đã có thể yên tâm hơn với chất lượng hàng rau quả nhập khẩu và có thể không lo ngại trước việc sẽ có những “lỗ hổng” trong quá trình kiểm tra?
Vấn đề an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay vẫn đang từng bước khắc phục, Việc kiểm tra tại các cửa ngõ và trong khi hàng hóa lưu thông trên thị trường hiện do chúng tôi phối hợp với Sở Nông nghiệp các tỉnh, thành phố thực hiện. Nhưng bên cạnh đó, để chất lượng sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn vệ sinh thì vẫn phải đòi hỏi ý thức ở các doanh nghiệp trong các quá trình chế biến, bảo quản hàng hóa.
Xin cảm ơn ông!
Thái Hằng thực hiện
tbktsg
|