Thứ Hai, 11/07/2011 14:14

Doanh nghiệp chờ thông điệp rõ ràng

“Doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh minh bạch, đủ thông tin để tìm cách gỡ khó trong bối cảnh chưa có thêm thông tin thuận cho tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm 2011”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định như vậy khi được hỏi về hướng đi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Ông đánh giá thế nào về tỷ lệ doanh nghiệp (DN) đăng ký mới trong 6 tháng đầu năm nay giảm cả về số lượng lẫn số vốn đăng ký?

Chúng ta nên bình tĩnh với động thái này. Khi thị trường khó khăn, cơ hội kiếm lời giảm, số lượng DN, cũng như số vốn đưa vào kinh doanh giảm cũng là điều dễ hiểu.

Theo khảo sát của VCCI về hoạt động kinh doanh của 360 DN vừa kết thúc cuối tháng 6 vừa qua, các DN đều chia sẻ điều này.

Điều đáng lo ngại chính là sự băn khoăn của DN về tình hình 6 tháng tới. Nhiều DN cho biết, họ chưa nhận được những thông điệp cần thiết, rõ ràng về tình hình kinh tế vĩ mô để có quyết định hợp lý trong giai đoạn khó khăn này.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Trong khảo sát của VCCI, có tới 64% DN thực hiện việc rà soát, sắp xếp, cắt giảm và loại bỏ những dự án kém hiệu quả. Tỷ lệ trung bình của các khoản vốn của dự án bị cắt giảm trên tổng vốn đầu tư dự kiến là 25,74%. Nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng chưa cần thiết, dự án mở rộng sản xuất bị dừng lại. Tuy nhiên, các DN cũng khẳng định, đây là công việc chủ động, thường xuyên, chứ không chỉ trong giai đoạn này.

Cũng không phải không có những DN “lội ngược dòng”. Có thể khẳng định, nhiều DN có thực lực, cả về vốn lẫn năng lực quản trị, đang tranh thủ cơ hội để tái cơ cấu, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập. Có tới 86% DN được khảo sát cho biết, họ đang tiến hành tái cơ cấu... Các DN sản xuất hàng xuất khẩu cũng đang tận dụng tốt cơ hội khi thị trường thế giới phục hồi.

Mặc dù vậy, phần lớn DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, đều gặp khó khăn. Trong đó, tỷ lệ các DN chịu tác động tiêu cực do tăng giá đầu vào, đặc biệt là giá điện, giá xăng, rất cao, tới khoảng 70%. Trên 50% DN đang chịu lãi suất cho vay trên 18%/năm, trong khi chỉ khoảng 20% có thể chịu được mức lãi suất này.

Theo tính toán của các chuyên gia, với mức lãi suất vay là 20%/năm và lạm phát là 12%/năm, DN phải đạt tỷ lệ sinh lời trên 33% mới đủ khả năng bảo toàn vốn. Tuy nhiên, điều này đang nằm ngoài khả năng của rất nhiều DN.

Đang có những dự báo không mấy tích cực về tỷ lệ DN tạm dừng hoạt động, thậm chí là phá sản trong năm nay. Các DN nhìn nhận điều này thế nào, thưa ông?

Như tôi đã nói, theo quy luật, tỷ lệ DN phá sản, dừng hoạt động trong bối cảnh kinh tế khó khăn sẽ tăng hơn các năm có điều kiện kinh tế bình thường. Sẽ có những DN buộc phải rút lui để nhường cơ hội, nguồn lực cho các DN khác. Ngay trong các chính sách của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ cũng thấy rõ một thực tế là, sẽ có nhóm DN phải nhận thiệt thòi hơn để dồn nguồn lực của xã hội cho các DN khác tạo ra năng lực sản xuất cho nền kinh tế, các DN kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm tốt...

Trong nhiều kiến nghị gửi về VCCI, ngoài việc thực hiện các giải pháp lâu dài, cốt lõi nhằm đảm bảo ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện triệt để Nghị quyết 11, DN mong  có được thông điệp rõ ràng từ các cơ quan quản lý nhà nước, trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá, việc thực hiện lộ trình tăng giá điện, xăng dầu, tăng lương tối thiểu...

Cùng với tính kỷ luật trong thực hiện, DN sẽ có cơ sở tính toán tốt hơn kế hoạch kinh doanh, dù đó là kế hoạch giãn, hoãn dự án hay chuyển hướng kinh doanh...

Bên cạnh đó, các kênh tiếp cận vốn cần được khai thông tối đa. Đơn cử như Quỹ Bảo lãnh tín dụng được thành lập để hỗ trợ DN không đáp ứng điều kiện về thế chấp vay vốn ngân hàng sau 3 năm hoạt động vẫn khá mờ nhạt.

Khánh An

đầu tư

Các tin tức khác

>   Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Không thể để thương lái Trung Quốc mua hàng không giấy phép, không thuế (11/07/2011)

>   Xuất khẩu gạo: Lắm mối, rối thị trường (11/07/2011)

>   Cà phê và nghịch lý mua cao, bán thấp (11/07/2011)

>   6 tháng, Viglacera lãi trước thuế 200 tỷ đồng (10/07/2011)

>   Kim ngạch thương mại Việt Nam - Indonesia tăng mạnh (10/07/2011)

>   Khu công nghiệp Hà Nội đạt doanh thu 1,9 tỷ USD từ đầu năm (10/07/2011)

>   Nghịch lý giá xăng dầu: Người tiêu dùng luôn chịu thiệt (10/07/2011)

>   Èo uột doanh số ôtô trong nước tháng 6 (10/07/2011)

>   Doanh nghiệp chỉ mới lãi 222 đồng/lít xăng! (10/07/2011)

>   Đằng sau việc đóng cửa Agel Việt Nam (09/07/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật